Thời gian qua, một số đối tượng xấu gia tăng hành vi tuyên truyền tà đạo, lôi kéo người dân tham gia hoạt động tâm linh mờ ám, phi pháp trên không gian mạng. Nếu không tỉnh táo, cảnh giác, người dân sẽ dễ bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động tôn giáo trái pháp luật và có thể gánh chịu những hậu quả khó lường.
Ngày 13/5/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử
dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt Nguyễn Thị Thương (sinh
năm 1975) và ông Nguyễn Chu Truyền (sinh năm 1948) trú tại phường 1, thành phố
Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng về hành vi phát tán thông tin sai sự thật trên không
gian mạng. Hai đối tượng trên là thành viên cốt cán, thành lập, điều hành nhóm
tự xưng “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Điều đáng nói là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn
tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường, nhóm người này đã lên mạng xã hội
rêu rao rằng: “Dịch Covid-19 này không phải là một cơn dịch thiên nhiên là do
ma quỷ xen vào…
Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là để đưa các mầm bệnh khác vào
cơ thể, làm phân hủy hệ gene của con người…”. Không chỉ tuyên truyền sai sự
thật về dịch bệnh, thời điểm nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội
để phòng, chống Covid-19, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đã nhận chữa bệnh cho cả những
người mắc Covid-19 bằng cái được gọi là “nguồn thánh thiêng” nhưng thực chất là
nước giếng đóng chai, và tuyên truyền rằng đó là “nước Chúa” cho xuống để rửa
sạch và tiêu diệt vi-rút trong không khí. Đồng thời các thành viên của nhóm
thường xuyên đăng tải, tán phát nhiều thông tin, video trên mạng xã hội
YouTube, Facebook… nhằm lôi kéo nhiều người tham gia. Đến nay nhóm đưa lên mạng
xã hội hàng trăm video clip với nội dung không đúng sự thật để tuyên truyền
“giáo lý”, “chữa bệnh online”,…
Linh mục Hoàng Văn Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết
Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng
cho biết, trước những biểu hiện không lành mạnh của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, Tòa
Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã sớm thực hiện các biện pháp kiên trì vận động, tuy
nhiên hai thành viên cốt cán của nhóm là ông Nguyễn Chu Truyền và Nguyễn Thị
Thương vẫn không tiếp thu.
Bởi vậy, linh mục Hoàng Văn Chính cho rằng đã đến lúc phải có
những biện pháp xử lý theo giáo luật. Ngày 30/5/2022 Ủy ban Giáo lý đức tin
thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phát đi thông báo nhắc nhở cộng đồng giáo
dân cảnh giác trước những hoạt động ngày càng lan rộng của nhóm “Trừ quỷ Bảo
Lộc”, trong đó cho biết hoạt động của nhóm “xúc phạm nặng nề đến đức tin Công
giáo”, “thực hiện những hành vi mang tính mê tín và ma thuật, không phù hợp với
giáo lý và thực hành của Hội thánh Công giáo”, “gây tổn hại đến sự hiệp nhất
của đoàn chiên chúa (tức cộng đồng giáo dân- PV) ở Giáo phận Đà Lạt”; đồng thời
kêu gọi cộng đồng “tránh xa những thực hành của nhóm Trừ quỷ Bảo Lộc” và những
thông tin đến từ nhóm này.
Những sai phạm của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đã được chính quyền
địa phương và cơ quan chức năng nghiêm khắc xử phạt theo quy định của pháp
luật. Như ngày 10/9/2021, trước hành vi “chữa bệnh online” cho các bệnh nhân
Covid-19 của ông Nguyễn Chu Truyền cùng nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, đoàn kiểm tra
liên ngành của thành phố Bảo Lộc đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ
nhà là ông Trần Vũ Lê Thanh Quảng (chồng Nguyễn Thị Thương) về sai phạm chữa
bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.
Ngày 17/9/2021, UBND thành phố Bảo Lộc đã ra quyết định xử phạt
vi phạm hành chính ông Quảng với số tiền 45 triệu đồng. Tuy nhiên thực tế cho
thấy đến nay nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền
đạo trái phép trên nhiều trang mạng.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo
thành phố Hà Nội, môi trường internet và nền tảng mạng xã hội đang là môi
trường màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức tà đạo. Ngày càng
nhiều nhóm tà đạo, hoạt động núp bóng tổ chức thiện nguyện, vì sức khỏe cộng đồng,
hội nhóm tương trợ nhau… nhưng thực chất là dụ dỗ, tập hợp truyền đạo trái pháp
luật.
Các tổ chức này thường không có trụ sở, địa chỉ rõ ràng, người
điều hành nhóm thường đăng ký tài khoản qua máy chủ ở nước ngoài để tránh bị
truy vết. Cách thức hoạt động phổ biến của các đối tượng là sử dụng các nền
tảng trực tuyến như facebook, zalo, telegram, messenger, instagram, tiktok,
zoom, skype… để lôi kéo người dân tham gia. Đặc biệt, các đối tượng thường
hướng tới những người già có nhiều thời gian rảnh rỗi, người trẻ vốn ham thích
sự mới lạ và những người mắc các bệnh hiểm nghèo cần chỗ dựa về tinh thần.
Thông thường, hoạt động tôn giáo tại địa phương sẽ do các tổ
chức tôn giáo được cấp phép đảm nhiệm, thực hiện dưới sự giám sát, tạo điều
kiện của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng có thẩm quyền và sự tham gia của
người dân. Chính vì vậy các hoạt động tôn giáo trái phép sẽ dễ dàng bị phát
hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên khi các hành vi tuyên
truyền tà đạo diễn ra trên môi trường mạng, việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn.
Để dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người dân tin và nghe theo, các đối
tượng thường “tung hỏa mù” bằng việc nói dựa theo các tôn giáo chính thống hoặc
đưa ra những khái niệm nghe qua có vẻ mang tính khoa học như: chữa lành tâm
hồn; sống lạc quan, chủ động, tích cực; huy động năng lượng vũ trụ, năng lượng
gốc, năng lượng trường sinh, chữa bệnh bằng năng lượng, không dùng thuốc…
Bên cạnh đó, những người đứng đầu các tà đạo thường được tô vẽ
như một nhân vật đặc biệt, được “đấng bề trên tin tưởng chọn mặt gửi vàng cử
xuống trần giới để dẫn dắt chúng sinh”, theo đó họ có “năng lượng siêu nhiên”
để có thể giao tiếp được với thần linh, có năng lượng phi phàm như khả năng
chữa bách bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo bằng cách truyền năng lượng qua…
mạng hoặc phù chú!
Lợi dụng bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người phải làm
việc chủ yếu qua mạng internet, các tà đạo biến tướng nhanh chóng khuếch trương
thanh thế, thực hiện mọi chiêu thức thu hút “con nhang đệ tử”. Họ thường xuyên
tổ chức các buổi livestream, hội thảo trực tuyến để tuyên truyền giáo lý với
những lời lẽ đường mật khiến nhiều người dễ bị mê hoặc, dẫn dụ. Chưa kể với lực
lượng “quân xanh” đông đảo tạo hiệu ứng đám đông, khiến những người mới tham
gia dễ bị tác động tâm lý, vội vàng tin và nghe theo những gì chúng tuyên
truyền.
Từ các buổi sinh hoạt mở, miễn phí để chiêu mộ thành viên, các
tổ chức sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp rút dần vào hoạt động bí mật, với các
nhóm đã được chúng kiểm soát chặt chẽ. Người tham gia phải cam kết tuyệt đối
trung thành, có trách nhiệm đóng góp kinh phí dưới danh nghĩa làm từ thiện, mua
tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh,… Các hoạt động tà đạo biến tướng trên mạng
không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đối với người nhẹ dạ tham gia, mà còn tuyên
truyền luận điệu phản khoa học, xúc phạm đến các tôn giáo chân chính, dẫn dắt
khiến người tham gia u mê, thậm chí dẫn đến các hành vi đi ngược với đạo đức,
thuần phong mỹ tục như: đập bỏ bát hương, tự cho mình được chúa trời sinh ra
nên đối xử tệ bạc với cha mẹ, có bệnh nặng không chữa trị mà chỉ tin, nghe theo
việc cúng bái phản khoa học…
Nguy hiểm hơn, một số tổ chức phản động lợi dụng sự tự do của
mạng xã hội, đã lập ra các hội nhóm mang danh nghĩa sinh hoạt tôn giáo nhưng
thực chất là tuyên truyền gây chia rẽ vùng miền, công kích, xuyên tạc chủ
trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ.
Tháng 9/2021, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã phát đi khuyến
cáo đề nghị người dân cần cảnh giác với sự nở rộ các hình thức biến tướng của
tà đạo trên mạng xã hội làm vỏ bọc lừa đảo, kiếm tiền trên sự kém hiểu biết của
một số người dân. Đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương đang phải đối mặt giải
quyết. Như tại Bình Định, các hình thức sinh hoạt tôn giáo trá hình trên không
gian mạng đang có nhiều biến tướng phức tạp, nguy hiểm.
Đáng chú ý là hình thức sinh hoạt tôn giáo với nhóm nhỏ, thực
hiện trong quy mô gia đình, giữa các nhóm có sự liên kết chặt chẽ do người điều
hành tổ chức dẫn dắt, giám sát thông qua mạng xã hội. Đây cũng là cách mà các
tà đạo thâm nhập đến từng cụm dân cư, khu phố, âm mưu “biến gia thành tự”, tiềm
ẩn nhiều hiểm họa. Thực trạng trên là rất đáng báo động, đòi hỏi cần có những
biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Việt Nam luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi
người dân; nỗ lực bảo đảm các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn
khổ pháp luật. Các cá nhân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo; không phân
biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động của các tổ chức tôn giáo
được bảo hộ bằng pháp luật. Đồng thời pháp luật Việt Nam cũng quy định không ai
được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để
vi phạm pháp luật.
Hiện nay chính quyền các cấp cũng như cơ quan chức năng có liên
quan đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cộng đồng thực hành tín ngưỡng, tôn
giáo đúng pháp luật; thường xuyên rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm hoạt động
tôn giáo trái phép, gây mất an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là trên không gian
mạng. Tuy nhiên, công tác này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi có sự hợp tác
của cộng đồng. Bởi vậy về phía người dân, để thực hành tín ngưỡng, tôn giáo
lành mạnh, trong khuôn khổ pháp luật, nên lựa chọn tham gia các tôn giáo, tín
ngưỡng hợp pháp, thận trọng, tỉnh táo trước hiện tượng tôn giáo mới, không để
bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động tâm linh mờ ám, phi pháp, nhất là khi tham
gia mạng xã hội.
Các cá nhân cần tạo lập đời sống văn hóa lành mạnh, sống hướng
thiện, nhận thức đúng đắn về các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, cộng đồng tăng
cường kết nối, tương trợ nhau,… nhờ vậy sẽ hình thành khả năng tự đề kháng
trước hoạt động núp bóng tôn giáo, phản văn hóa, đi ngược thuần phong mỹ tục
cũng như quy định của pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét