Mới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan Trung ương và địa phương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngay sau đó các thế lực thù địch đã đăng tải nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội xuyên tạc về chính sách tôn giáo của Việt Nam. Chúng cho rằng, việc hội thảo lấy ý kiến nhân dân hai dự thảo về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo lần này là một bước lùi về chính sách tôn giáo Việt Nam, với các điều khoản mà dự thảo đưa ra đã bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, bởi mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo mà dự thảo nghị định quy định là quá cao, rất khắt khe gây khó khăn cho việc sinh hoạt của các tổ chức tín ngưỡng tôn giáo. Thậm chí trên trên trang RFA, có bài viết cho rằng, Việt Nam là nước có truyền thống đàn áp tôn giáo, lần dự thảo này chỉ là cái cớ để gia tăng việc đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Còn bài viết trên trang VOA thì cho rằng: “Bản dự thảo lần này sắp được ban hành thì lại càng vi phạm nghiêm trọng hơn về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam; không chỉ riêng hai bản dự thảo nêu trên, mà trong tất cả các văn bản luật về tín ngưỡng - tôn giáo khác đều thể hiện sự hà khắc, kìm kẹp của Chính phủ Việt Nam đối với các hoạt động tôn giáo; Nhà nước Việt Nam luôn tìm mọi biện pháp để thâu tóm tôn giáo một cách triệt để”. Do đó, những tổ chức tôn giáo độc lập không chịu sự kiểm soát luôn bị coi là “cái gai” trong mắt chính quyền. Họ luôn tìm mọi cách tiến công, đàn áp để giải thể các tổ chức tôn giáo này... Điển hình như vụ các tín đồ tôn giáo sắc tộc ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành không được chấp thuận khi đăng ký nhóm họp cầu nguyện tại gia; hay là vụ xoá bỏ hoàn toàn đạo Hà Mòn trên toàn lãnh thổ Việt Nam…và nhiều vụ bắt bớ trái pháp luật khác.
Thực chất, đây chỉ là thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, chống phá quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng dẫn đến tình trạng mất ổn định về chính trị, hòng gây ra biểu tình, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN và làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các quyền con người theo Hiến pháp 2013 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, được dư luận xã hội và các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực; thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, sinh hoạt tôn giáo; chức sắc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, tích cực tham gia xây dựng, phát triển đất nước.
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 162 là theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm quy định chi tiết, đầy đủ, cụ thể và khả thi các điều khoản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để thi hành có hiệu quả trong thực tiễn.
Đồng thời, nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm; nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hoàn toàn không nhằm mục đích tìm cách thu tiền phạt của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Việc sửa đổi lần này còn nhằm bổ sung, thay thế một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để phù hợp hơn với thực tiễn đời sống và đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chính đáng của chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo và người dân; kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.
Như vậy có thể thấy rằng, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nêu trên đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; vì vậy, mọi công dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không mơ hồ, ảo tưởng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bác bỏ những luận điều sai trái nhằm chống phá quyền tự do tín ngưỡng về tôn giáo của Việt Nam của các thế lực thù địch; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thành quả cách mạng; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét