Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

“BẤT TUÂN DÂN SỰ” HỆ QUẢ CỦA “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM - NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH

 

 

 Những năm qua, “Bất tuân dân sự” (BTDS) với hình thức “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”… trở thành chiêu bài thâm độc của các thế lực thù địch xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, lật đổ chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, BTDS là hệ quả của “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tập hợp lực lượng, gây rối an ninh trật tự, khi có thời cơ sẽ tiến hành bạo loạn, lật đổ chính quyền. Do vậy, cần phải nhận diện chính xác, có biện pháp đấu tranh phòng chống kịp thời làm thất bại mọi thủ đoạn phá hoại của bọn cơ hội chính trị, phản động và các thế lực thù địch.

 “Bất tuân dân sự” là một ý niệm xuất hiện từ rất sớm, sau khi luật Pháp điển Dân sự La Mã (năm 529) ra đời,  nó phản ánh hoạt động tự phát của một bộ phận quần chúng phản đối các đạo luật bất công của bộ máy thống trị. Trong tiến trình lịch sử đấu tranh của nhân loại, phong trào BTDS diễn ra ngày càng nhiều, số người tham gia ngày càng đông đảo, có tổ chức chặt chẽ hơn, có thủ lĩnh chính trị cầm đầu, đấu tranh hiệu quả với nhà nước. Đại đa số BTDS là các cuộc đấu tranh “bất bạo động”, nhưng cũng đã phát triển đến đấu tranh bạo động như: khởi nghĩa nông dân của nước Anh (1381) Oan-tơ Tai-Lơ (Walter Tyler), cách mạng Pháp (năm 1789).

Đến năm 1849, thuật ngữ BTDS mới chính thức được đề cập đến do Hen-ri Đa-vít Thơ-râu (Henry David Thoreau) viết trong “Về bổn phận bất tuân dân sự”[1] với nhận thức BTDS là các hoạt động công khai từ chối tuân theo một số luật lệ nhất định, yêu cầu và lệnh của chính phủ, hoặc của một quyền lực quốc tế chiếm đóng. Khái niệm BTDS phát triển trong một thời gian dài, do nhiều tác giả nghiên cứu, đưa ra quan điểm khác nhau phù hợp với hoàn cảnh thời điểm lịch sử đó, bắt đầu từ “BTDS là một hành động công khai, bất bạo động, triệt để nhưng có tính chính trị trái với luật pháp nhằm mục đích thay đổi luật pháp hoặc chính sách”; cho đến là “một cuộc phản đối công khai, bất hợp pháp và mang tính chính trị được thực hiện chống lại nhà nước hoặc chính sách”[2].

Đầu thế kỷ XX, BTDS diễn ra khắp nơi trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau thay đổi chế độ như: “Cách mạng bất bạo động” đấu giành độc lập ở Ai Cập (1919), “kháng cự dân sự” cuả Ma-hát-ma Ghan-đi đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Anh (1947). Cuối thế kỷ XX, xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu có dấu hiệu khủng hoảng toàn diện, là “thời cơ vàng” để Mỹ và phương Tây thúc đẩy mạnh mẽ phong trào BTDS như: “Công đoàn đoàn kết” ở Ba Lan (1980-1990), “Nhóm Hiến chương 77” và “Cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc (1977-1989), “Bức tường ô nhục” ở Béc-lin năm (1989-1990); “Cách mạng ca hát” ở ba nước vùng Ban-tích; phong trào “cải tổ, dân chủ, công khai” ở Liên Xô năm 1991 làm tan rã, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Đối với các quốc gia cùng thể chế chính trị, nhưng không theo quỹ đạo của Mỹ và phương Tây là mục tiêu thực hiện BTDS như: “Cách mạng màu” ở các nước thuộc Liên Xô cũ (2000-2005); “Cách mạng xanh”, “Cách mạng hoa nhài” (Mùa xuân Ả Rập) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông (2010-2011); “Cách mạng mùa Xuân” ở My-an-ma (2021) ... đều có dấu ấn của BTDS gây hậu quả nặng nề về an ninh trật tự và thực thi pháp luật quốc gia.

Như vậy, BTDS có thể xảy ra ở tất cả các quốc gia, với nhiều lý do khác nhau; ban đầu là là phong trào đấu tranh tự phát, sau đó thế lực đối lập trong nước hoặc ở nước ngoài lợi dụng, nuôi dưỡng, chỉ đạo chặt chẽ, có thể lan rộng ra phạm vi rộng, trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội; giai đoạn đầu là “bất bạo động”, nếu không xử lý dứt điểm sẽ chuyển  thành “bạo động” lật đổ chính quyền.

Ở nước ta, BTDS đã diễn ra ở một số địa phương như: Thái Bình (1997), Tây Nguyên (2001, 2004)… mang tính riêng biệt, ta phát hiện ngăn chặn và giải quyết kịp thời nên đã lắng xuống. Gần đây, các vụ BTDS diễn ra nhiều hơn, có sự lan tỏa hiệu ứng và lây lan nhanh chóng trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực khác nhau, thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp, đối tượng tham gia đông, không còn là “bất bạo động” gây hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu các vụ việc BTDS trong thời gian qua, rút ra một số điểm như sau:

Một là,  Có nhiều nguyên nhân khác nhau, ban đầu là đấu tranh tự phát, nhỏ lẻ của một bộ phận quần chúng nhân dân bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi của mình, phản đối một quyết định, hành động sai trái, vi phạm của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính quyền cơ sở, bị kẻ quá khích kích động, nhiều người tham gia lây lan nhanh chóng, quy mô ngày càng lớn, lúc này BTDS chủ yếu mang tính chất lợi ích kinh tế, khi được đáp ứng kịp thời, thỏa đáng thì BTDS được giải quyết. Nếu chính quyền không giải quyết dứt điểm, có sự tham gia của các phần tử cơ hội “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, tổ chức phản động hoặc sự can thiệp của Mỹ và phương Tây, BTDS mang màu sắc chính trị, chúng sử dụng các thủ đoạn thâm độc bôi nhọ Đảng, Nhà nước làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng; thông qua nhiều kênh thông tin, mạng xã hội tập hợp lực lượng “tạo cớ” tiến hành BTDS. Ban đầu từ một địa phương, lĩnh vực, vụ việc và chủ yếu là “bất bạo động”, khi có cơ hội thì lan rộng ra phạm vi cả nước, gây rối, gây bạo loạn, “dựng ngọn cờ” nhà nước đối lập, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chính quyền; khi ta đấu tranh mạnh mẽ thì chúng kêu gọi nước ngoài can thiệp bao vây, cấm vận, tiến hành chiến tranh xâm lược.

Hai là, chúng tiến hành BTDS trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chính trị là chủ yếu, đòi Đảng xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, xem lại con đường đi lên CNXH; bỏ “định hướng XHCN”; tuyên bố “bỏ Đảng”, như: “Nhóm kiến nghị 72, 61”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”, giáo sư Tương Lai tuyên bố rầm rộ “bỏ Đảng” (tháng 9.2017). Đáng chú ý, đã xuất hiện các tổ chức xã hội “độc lập”, cơ sở của “BTDS” hoạt động theo xu hướng đối trọng với các tổ chức của chính quyền như: “Phong trào Lao động Việt” đối trọng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, “Hội Luật sư độc lập” đối trọng với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, “Văn đoàn độc lập” đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam, “Hội Nhà báo độc lập” đối trọng với Hội Nhà báo Việt Nam… BTDS lĩnh vực kinh tế chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, đã xuất hiện rất nhiều vụ chống đối cưỡng chế của người dân đối với chính sách di rời, giải phóng mặt bằng trên cả nước. BTDS lĩnh vực lập pháp xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, tháng 6.2018 hàng ngàn người dân ở một số địa phương như Hà nội, Đà Nẵng, Bình Thuân, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh… xuống đường biểu tình phản đối Luật đặc khu, Luật an ninh mạng. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, xuất hiện một số nhóm, cá nhân có hành động chống lại việc bố trí quân sự, vấn đề Quân đội làm kinh tế, đăng hàng loạt bài viết bôi nhọ hình ảnh của Quân đội, chia rẽ Quân đội với Nhân dân nhằm làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của Quân đội trong phòng chống BTDS.

Ba là, có nhiều đối tượng tham gia BTDS: những người trực tiếp bị xâm hại về quyền, lợi ích như: công nhân, nông dân, ngư dân, tài xế, tiểu thương…tiến hành phản kháng chính quyền để đòi quyền lợi. Một số kẻ không bị ảnh hưởng quyền lợi, chúng là kẻ quá khích, tội phạm hình sự tham gia. Đáng chú ý là các phần tử, nhóm cực đoan, phản động, cơ hội, chống đối chính trị, trí thức bất mãn, bị tha hóa về quan điểm chính trị, chức sắc tôn giáo cực đoan, cùng các nhóm phản động, “xã hội dân sự”; đóng vai trò là chất xúc tác; đưa các quan điểm BTDS vào các tổ chức, hướng lái các vụ việc theo hướng chống đối chính quyền. Điển hình cho các nhóm trí thức bất mãn là: “Hội nhà báo độc lập”, “Nhóm Kiến nghị 61, 72”, “Luật sư bảo vệ Công lý”; các nhóm phản động như: “đảng Việt Tân”; “xã hội dân sự” như: “Phong trào Lao động Việt”, “Bạn hữu đường xa”, “Hội dân oan”. Trong một số vụ lớn còn có sự tham gia của các NGO hoạt động tại Việt Nam và lực lượng thù địch từ bên ngoài. Đây là tổ chức gián tiếp nhưng đóng vai trò là nguồn gốc đưa quan điểm BTDS vào Việt Nam và cổ vũ, hỗ trợ BTDS phát triển như: Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Oxfam, nhóm nghị sỹ chống lại Việt Nam trong Quốc hội Mỹ…

Bốn là, BTDS từ “bất bạo động” trở thành “bạo động” chống đối chính quyền như vụ Đoàn Văn Vươn thôn Chùa Trên, xã Vinh Quang, Tiên Lãng/Hải Phòng (01.2012); cuộc tuần hành, khiếu kiện của giáo dân miền Trung (09.04.17) đã có hành động giương cờ của chế độ cũ, ném mìn vào nhà cán bộ chính quyền (28.03.17); chiếm trụ sở huyện Lộc Hà/Hà Tĩnh (4.2017); vụ gây rối, đập phá trụ sở chính quyền, đốt xe của Công an diễn ra Bình Thuận và nhiều địa phương để phản đối Luật An ninh mạng (6.2018); các phần tử quá khích thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức do Lê Đình Kình cầm đầu sử dụng hung khí chống trả lực lượng thi hành công vụ làm 03 chiến sĩ Công an hy sinh (01.2020)… cho thấy mức độ nguy hiểm của tình trạng “BTDS” ở Việt Nam hiện nay.

Năm là,  BTDS đã gây ra những tác động xấu đối với tình hình an ninh chính trị tại một số địa bàn/lĩnh vực trên cả nước: Gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội tại nhiều địa bàn trên phạm vi cả nước; khiến cho việc thi hành luật lệ khó khăn, việc triển khai các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội bị trì hoãn, việc quản lý xã hội bằng pháp luật không thể thực thi, gây rối loạn an ninh trật tự, gây thiệt hại về kinh tế.  Nguy cơ “ly tán lòng dân”, vô hiệu hóa hoạt động của bộ máy chính quyền. Tạo ra nguy cơ mất Đảng, mất chế độ. Tạo thời cơ cho các thế lực phản cách mạng gia tăng các hoạt động gây sức ép, tạo đòn bẩy tác động hướng lái, sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Việt Nam, gây ảnh hưởng cho hoạt động đối ngoại, tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta.

 “Bất tuân dân sự” là hệ quả của “DBHB”, là “đêm trước” của bạo loạn lật đổ. Hiện nay, “BTDS” ở nước ta đang có sự phát triển cả về diện rộng và chiều sâu, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ XHCN và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta ngày càng trở nên hiện hữu. Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện mọi thủ đoạn thâm độc để thực hiện BTDS ở nước ta. Do vậy, cần nghiên cứu thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong xây dựng văn hóa “thượng tôn pháp luật”. Chú trọng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, đến được với mọi người dân.

Hai là, Tăng cường đấu tranh vạch rõ bản chất âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, nhất là BTDS. Qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của toàn dân tham gia đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch..

Ba là, Thực hiện đồng bộ chính sách kinh tế- xã hội, dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước gắn với quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực kinh tế, tài chính, tài nguyên, môi trường… đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý dứt điểm, hiệu quả các các vụ án kinh tế trọng điểm…

Bốn là, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng tham gia quản lý, giáo dục, đấu tranh với các đối tượng, không để các thế lực thù địch, phản động, kẻ xấu  lợi dụng, khống chế, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia hoạt động “BTDS”.  Phát huy vai trò trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp, nhất là tinh thần phục vụ nhân dân. Tăng cường đối thoại, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của người dân, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng về tranh chấp, khiếu kiện không để âm ỷ, kéo dài, không để kẻ xấu lợi dụng kích động tạo thành điểm nóng.

Năm là, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; kiên quyết không để “nhóm lợi ích” chi phối, trục lợi về chính sách. Kiên quyết loại bỏ các điều luật còn bất cập, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật để không xảy ra tình trạng bất cập, chồng chéo, chưa thực hiện đã phải sửa đổi do lạc hậu.

Bất tuân dân sự là chiêu trò  của các thế lực thù địch kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta, là hệ quả của “diễn biến hòa bình”, bạo loạt lật đổ. Do vậy, cần nhận diện chính xác, tăng cường biện pháp phòng ngừa, giải quyết dứt điểm các nguyên nhân xảy ra, đồng thời kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

03/8/2022

Không thể xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

 

Sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp công nhân (GCCN) hiện đại là phát kiến vĩ đại của C.Mác. Bằng cái nhìn duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng về sứ mệnh của GCCN trong toàn bộ học thuyết của mình, song tập trung nhất là ở lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, có đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN. Góp phần phê phán các nhận thức này và bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác là nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay. 

Nhận thức phiến diện, luận điệu xuyên tạc

Giải phóng giai cấp, dân tộc, nhân loại thoát khỏi bóc lột, áp bức, bất công để mọi người và mỗi người được sống trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do. Những khát vọng cao đẹp ấy của nhân loại đã có từ bao đời. Nhưng chỉ đến thế kỷ 19, khi xuất hiện nền đại công nghiệp và cùng với đó là sự trưởng thành của GCCN và chính đảng của nó thì những cơ sở thực tiễn để hiện thực hóa khát vọng ấy mới xuất hiện đầy đủ. 

CNXH khoa học đã làm rõ những tất yếu, quy luật cùng những điều kiện, lực lượng, động lực, lộ trình để thực hiện SMLS của GCCN. Xã hội hóa trong sản xuất kinh tế và dân chủ hóa trong đời sống chính trị-xã hội là những tiền đề của CNXH do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tạo ra. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của CNXH là nền sản xuất phát triển cao được xây dựng trên cơ sở xác lập chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu. Đây là một tất yếu xuất phát từ yêu cầu xã hội hóa của sản xuất công nghiệp, được thực hiện thông qua tự giác thực hiện quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Lý luận về SMLS của GCCN là cốt lõi của lý luận về CNXH khoa học.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, nhiều đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN với ý đồ không lành mạnh.

Có ý kiến cho rằng, “GCCN trên thế giới hiện nay không khác mấy GCCN của những năm 70 của thế kỷ 20”; đó chỉ là những nhóm người “trực tiếp lao động sản xuất của cải vật chất trong công nghiệp”, “trong xã hội hiện đại, công nhân đang ít đi và không chiếm đa số trong lao động”. Một nhận thức phiến diện khác cho rằng, hiện nay, vị thế của công nhân ở nhiều nước không có gì khác so với thế kỷ 19-tức là công nhân “làm thuê, không có quyền định đoạt sản xuất và phân phối”... Hoặc cũng có nhận xét rằng “hiện nay trên thế giới không thấy phong trào công nhân, chỉ thấy các phong trào xã hội”. Bên cạnh đó, một số người cho rằng, hiện nay, “SMLS của GCCN chỉ còn được tiếp tục ở một vài nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện đại, vấn đề SMLS của GCCN là trọng điểm đấu tranh của cả GCCN và giai cấp tư sản, CNXH và CNTB cùng nhiều sắc thái chính trị-xã hội khác nhau. Họ biết rõ rằng, SMLS của GCCN là cốt lõi của CNXH khoa học và phủ nhận được sứ mệnh này là phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của GCCN và đảng cộng sản. Gần đây, trong xu thế phát triển của thế giới với trình độ kinh tế tri thức và hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, cũng có ý kiến cho rằng, “trong kinh tế tri thức thì SMLS là của trí thức chứ không phải của công nhân”. Đây là một nhận thức không đầy đủ.

