Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Các thủ đoạn lừa đảo giao dịch ngân hàng điện tử

 


Gần đây, gian lận lừa đảo giao dịch điện tử có xu hướng ngày càng tăng, nhiều người dân “bỗng dưng” mất tiền trong tài khoản, vì vậy các ngân hàng đồng loạt cảnh báo thủ đoạn mới đánh cắp mã OTP để thực hiện lấy dữ liệu rồi kết nối ví điện tử, từ đó thực hiện rút tiền qua các ví này.

Hiện một số khách hàng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang yêu cầu thực hiện tra soát cho các giao dịch điện tử. Chủ một thẻ visa debit (thẻ ghi nợ quốc tế) cho biết, ngày 6/10, họ nhận được một loạt tin nhắn thông báo trừ tiền từ ngân hàng, với tổng giá trị hơn 21 triệu đồng. Nội dung cho những phần giao dịch trừ tiền được báo về là "Giao dịch qua POS số thẻ xxx... tại ZaloPay..." hoặc "Giao dịch qua POS số thẻ xxx... tại SenPay...", trong khi chủ thẻ chưa hề đăng ký hay sử dụng dịch vụ tại các ví điện tử này. Một khách hàng khác cũng cho biết, họ có 4 giao dịch bị trừ tiền dù bản thân không giao dịch. Trong đó 3 lần trừ tiền liên tiếp trong một ngày với tổng số tiền lên đến 31,7 triệu đồng, 2 lần thanh toán qua cổng ZaloPay; "Ngay lập tức thời điểm bị trừ tiền mà không hề giao dịch, chủ thẻ đã ra phòng giao dịch ngay gần nhà để báo sự việc và hỏi nguyên nhân; nhân viên phòng giao dịch tư vấn nên khoá thẻ và khách hàng đã huỷ ngay thẻ visa quốc tế này; Ngân hàng nói sẽ làm tra soát trong vòng 45 ngày sẽ có câu trả lời. Trong lúc ngồi tại quầy ngân hàng đợi thì có 3 giao dịch hoàn tiền bị rút báo về tài khoản của họ; Nhân viên tại quầy cũng đã xác nhận, nhưng còn 1 giao dịch bị mất tiền không thấy trả lại, nhân viên ngân hàng hứa sẽ tra soát giao dịch đó. Cũng trong tình cảnh tương tự, một khách hàng đưa lên facebook với nội dung “Góc cầu cứu” về việc tài khoản bất ngờ bị trừ 10 triệu đồng cho giao dịch qua ZaloPay, họ đã liên hệ với cả hotline và chi nhánh Techcombank để khóa thẻ và thực hiện tra soát…

Một hình thức khác nữa là kẻ lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng thông báo cho khách hàng tài khoản liên kết với ví điện tử có vấn đề phát sinh, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của tài khoản (mật khẩu, OTP, số thẻ, ngày đến hạn, CVV…) để xử lý nhưng thực chất là trộm tiền trong ví.

Phản hồi về các vụ việc trên, đại diện Techcombank khẳng định: “Không có tình trạng 'hack' giao dịch như các thông tin thiếu xác thực trên mạng”. Đối với các yêu cầu tra soát từ khách hàng, Techcombank cho biết “sẽ phối hợp cùng Tổ chức Thẻ Quốc tế để rà soát và xác thực thông tin. Ngay khi kết quả rà soát cho thấy khách hàng không thực hiện giao dịch, ngân hàng sẽ làm việc với các tổ chức liên quan để hoàn trả khoản giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. “Techcombank luôn cố gắng đẩy nhanh tiến trình rà soát để có thể phản hồi đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất, dù thời gian tra soát tối đa theo quy định từ Tổ chức Thẻ Quốc tế Visa là 45 ngày,” đại diện Techcombank cho hay.

Bên cạnh đó, Techcombank cho biết đối với các thông tin được một số đối tượng lan tỏa cố ý trên mạng xã hội nhằm gây tổn hại đến niềm tin của khách hàng với thương hiệu Techcombank, phía ngân hàng sẽ chủ động phối hợp và cung cấp dữ liệu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ trách nhiệm pháp lý của các đối tượng này.

Hồi tháng Bảy, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới với chủ tài khoản ngân hàng. Theo VietinBank, thẻ ghi nợ nội địa của ngân hàng này hiện đã liên kết với hầu hết các ví điện tử đang hoạt động trên thị trường hiện nay như Momo, VinID, ZaloPay, AirPay, MOCA, VNPTPay, VNPay, ViettelPay, Payoo, SenPay, 1Pay, EcPay, OnePay Mpay… Qua thực tế, Trung tâm Dịch vụ khách hàng VietinBank đã ghi nhận các trường hợp khách hàng phản ánh lừa đảo thường gặp liên quan đến ví điện tử. Kẻ gian lợi dụng mời chào khách hàng vay vốn trực tuyến qua mạng (online) rồi yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh như chứng minh nhân dân, số thẻ ngân hàng, mật khẩu OTP… Sau khi lấy được những thông tin này, kẻ gian thực hiện mở ví điện tử đối với khách hàng chưa từng mở ví rồi thực hiện trộm tiền về ví điện tử và mua sắm, chuyển qua ví điện tử khác để chiếm đoạt.

Techcombank, VietinBank các chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân, tuyệt đối không để lộ thông tin số thẻ, ngày đến hạn và số CVV (thường ở mặt sau) của thẻ tín dụng cho bất kỳ ai và qua bất kỳ hình thức nào (gọi điện, tin nhắn, e-mail, Zalo, Viber, Facebook Messenger…). Ngoài ra, khách hàng không click vào bất kỳ các đường link, website yêu cầu thực hiện đăng ký hoặc hủy dịch vụ không rõ nguồn gốc, không nhập các thông tin bảo mật trên các đường link, website này. Để phòng ngừa, khách hàng nên khóa thẻ/khóa chức năng thanh toán trực tuyến trong thời gian không có nhu cầu sử dụng hoặc nếu nghi ngờ thông tin bị lộ cần lập tức liên hệ ngân hàng để đóng thẻ và phát hành thẻ mới./.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét