Thông qua hình ảnh, câu chuyện về bút lông, nghiên mực, tình thầy trò, đạo làm người của lớp người xưa mà các em học sinh ngày nay thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, văn hóa dân tộc. 

Tái hiện lớp học xưa

Sáng cuối tuần một ngày cuối tháng 7, Nhà Tiền đường (Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám) sôi nổi hơn mọi khi. 24 em học sinh trong trang phục áo dài truyền thống từ độ tuổi 11 đến 13 cùng nhau thảo luận về những bài học lịch sử tại lớp học “Bút nghiên dư ảnh”. Hôm nay, chủ đề của lớp học là “Truyền thống tu thân, học đạo”. Trong hai tiếng, các em được tìm hiểu những nội dung như: “Hiếu đễ là gì?”, “Tu thân "Gia huấn ca"-Nguyễn Trãi”, “Tiểu nhân là gì, quân tử là gì?”...

"Bút nghiên dư ảnh", lớp học nuôi dưỡng tình yêu dân tộc
 Lớp học “Bút nghiên dư ảnh” tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chăm chú lắng nghe bài giảng và hào hứng tham gia phát biểu, em Hoàng Hà My, học sinh lớp 7A8, Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Những năm trước, em thường về quê hoặc đi du lịch cùng gia đình vào mỗi dịp nghỉ hè. Năm nay, em rất vui khi được tham gia lớp học “Bút nghiên dư ảnh”. Mới học được 3 buổi nhưng em đã hiểu thêm về truyền thống đạo học của người Việt thời xưa; đạo làm người để sống và ứng xử cho đúng thuần phong mỹ tục. Ngay cả động tác cúi chào thầy trước khi vào lớp học cũng chứa đựng nhiều thông điệp, giá trị nhân văn”.

Được biết, "bút nghiên" nghĩa là bút lông, nghiên mực, "dư ảnh" là tái hiện lại hình ảnh của quá khứ. Lớp học "Bút nghiên dư ảnh" hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, nhằm lan tỏa giá trị truyền thống, từ đó góp phần hình thành nhân cách học sinh. Các em sẽ trải qua 5 buổi học vào sáng thứ bảy hằng tuần với 5 chủ đề xoay quanh nội dung về đạo học Việt Nam thời kỳ trung đại, về những sinh hoạt trong Trường Quốc Tử Giám xưa; sách vở, bậc học để chuẩn bị cho khoa cử. Chị Ngô Thị Diệp, phụ huynh em Lê Quang Gia Bảo (Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ) cho hay: “Đây là khóa học rất bổ ích, là cơ hội để các con khám phá, tìm hiểu những kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc. Ngoài ra, các con được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tìm hiểu về chữ Nôm, chữ Quốc ngữ... qua đó thêm yêu văn hóa, lịch sử dân tộc mình”.

Hình thức giáo dục di sản độc đáo

Việc dạy học lịch sử tại di tích được Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám thực hiện trong nhiều năm qua, góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến đông đảo học sinh. Sau gần hai năm tạm hoãn vì đại dịch Covid-19, chương trình trở lại với sự đổi mới về nội dung và hình thức. Theo đó, trước đây, các lớp học lịch sử tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tập trung vào việc giúp học sinh trải nghiệm di sản, tìm hiểu lịch sử về các mảng kiến trúc, sự kiện. Trong khi đó, lớp học “Bút nghiên dư ảnh” chú trọng vào nội dung lịch sử xoay quanh câu chuyện khoa cử thời xưa, đạo thầy trò, đạo làm người, lịch sử phát triển của chữ viết...

Vì là năm đầu triển khai nên lớp học “Bút nghiên dư ảnh” chỉ tổ chức một khóa học. Từ đó, những nhà làm chuyên môn sẽ rút kinh nghiệm, hướng tới việc nâng cao chất lượng dạy học. Bà Hoàng Đoan Trang, giảng viên ngôn ngữ Anh, đồng Chủ nhiệm Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” đánh giá: “So với mong muốn ban đầu đề ra, bộ giáo trình của lớp học “Bút nghiên dư ảnh” đã tạo sự phấn khích cho học sinh. Chúng tôi thấy các em hào hứng, chủ động tham gia bài giảng, tương tác với bạn bè và thầy cô tốt hơn mong đợi, đồng thời mở rộng được nhiều kiến thức hơn. Tuy nhiên, độ tuổi từ 11 đến 13 mới đang trong giai đoạn hình thành tính cách nên các em cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, động viên, đồng hành của bố mẹ và thầy cô. Dự kiến từ mùa hè năm sau, chúng tôi sẽ tổ chức 3 lớp học "Bút nghiên dư ảnh".

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: “Lớp học “Bút nghiên dư ảnh” là hình thức giáo dục di sản độc đáo, mới mẻ với mục đích nuôi dưỡng tình yêu của các em học sinh với lịch sử, văn hóa dân tộc. Chương trình được ban tổ chức xây dựng dựa trên các giá trị truyền thống, giá trị của di sản và phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Việc tổ chức học diễn ra trực tiếp tại không gian di tích, trực quan, sinh động. Học sinh không chỉ được tiếp nhận tri thức mà còn được thực hành các hành vi văn hóa xưa. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều em học sinh đến với di tích để trải nghiệm, học hỏi, tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tình yêu với lịch sử, văn hóa dân tộc góp phần giúp các em có tinh thần sáng tạo, tự chủ mạnh mẽ, vững chãi trên con đường dài sắp tới để hội nhập với thế giới và giữ được hồn của dân tộc Việt Nam trong một thế giới đầy biến động như hiện nay”.