Những phân tích sau đây có thể góp phần làm rõ hơn nhận thức liên quan đến vấn đề trí thức và SMLS của GCCN trong thời đại ngày nay.

Trí thức có vai trò rất quan trọng nhưng không thể thay thế sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Thứ nhất, cho dù tri thức, kiến thức khoa học có vai trò to lớn, nhưng phát triển hiện đại không vì thế mà không cần đến sản phẩm vật chất để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của mình (chẳng hạn ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, xây dựng, chữa bệnh...). Tất cả nhu cầu ấy lại chỉ có thể được thỏa mãn thông qua sản xuất vật chất và thường là thông qua sản xuất công nghiệp. Chỉ có sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp mới có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của gần 8 tỷ người trên thế giới hiện nay. Vì vậy, nhân loại hiện nay vẫn cần tới sản xuất vật chất và lao động của GCCN để tồn tại và phát triển.

Thứ hai, GCCN hiện đại đang được trí thức hóa, trí tuệ hóa trong các cuộc cách mạng công nghiệp. Yêu cầu khách quan của sản xuất, dịch vụ hiện đại và vận hành nền sản xuất công nghiệp hiện đại đòi hỏi GCCN không ngừng nâng cao năng lực lao động, làm chủ khoa học và công nghệ. Hiện nay, khoảng 40% công nhân của các nước G7 có trình độ đại học. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (năm 2002), gần 70% công nhân Nhật Bản có trình độ đại học. Với trình độ như vậy, trên thực tế, người ta dùng khái niệm công nhân-trí thức để chỉ nhóm lao động trình độ cao này. Thế nên, quan niệm công nhân “là người lao động thừa hành, trình độ học vấn thấp” đã lạc hậu và bất cập với thực tế.

Thứ ba, SMLS của GCCN tự nó đã mang một hàm lượng tri thức rất lớn và bản thân GCCN cũng đang trí tuệ hóa, đang tạo ra một lớp trí thức-công nhân trong lực lượng lao động của mình. Họ là các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ đang hằng ngày hoàn thiện, phát triển để tăng năng suất lao động, bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về kinh tế-xã hội và môi trường. Xã hội gọi nhóm lao động này là trí thức-công nhân hay nguồn nhân lực trình độ cao. Theo đó, cả về lý luận và thực tiễn, SMLS của GCCN không xa lạ gì với tri thức, trí thức, khoa học hiện đại. Việc tách rời tri thức với quá trình thực hiện SMLS của GCCN là một cái nhìn phiến diện.

Thứ tư, trí thức là nhóm lao động sản xuất ra các giá trị tinh thần; còn công nhân là nhóm lao động sản xuất vật chất. Sản xuất vật chất, các quá trình kinh tế xét đến cùng, bao giờ cũng là yếu tố quyết định nhất. Tri thức và lao động của họ, có vai trò rất quan trọng trong phát triển hiện đại nhưng bao giờ cũng cần đến việc chuyển hóa những giá trị tinh thần đó vào thực tiễn. Những công thức, ý tưởng sáng tạo, phần mềm (software) hay nói chung là phát kiến khoa học đều cần tới công nghệ để thể hiện ra giá trị của mình. Trên thực tế, nhiều sản phẩm tinh thần chỉ có thể bộc lộ giá trị thông qua việc hóa thân vào những ứng dụng công nghệ. Khoa học cần công nghệ để thể hiện ra, công nghệ cần khoa học để tiến hóa. Hai quá trình thực tiễn này hiện nay đã gần gũi lại trong một lĩnh vực hoạt động mà hiện nay thường gọi là “cách mạng khoa học và công nghệ”. Thông qua thực tiễn đó có thể nhận định: Sản xuất vật chất là cái quyết định, sản xuất tinh thần là để phục vụ cho quá trình tồn tại của xã hội. Sáng tạo tinh thần như khoa học, văn hóa, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong phát triển xã hội hiện đại, nhưng nếu chỉ tinh thần thôi thì chưa đủ nền tảng cho phát triển bền vững của xã hội loài người.

Thứ năm, SMLS thực chất là sự nghiệp của một giai cấp đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo xã hội xây dựng một hình thái kinh tế-xã hội mới. Để làm tròn trách nhiệm ấy, đòi hỏi giai cấp có SMLS phải đạt được những yêu cầu, đặc điểm riêng. Điều đó tập trung ở 4 nội dung: Phải là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ xã hội, bao gồm cả về kinh tế (xu thế phát triển sản xuất) và chính trị (đại diện cho xu thế dân chủ hóa); phải là đại diện cho lợi ích chung của xã hội, các giai tầng và cả dân tộc; phải có một hệ tư tưởng riêng vừa phản ánh nhận thức về quy luật vận động đương thời, vừa thể hiện tính tiền phong về lý luận; phải có kết cấu, tổ chức chặt chẽ với một hạt nhân là chính đảng của giai cấp...

Một giai cấp muốn đảm nhận sứ mệnh xác lập một hình thái kinh tế-xã hội mới, nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện trên. Đội ngũ trí thức không hội đủ các điều kiện ấy. Ngộ nhận về sự tăng lên của vai trò trí thức trong phát triển hiện đại đôi khi khiến người ta lãng quên những mối quan hệ, các đặc điểm và vị thế của trí thức trong tồn tại xã hội. Trí thức có công khái quát những tri thức lý luận và nâng cao trình độ nhận thức của phong trào công nhân. Trí thức có thể cùng với GCCN và nhân dân làm nên lực lượng của cách mạng XHCN. Thực hiện SMLS của mình, GCCN cần đến sự hợp tác của trí thức và tự mình nâng cao tri thức, kỹ năng lao động hiện đại. Nhưng đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng XHCN thì chỉ có GCCN mới đủ cơ sở, điều kiện, năng lực thực tế.

Tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Cách mạng XHCN coi việc giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công và để con người phát triển trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là mục tiêu cao nhất. Sứ mệnh hàng đầu của GCCN là bằng phương thức lao động công nghiệp để sản xuất ra của cải vật chất ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cho quá trình phát triển của nhân loại. Từ đó, họ tạo ra các tiền đề, điều kiện vật chất cho xã hội mới.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác và từ thực tiễn hiện nay, GCCN ở tất cả quốc gia với trình độ phát triển khác nhau vẫn đang tiếp tục thực hiện SMLS của mình với nhiều trình độ, cách thức khác nhau. Thậm chí, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hiện nay, chính GCCN ở các nước TBCN phát triển, bằng việc làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại, bằng năng suất lao động cao lại đang đóng góp tích cực cho việc thực hiện nội dung kinh tế kỹ thuật của SMLS của GCCN. 

Có thể khẳng định rằng, SMLS toàn thế giới của GCCN là một học thuyết về giải phóng và phát triển hiện đại do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin luận giải một cách khoa học, hệ thống. Đây là vũ khí tư tưởng của các đảng cộng sản, của GCCN trong cuộc đấu tranh với ý thức hệ tư sản và các thế lực thù địch với CNXH. Chúng ta cần luôn cảnh giác phát hiện và đấu tranh với những tư tưởng sai lầm, xuyên tạc để bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng của lý luận về SMLS của GCCN và qua đó, bảo vệ chế độ XHCN cần được xem là nhiệm vụ thường trực.

Ở Việt Nam, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc rằng, thực hiện thành công sự nghiệp “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước nhanh và bền vững” để tạo ra cơ sở vật chất cho CNXH và “xây dựng GCCN hiện đại, lớn mạnh” cần được xem là những cơ sở hiện thực, phương hướng chính để làm rõ và khẳng định SMLS của GCCN Việt Nam đối với dân tộc và sự nghiệp xây dựng CNXH./.



[1] Henry David Thoreau: Essay: “On the Duty of Civil Disobedience”, 1849

[2]William Smith: ((Dân chủ, cân nhắc và không tuân theo) Democracy, deliberation and disobedience, Res Publica, 10(4), 353 -337 (2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét