Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, xuyên suốt trong cả 2 phần chất vấn đối với hai vị bộ trưởng là làm sao để bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển đã tác động không nhỏ tới đạo đức, lối sống.

Những biểu hiện đáng lo của đạo đức xã hội

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả trong gia đình. Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới và giải pháp ngăn chặn như thế nào? Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ, vấn đề đạo đức học đường, văn hóa ứng xử trong thời gian qua có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, cần có giải pháp căn cơ để hạn chế, khắc phục.

Trả lời về vấn đề đạo đức xã hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dẫn lại đánh giá trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng rằng, văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp. Theo Bộ trưởng, văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực phát triển, nên đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, ngành và từng thành viên. 

Bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội
Cô và trò Trường Liên cấp Khương Hạ, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) trong giờ học giáo dục thể chất. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, có nhiều vấn đề phiền toái liên quan tới ứng xử của văn nghệ sĩ thời gian qua, trong đó có cả những hành xử phản văn hóa. Bộ VHTTDL đã ban hành quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp, lấy giá trị thước đo chân, thiện, mỹ để đấu tranh với cái xấu, cái ác. Mặc dù không phải chế tài, nhưng bộ quy tắc ứng xử có tính chất phạm trù đạo đức để văn nghệ sĩ tự giác thực hiện.

Xây dựng các bộ tiêu chí để phát hiện sự lệch chuẩn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối. Bộ VHTTDL vừa ban hành bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc và quan trọng nhất là vận động thực hiện bộ tiêu chí này. Đây là cuộc cách mạng lâu dài, tinh thần là phải nhân lên cái tốt. Vì vậy, bộ có chủ trương khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từ đó tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng gia đình, để góp phần lưu truyền giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bộ VHTTDL đang tập trung vào vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong trường học và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để xây dựng bộ tiêu chí môi trường văn hóa học đường. Bộ VHTTDL mong muốn khơi dậy ở học sinh vai trò là chủ thể trong xây dựng đạo đức, lối sống biết tự giác, biết khuôn mẫu, trên tinh thần phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, lan tỏa.

Cùng trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, giáo dục hiện nay đang lấy việc dạy làm người là nội dung trọng tâm và ưu tiên, nên vấn đề về văn hóa học đường, ứng xử trong trường học càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bộ GD&ĐT rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chính sách có liên quan. Trong đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 là giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trong việc chuẩn bị, ban hành chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Việc triển khai nhiều nội dung của chỉ thị này sẽ tạo ra chuyển biến tốt đối với các vấn đề về văn hóa học đường...

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, UBTVQH yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là cho thế hệ trẻ, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng, hoàn thiện các bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng, địa bàn dân cư và cả trên không gian mạng.

Dọn "rác" trên không gian mạng

Hầu hết các giá trị, chuẩn mực đạo đức đã được luật pháp bảo vệ, trong đó có pháp luật về hình sự. Bởi thế, bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội thông qua việc xử lý nghiêm tội phạm, bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội trên không gian mạng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong phần chất vấn sáng 10-8.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an đã thực hiện các giải pháp để bảo đảm sự lành mạnh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để lành mạnh hóa mạng xã hội thì có vai trò rất quan trọng của nhân dân, của người sử dụng mạng xã hội. Người sử dụng mạng xã hội phải biết tìm hiểu thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh nhất.

Tham gia trả lời về xử lý tình trạng thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới thực thi tại Việt Nam và các nền tảng như Facebook, YouTube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước từ dưới 20% năm 2018 lên 90-95%. Trước năm 2018, chỉ có khoảng 5.000 tin video sai sự thật bị bóc gỡ, đến nay, số lượng thông tin xấu, độc, sai sự thật được bóc gỡ tăng lên 20 lần, với gần 100.000 tin video bị bóc gỡ.

Bộ đã thành lập và vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với khả năng xử lý tới 300 triệu tin mỗi ngày để phát hiện sớm các thông tin xấu, độc, sai sự thật. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng như việc dọn "rác" trên không gian mạng. Bộ đang soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng về việc các bộ, ngành, địa phương cũng có trách nhiệm lên không gian mạng để phát hiện, tiếp nhận và xử lý "rác" thuộc lĩnh vực quản lý, làm sạch không gian mạng. Bộ cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội...

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích, tốc độ lan truyền của thông tin trên mạng rất lớn. Thống kê của thế giới cho thấy, tốc độ tác động và lan truyền của thông tin xấu trên mạng còn nhanh hơn 6-7 lần tốc độ tác động và lan truyền của thông tin tốt trên mạng. Do vậy, một thông tin phản văn hóa và xấu trên mạng xã hội tác động lớn hơn rất nhiều lần so với một hiện tượng xấu khi chưa có mạng xã hội. “Chúng ta đã ban hành Luật An ninh mạng, các nghị định có liên quan, chúng ta một mặt phủ thông tin tốt để che thông tin xấu và bắt đầu xử lý rất nghiêm, kể cả xử lý hình sự những đối tượng lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng internet xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, UBTVQH yêu cầu sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực an ninh mạng, bảo đảm an toàn với hệ thống an ninh mạng quốc gia, sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng. Bộ Công an cần làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo, có giải pháp kịp thời với những vấn đề thực tiễn mới phát sinh về an ninh mạng, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng hạ tầng công nghệ, bảo đảm an toàn an ninh mạng một cách tự chủ, đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng.

Quản lý chặt chẽ thông tin trên internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng internet, mạng xã hội, báo chí. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước ta. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng.