TCCS - Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đặt ra yêu cầu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cấp ủy các cấp từ Trung ương tới cơ sở phải có sự thống nhất về nhận thức, xây dựng được kế hoạch triển khai cụ thể và chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc tổ chức thực hiện.
Thực tiễn 20 năm thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương
Chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương được Đảng ta nêu lên từ Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”, trong đó có nội dung “thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương” và trước mắt tổ chức thí điểm việc điều động, luân chuyển một số đồng chí về làm bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, làm điểm việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương ở một số tỉnh, thành phố. Khi thực hiện việc luân chuyển này có hiệu quả sẽ nhân rộng ra các đối tượng khác và luân chuyển từ vùng, miền này sang vùng, miền khác.
Trong 20 năm qua, chủ trương này luôn được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhất quán lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và thường xuyên được nhắc tới trong các văn kiện lãnh đạo của Đảng liên quan tới công tác cán bộ(1), với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao(2).
Thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện việc luân chuyển, bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận: 1- Đã tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác cán bộ, gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương cả về mục tiêu và nhiệm vụ; 2- Ở những nơi bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; 3- Nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý, giải quyết; khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”, phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; 4- Góp phần phòng ngừa quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và giúp cán bộ trưởng thành vững chắc; giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ không tuân thủ sự lãnh đạo của cấp trên; 5- Hầu hết cán bộ qua luân chuyển, bố trí đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, điều hành; 6- Góp phần quan trọng vào việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực; 7- Góp phần quan trọng trong việc xây dựng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc luân chuyển, bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ lãnh đạo không là người địa phương trong ba nhiệm kỳ qua, trong đó có bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện còn một số bất cập, chưa đạt yêu cầu.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ và thống nhất về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất; chưa có quy định cụ thể việc thực hiện chủ trương nên việc thực hiện giữa các địa phương còn khác nhau, thiếu sự thống nhất và kết quả còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động xây dựng kế hoạch bố trí các chức danh bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, chưa gắn công tác luân chuyển, bố trí cán bộ với quy hoạch cán bộ. Việc thực hiện bố trí còn thiếu chủ động, chưa tích cực. Khâu đánh giá, lựa chọn, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để bố trí, sắp xếp chức danh bí thư cấp ủy không là người địa phương còn nhiều bất hợp lý. Số lượng, chất lượng bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Quá trình tổ chức triển khai bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế; cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến chủ trương này còn nhiều bất cập.
Thứ hai, hạn chế trong việc nắm bắt tình hình, tiếp cận công việc của người đứng đầu. Vì không là người địa phương nên bí thư cấp ủy phải mất thời gian nắm vững địa bàn, con người, văn hóa, tài nguyên, làm quen với phong cách, lề lối làm việc, tổ chức bộ máy... Vì vậy, một số cán bộ thời gian đầu mới xuống cơ sở công tác còn lúng túng, xử lý, giải quyết một số vụ, việc còn chậm, thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, tư tưởng cục bộ tại một số địa phương đã gây ra những khó khăn cho cán bộ được bố trí về làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện mà không phải là người địa phương. Một mặt, ở một số địa phương, có những cán bộ chủ chốt còn có tư tưởng không muốn tiếp nhận người ở nơi khác đến công tác, nên không nhiệt tình giúp đỡ cán bộ được điều động đến, thậm chí có nơi còn có thái độ chống đối. Thực trạng này dẫn tới hệ lụy là, nhiều đồng chí bí thư thời gian đầu nhận nhiệm vụ thường cảm thấy rất “cô đơn”, “lạc lõng”. Mặt khác, có không ít cán bộ còn nhận thức rằng đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, việc giữ chức vụ này chỉ mang tính chất tạm thời hoặc chỉ là bước đệm, vì vậy, có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, chỉ lo “tròn vai”, giữ mình chờ ngày về, chưa thực sự tâm huyết, nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện để khẳng định rõ hơn năng lực bản thân, vì thế chưa thực sự có những đóng góp thiết thực, hiệu quả ở địa phương.
Thứ ba, bố trí cán bộ còn chưa bảo đảm đúng yêu cầu, nhiệm vụ, chưa đúng sở trường của cán bộ. Một số cán bộ được bố trí về làm bí thư cấp ủy một số tỉnh, huyện thời gian qua còn mang tính xử lý tình huống trước mắt; có hiện tượng một số cán bộ được bố trí chưa bảo đảm thời gian đã được cấp có thẩm quyền phân công, bố trí công tác khác hoặc rút về và được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, do vậy, không đủ quỹ thời gian cần thiết để làm được những gì mình mong muốn, chưa tạo dựng được những dấu ấn cần thiết. Phần lớn cán bộ cơ quan cấp trên được bố trí xuống làm bí thư cấp ủy địa phương là cán bộ trưởng thành từ công tác chuyên môn, quản lý ngành và lĩnh vực cụ thể, trong khi làm bí thư tỉnh ủy, huyện ủy là một nhiệm vụ đòi hỏi lãnh đạo toàn diện; bên cạnh đó, một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu kỹ năng cần thiết nên lúng túng, khó hòa nhập, không phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại địa phương.
Thứ tư, khi đưa cán bộ từ nơi khác về làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, phát sinh tâm tư trong nội bộ, làm ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của cán bộ địa phương. Trong thực tế, một số cán bộ ở địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm nhận vị trí người đứng đầu và mong muốn được cống hiến cho quê hương của mình, nhưng lại không được bố trí.
Thứ năm, chậm có cơ chế theo dõi, nhận xét, đánh giá, khuyến khích và bảo vệ cán bộ được bố trí làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Chế độ, chính sách cho việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa có chính sách hỗ trợ hiệu quả việc đi lại thăm gia đình, chưa có quy định bố trí công việc cho vợ hoặc chồng, trợ giúp gia đình đi cùng để cán bộ yên tâm công tác...
Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn 20 năm thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương
Thực tiễn 20 năm thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương đã mang lại nhiều kết quả và bài học kinh nghiệm rất quan trọng đối với công tác cán bộ của Đảng; góp phần đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là đội ngũ bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhận được sự đồng tình cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên và cấp ủy cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thực hiện chủ trương này thời gian qua cũng bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm, cụ thể như sau:
Một là, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương còn chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc và còn thiếu sự thống nhất, đồng thuận cao. Khái niệm thế nào là người địa phương, thế nào không là người địa phương vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thực sự thống nhất. Hiện tại vẫn chưa có cơ chế đánh giá một cách căn cơ, hiệu quả cán bộ qua các giai đoạn trước, trong và sau luân chuyển, bố trí. Bố trí cán bộ là theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Trung ương hay địa phương, không hạn định chặt chẽ về tuổi, về thời hạn, có thể là cán bộ không trong quy hoạch, có thể gắn với luân chuyển cán bộ hoặc không..., trong khi đó, cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trong quy hoạch, tuổi trẻ, thực hiện có thời hạn, mục đích chính là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ.
Hai là, về cơ bản, đa số ý kiến đồng tình với chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương nhưng cho rằng, khi thực hiện cần quan tâm đến yếu tố liên vùng, tương đồng và có cơ chế, chính sách đồng bộ, chú ý hiệu quả và chất lượng công việc. Có ý kiến cho rằng, Trung ương cần xem xét, cân nhắc kỹ, nên căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tiễn của từng địa phương, tính toán một cách khoa học để bố trí bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) không là người địa phương, trường hợp đặc biệt có thể bố trí cả hai chức danh này không là người địa phương. Mục tiêu là lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín để làm bí thư cấp ủy, tránh tuyệt đối hóa, quan niệm người khác địa phương tốt hơn người địa phương.
Ba là, chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương chưa được thực hiện bài bản, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả do còn thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể. Nguyên tắc tổ chức của Đảng là đại hội bầu bí thư cấp ủy, nhưng ở một số địa phương đến đại hội vẫn không biết ai là người làm bí thư, vì vậy cần cân nhắc để tránh áp đặt từ trên xuống. Việc bố trí cán bộ nơi khác về địa phương làm bí thư cấp ủy được thực hiện cụ thể như thế nào, nhất là thời điểm bố trí, điều động sao cho phù hợp? (bố trí đến trước hay sau đại hội đảng bộ, hay là sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng khi cán bộ trúng cử là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, sau đó mới đưa về làm bí thư tỉnh ủy?).
Bốn là, chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương cần phải được kết hợp với nhiều giải pháp quyết liệt khác, nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, bè phái, tiêu cực trong công tác cán bộ, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền, thao túng và phân phát quyền lực, “lợi ích nhóm”...
Một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW vào cuộc sống, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đặt mục tiêu, lộ trình từ năm 2020 đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp tỉnh, hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, trước hết là chủ tịch UBND.
Để chủ trương này tiếp tục đi vào thực tiễn, có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự thống nhất nhận thức từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến cấp ủy các cấp; phải tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để tạo sự thống nhất cao đối với chủ trương này. Muốn tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức và thực hiện tốt chủ trương này, cần có thêm xung lực mạnh mẽ từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới. Khi đã tạo được sự thống nhất và đồng thuận về nhận thức, cấp ủy và người đứng đầu phải có cách thức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm thực hiện thống nhất, nhất là đối với việc bố trí cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch tổng thể và lộ trình thực hiện.
Thực hiện các nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết của Trung ương về quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương, bộ, ban, ngành với nhau, giữa cán bộ đảng, đoàn thể với cán bộ nhà nước; đặc biệt, cần phải làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổng thể với lộ trình và bước đi cụ thể về bố trí cán bộ không là người địa phương làm bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như đối với cấp huyện. Các cấp ủy cần rà soát đội ngũ cán bộ, nắm chắc lý lịch cán bộ, đánh giá, lựa chọn những người thực sự có năng lực, phẩm chất tốt, có kết quả công tác nổi bật để đưa vào kế hoạch bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Các cấp ủy cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, đúng quy trình cả nơi đi và nơi đến khi điều động cán bộ. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thống nhất kế hoạch bố trí, thuận tiện về thủ tục, quy trình và giải quyết những khó khăn về công tác cán bộ ở nơi đến. Trước khi bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, cần phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, để mọi người đều thống nhất trong nhận thức rằng, việc bố trí cán bộ đến và thay thế cán bộ sở tại là việc làm cần thiết, thường xuyên trong công tác cán bộ; từ đó, nhân dân mới tin tưởng, yên tâm giúp đỡ, ủng hộ các cấp ủy, chính quyền và cán bộ được bố trí. Thực tế cho thấy, thái độ ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cán bộ, nhân dân nơi đến có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ được bố trí.
Bên cạnh đó, để bảo đảm cho bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền, không sợ bị cô lập bởi tình trạng “cục bộ địa phương”, cần xem xét bố trí đồng thời các chức danh lãnh đạo khác không là người địa phương như các nghị quyết, kết luận của Trung ương đã đề ra. Các chức danh quan trọng khác, như chủ tịch UBND, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, tài chính, thuế, hải quan... nhìn chung cũng cần bố trí người từ địa phương khác đến. Đặc biệt, vị trí chủ tịch UBND có quan hệ trực tiếp với bí thư cấp ủy cùng cấp, vì vậy, cần khẩn trương áp dụng chủ trương không bố trí người địa phương(3).
Thứ ba, lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương.
Việc lựa chọn người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện phải cao hơn về tiêu chí và cần được rà soát thận trọng. Trước hết, đó phải là những cán bộ có năng lực, phẩm chất, uy tín, có trách nhiệm, là hạt nhân đoàn kết và có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thách thức. Muốn vậy, khi chuẩn bị nhân sự phải làm tốt khâu quy hoạch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và những kiến thức, kỹ năng cần thiết của người bí thư cho cán bộ được quy hoạch. Đặc biệt, đối với cán bộ thuộc diện luân chuyển từ trên xuống gắn với thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, phải có sự đầu tư nhiều hơn về thời gian và công tác chuẩn bị kỹ càng trước khi về công tác ở địa phương.
Một mặt, tiêu chí lựa chọn người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện phải theo đúng quy định của Đảng, đó là có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức mẫu mực, có năng lực chuyên môn cao, hiểu biết về chính sách, pháp luật. Việc lựa chọn phải dân chủ, công tâm, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, xuyên suốt, nhiều chiều, bằng hiệu quả công việc và sản phẩm cụ thể, gắn kết chặt chẽ kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong vai trò của người đứng đầu.
Mặt khác, việc bố trí người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện hướng tới sự phù hợp với từng khu vực địa phương, nên hướng tới khu vực hoặc theo địa bàn lân cận. Trên cơ sở tương đồng về vị trí địa lý, về bản sắc văn hóa, về các thế mạnh, mũi nhọn phát triển của tỉnh, huyện,... để xây dựng tiêu chuẩn cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Tránh tình trạng đưa cán bộ có sở trường, thế mạnh ở lĩnh vực này về một địa phương có tiềm năng, thế mạnh ở lĩnh vực khác.
Thứ tư, phải bố trí đủ thời gian để cán bộ rèn luyện, thử thách và cống hiến.
Để thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương có hiệu quả, ít nhất phải bố trí cán bộ đủ một nhiệm kỳ 5 năm, tránh về chỉ từ 1 năm đến 2 năm rồi lại đi, vì khó có thể đánh giá hiệu quả công việc trong thời gian công tác quá ngắn. Về địa phương với chức danh chủ chốt là bí thư tỉnh ủy (huyện ủy), người cán bộ cần quỹ thời gian từ 1 đến 2 nhiệm kỳ mới đủ thời gian để làm được những gì mong muốn, tạo dựng được những dấu ấn cần thiết và có thành quả đủ rõ cho sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, nếu bố trí cán bộ ở một vị trí quá lâu sẽ tạo sức ỳ, ít có đột phá, sáng tạo, thậm chí có thể dẫn đến trì trệ…
Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận, tìm hiểu địa phương một cách sâu sắc, đầy đủ thì mới đưa ra được những quyết sách đúng, trúng; tránh hiện tượng “chân ướt chân ráo”, chưa hiểu sâu tình hình đã tiến hành chỉ đạo. Cần chuẩn bị kỹ lưỡng và cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin cần thiết, nhất là tình hình của địa phương nơi đến cho cán bộ nắm vững, hiểu rõ. Chủ động bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, đặc biệt là kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý nhà nước… để hỗ trợ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện quy định, cơ chế, thể chế, chính sách có liên quan.
Trung ương cần sớm xây dựng và ban hành quy định để cụ thể hóa, tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương và tạo sự thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Để cán bộ từ địa phương khác đến làm bí thư tỉnh ủy, huyện ủy phát huy năng lực và làm việc hiệu quả, cần quy định kỹ ba nội dung quan trọng: Một là, sự khuyến khích, bảo vệ của cấp trên đối với cán bộ. Muốn vậy, phải có cơ chế ưu tiên bảo vệ người tài, bảo đảm tạo điều kiện cho người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện bộc lộ hết khả năng, dám nghĩ, dám làm, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ được điều động từ nơi khác đến bị cô lập, bị tập thể cấp ủy hoặc các chức danh chủ chốt khác là người địa phương vô hiệu hóa... Cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ và can thiệp để hỗ trợ, bảo vệ kịp thời. Bên cạnh đó, cũng phải chuẩn bị phương án để rút cán bộ đó trong những điều kiện nhất định, bảo đảm không để bị mất cán bộ. Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực đối với người đứng đầu. Phải có cơ chế và nhiều kênh khách quan để giám sát, đánh giá, xử lý, kiên quyết ngăn chặn “lợi ích nhóm”, “bè phái”, “cánh hẩu”…; không để người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện lợi dụng, lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền; hoặc buông lỏng quản lý, “dĩ hòa vi quý”... Ba là, cần nhanh chóng hoàn thiện về cơ chế, chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến thực hiện chủ trương này. Những chế độ, chính sách phải được quy định thống nhất ở tầm quốc gia và cần phải tính toán đến mức độ tương quan giữa chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ được bố trí với chế độ, chính sách chung đối với cán bộ tại chỗ cho hợp lý, không tạo cảm giác đặc quyền, đặc lợi, sao cho công bằng, nhưng không cào bằng. Bên cạnh đó, cần chú ý thêm về chính sách hỗ trợ để cán bộ về thăm gia đình trong trường hợp chưa có điều kiện đưa cả gia đình riêng vào chung sống.
Thứ sáu, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp từ Trung ương tới địa phương.
Một quốc gia muốn ổn định đều cần phải thiết lập được một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp và độc lập. Các viên chức hành chính chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, tuân thủ các chuẩn mực hành chính một cách chính xác. Các bí thư tỉnh ủy có thể được thay thế sau mỗi nhiệm kỳ, nhưng người đứng đầu bộ máy hành chính thì cần phải chuyên nghiệp liên tục. Khi nào có bí thư tỉnh mới đến, họ lại tham mưu để giúp người đứng đầu biết rõ giới hạn, thủ tục khi ra quyết định. Viên chức hành chính là một ngạch có thể chọn qua quá trình thi tuyển. Khi đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, cùng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, các quy định, quy trình, quy chế được đồng bộ, bộ máy hoạt động chuyên nghiệp, thông suốt, hiệu quả thì việc luân chuyển, bố trí cán bộ nói chung và bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương nói riêng sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn./.
-------------------------
* TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Trần Văn Thiết, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương
(1) Tháng 12-2008, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa X, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp lớn về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012, Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
(2) Nhiệm kỳ 2000 - 2005, Trung ương luân chuyển 23 cán bộ, trong đó 16/63 đồng chí được bố trí là bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương (chiếm 25,4%) (Khóa IX, Bộ Chính trị đã thực hiện chủ trương thí điểm luân chuyển, bố trí 6 chức danh cán bộ của tỉnh Hà Tây (cũ) không phải là người địa phương, gồm: bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND, giám đốc công an tỉnh, giám đốc sở kế hoạch đầu tư, giám đốc sở tài chính và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân. Việc luân chuyển đồng thời 6 chức danh cán bộ không phải là người địa phương đã tạo ra phong trào, khí thế mới; là cơ sở để tỉnh luân chuyển, thay đổi 17 bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện; luân chuyển, tăng cường 97 trưởng, phó phòng thuộc các sở, ngành của tỉnh về làm trưởng, phó phòng cấp huyện; 67 trưởng, phó phòng cấp huyện về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; 10/14 huyện, thành phố có bí thư hoặc chủ tịch UBND, hoặc cả bí thư và chủ tịch UBND là cán bộ luân chuyển, không là người địa phương). Sau luân chuyển, 15 đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó có 5 đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Trung ương đã luân chuyển 39 đồng chí, trong đó bố trí 16/63 (25,4%) bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương. Sau luân chuyển, 14 đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó có 1 đồng chí được bầu vào Ban Bí thư, 1 đồng chí làm Phó Chủ tịch nước, 1 đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Trung ương đã luân chuyển 57 đồng chí, trong đó bố trí 16/63 (25,4%) bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương. Sau luân chuyển, 12 đồng chí được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó 2 đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Trên cả nước, số lượng bí thư cấp huyện không là người địa phương chỉ có 291/715 (40,7%); có 24 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bố trí trên 50%, trong đó 8 tỉnh, thành phố trên 75% bí thư không là người địa phương (Các tỉnh Hà Giang và Tây Ninh có 100% bí thư cấp huyện; Hà Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có 100% chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương).
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã bố trí bí thư không là người địa phương ở 23/63 tỉnh ủy, thành ủy (chiếm tỷ lệ 36,5%). 63 tỉnh ủy, thành ủy đã bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, đạt tỷ lệ 62,7% (tương ứng với 443/707 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh); khu vực miền Bắc đạt tỷ lệ 63,2% (tương ứng với 208/329 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt tỷ lệ 58,04% (tương ứng với 83/143 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); khu vực miền Nam đạt tỷ lệ 64,7% (tương ứng với 152/235 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, cả nước có 27 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương, đạt tỷ lệ 42,9%. Đáng chú ý, số cán bộ thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về phân công, chỉ định nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giới thiệu để bầu giữ chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%. Tính đến tháng 7-2021, cả nước có 30/63 tỉnh ủy, thành ủy đã bố trí bí thư không là người địa phương, chiếm tỷ lệ 47,6%. Đến nay, cả nước có 36/63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương.
Đối với cấp huyện, tính đến cuối năm 2021, 100% các tỉnh, thành ủy trong cả nước thực hiện bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, đạt tỷ lệ 73,4% (tương ứng với 516/703 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh); trong đó, khu vực miền Bắc đạt tỷ lệ 75,7% (tương ứng với 249/329 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt tỷ lệ 62% (tương ứng với 88/142 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), khu vực miền Nam đạt tỷ lệ 77,2% (tương ứng với 179/232 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, tính đến thời điểm tháng 3-2022, cả nước có 555 bí thư cấp ủy cấp huyện (chiếm 78,9%) không là người địa phương. Đến nay, có một số tỉnh ủy, thành ủy đã hoàn thành bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, như Quảng Ninh (14/14), Cao Bằng (10/10), Thái Bình (8/8), Hà Giang (11/11), Sơn La (12/12), Quảng Bình, Kon Tum (10/10), Đắk Nông (8/8), Bạc Liêu (7/7), Bến Tre (9/9), Cà Mau (11/11), Long An (15/15), Tây Ninh (12/12). Nhiều địa phương có tỷ lệ bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương rất cao, như Hà Nội (28/30), Quảng Ngãi (11/13), Đắk Lắk (14/15), Đà Nẵng (6/7), Lai Châu (7/8), Lạng Sơn (9/10), Bắc Kạn (6/8), Thanh Hóa (20/27), Hải Phòng (11/15), Hòa Bình (10/11), Bắc Giang (8/10), Điện Biên (9/10), Yên Bái (8/9), Lào Cai (8/9), Nghệ An (14/21)…
(3) Tại các hội nghị, hội thảo, các cuộc trao đổi, phỏng vấn và qua nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, hầu hết các ý kiến đánh giá tốt chủ trương bố trí bí thư không là người địa phương và đề nghị thực hiện nhất quán đồng thời cả chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét