"Sập bẫy" việc nhẹ lương cao

Anh Ksor Gum (sinh năm 1999), ở làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã về đoàn tụ với gia đình gần một tháng nay nhưng vẫn rùng mình mỗi khi nhắc đến những ngày trong “động quỷ” của bọn buôn người. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ đã già yếu nhưng vẫn phải tần tảo lo từng bữa ăn cho gia đình, nên khi có người rủ vào Tây Ninh làm việc nhẹ lương cao thì Ksor Gum không ngần ngại nhận lời ngay. Để tránh sự ngăn cản của gia đình, Ksor Gum cùng 6 thanh niên khác ở làng Kloong chia làm hai đợt lặng lẽ khăn gói vào miền Nam, rồi theo những chuyến xe nối tiếp sang biên giới Campuchia nhận việc. “Khi mới sang, cứ nghĩ công việc máy tính đơn giản, chúng em hồ hởi chụp ảnh lưu niệm, hôm sau họ giao việc mới biết đó là lừa đảo, không làm thì bị đánh đập dã man và bị bỏ đói”, Ksor Gum hãi hùng nhớ lại.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Gia Lai đến thăm gia đình anh Puih Đại, ở làng Kloong, một trong 7 nạn nhân "sập bẫy" việc nhẹ lương cao được các lực lượng chức năng hỗ trợ đưa về địa phương đầu tháng 7-2022, mới thấy hết thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn người. Chúng đánh đúng vào điểm yếu của thanh niên dân tộc thiểu số như: Nhận thức còn hạn chế, thiếu việc làm, gia đình đang rất khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống... Puih Đại kể: “Mình bị thằng Quyết (đối tượng Trần Quang Quyết) nó lừa. Khi nó nói đi sang Campuchia làm việc mình đã không đồng ý, bởi ở nhà còn có mẹ già và vợ đang mang thai. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, nó lại nói không đi Campuchia thì đi Tây Ninh làm việc với mức lương từ 18 đến 20 triệu đồng. Lúc này mình nghĩ, nếu ở Tây Ninh thì về thăm nhà sẽ dễ hơn và việc làm cũng nhẹ nhàng mà lương lại cao nên đã đồng ý đi”.

Theo Puih Đại, sau khi sang Campuchia, các anh được hướng dẫn dùng máy tính tạo lập các tài khoản Zalo, Facebook để lừa đảo. Mỗi người phải làm việc từ sáng sớm đến tận khuya, nhiều hôm làm cả đêm. Khi thấy công việc bất chính, không phù hợp, mọi người xin nghỉ thì các đối tượng không những không cho mà còn đánh đập, chích điện, bỏ đói nhiều ngày và dọa giết. Sau đó, chúng bắt các nạn nhân gọi điện về nói với người nhà gửi tiền sang chuộc, ban đầu là 150 triệu đồng, về sau giảm dần xuống 100 triệu đồng và cuối cùng là 65 triệu đồng.

Theo ban chuyên án GL622, cả 7 nạn nhân gồm: Puih Đại (sinh năm 1998), Puih Môi (sinh năm 2004), Ksor Jối (sinh năm 2004), Puih Chiêu (sinh năm 2003), Ksor Gum (sinh năm 1999), Puih Thái (sinh năm 1994) và Puih Phú (sinh năm 2006) cùng trú tại làng Kloong đều bị lừa sang Campuchia với một kịch bản: Đi làm việc nhẹ lương cao ở TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh nhưng khi vào đến nơi lại bị các đối tượng dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia. Tại sòng bạc ở Campuchia, các nạn nhân được yêu cầu ký hợp đồng lao động kèm điều khoản bồi thường tiền nếu vi phạm, sau đó giao công việc “đào” bitcoin trên máy tính cả ngày lẫn đêm hoặc gọi điện thoại về nước lừa đảo với mục đích ép các nạn nhân vi phạm hợp đồng, bắt người nhà gửi tiền sang chuộc. Nếu không chuộc sẽ bị đánh đập, bỏ đói và bán sang Trung Quốc.

Trả lại bình yên cho thôn làng

Xác định đây là vụ việc có yếu tố tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động. Hành vi này cũng lần đầu tiên xuất hiện trên khu vực biên giới tỉnh Gia Lai với quy mô lớn và liên quan đến yếu tố nước ngoài. Vì vậy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, Bộ tư lệnh BĐBP, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP) xác lập chuyên án GL622; tổ chức lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia đấu tranh, triệt phá đường dây buôn người, đưa 7 nạn nhân về đoàn tụ với gia đình.

Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Gia Lai cho biết: Từ nhiều nguồn thông tin, ban chuyên án xác định được 7 thanh niên làng Kloong bị đối tượng tên là Trần Quang Quyết (sinh năm 2001), trú tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum trực tiếp dụ dỗ và đưa sang Campuchia lao động. Qua đấu tranh, đối tượng Quyết khai nhận, thông qua mạng xã hội làm quen với một người ở làng Kloong tên là Cầm Mã Sáu. Thông qua Cầm Mã Sáu, Quyết đã dụ dỗ 7 thanh niên ở làng Kloong vào các tỉnh phía Nam làm việc rồi lừa bán sang Campuchia thu lợi bất chính 128 triệu đồng. Hiện Đồn Biên phòng Ia O (BĐBP tỉnh Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán người đối với đối tượng Trần Quang Quyết và bàn giao cho cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra làm rõ. Để có được thành công này, ngay từ khi xác lập chuyên án, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ban chuyên án quán triệt quan điểm “bí mật, tập trung, thống nhất, nhanh chóng, kịp thời, điều tra sâu, xác minh kỹ, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để phá án; tuyên truyền, động viên ổn định tư tưởng, tâm lý của nhân dân và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ các nạn nhân.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận dư luận đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời, chính xác, hiệu quả của BĐBP tỉnh Gia Lai để phá án, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Dù đang làm công việc gì, bà Ksor Sam cũng không rời mắt khỏi cậu con trai Ksor Gum. Những ngày con trai bị lừa sang Campuchia, bị đánh đập và đòi tiền chuộc, bà đã khóc cạn nước mắt. Rồi hạnh phúc vỡ òa khi con trai bà được BĐBP tỉnh Gia Lai hỗ trợ, giải cứu đưa về nhà. “Không có gì vui sướng hơn việc thằng Gum về nhà. Nó về thật rồi và tôi không cho nó đi đâu nữa. Cảm ơn BĐBP và các cơ quan chức năng đã đưa con trai tôi trở về an toàn, lành lặn”, bà Ksor Sam xúc động nói. Chị Puih Niêng, trú tại làng Kloong là chị gái nạn nhân Puih Đại, cũng không giấu được niềm vui, những ngày qua, chị nấu cho em trai nhiều món ăn ngon để bồi bổ sức khỏe. Chị Puih Niêng nhớ đêm 22-6-2022, Puih Đại gọi điện về khóc thảm thiết và nói không có tiền chuộc thì em chết mất, từ đó cả nhà chị không ai ăn, ngủ được, sợ Puih Đại lành ít dữ nhiều. Giờ thì em trai chị đã được BĐBP đưa về nhà, mọi người trong gia đình mừng khôn xiết.

Theo đồng chí Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O, qua vụ việc, không chỉ người dân mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng được một bài học để đời. Người dân đã thấm thía và cảnh giác hơn với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng. Còn cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên thì thấy được những lỗ hổng, bất cập trong công tác nắm địa bàn, nắm dư luận, tuyên truyền, vận động nhân dân. "Hiện nay, Đảng ủy, UBND và các tổ chức, đoàn thể xã Ia O đang phối hợp với BĐBP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng để đồng bào không mắc phải những sai lầm tương tự; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống", đồng chí Siu Nghiệp cho hay.