Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện

 

"Nếu không có chuyện thì chúng ta dựng chuyện"

    Luận điểm này được xem là phương pháp luận của nhiều phần tử chống đối và các cơ quan truyền thông thù địch, họ nổi tiếng với biệt tài “nói dối”. Chung quy là chuyện có nói không! Đổi không thành có...! Thử lướt qua vài trang web của RFA, Thoibao.de, Chân trời mới, Việt Tân, các tài khoản Facebook cá nhân, các blogger nổi tiếng của các thành phần chống đối nhan nhản các bài viết thuộc diện “xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện”. Nào là “Muốn hốt vàng và kim cương của bà Nguyễn Phương Hằng, chính quyền toan tính gì?”, “Biến lớn ở Bộ Ngoại giao: 2 ông họ Tô bộ Công an tóm ông họ Tô ở Bộ Ngoại giao!”,...

    Triệt để lợi dụng tâm lý hiếu kỳ của một số người dân, chúng thường xuyên tung ra những thông tin lập lờ giữa đúng và sai, dựng lên những sự kiện không có thật, thậm chí bịa đặt trắng trợn, để gây hoài nghi trong nhân dân. Tuy thủ đoạn không mới nhưng so với trước đây, nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng và Internet có tốc độ lan truyền cao nên hiện tại thủ đoạn này được triển khai mạnh mẽ.

    Nổi lên là việc một số hội, nhóm, tổ chức được sự hỗ trợ của các thế lực, tổ chức phản động nước ngoài, tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc. Chúng tung ra các bài viết, tài liệu, clip (như thật) đòi xét lại các vấn đề lịch sử, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vừa “rửa tội” cho bè lũ tay sai, bán nước, một mặt thì dọn đường dư luận để tiếp tục đưa ra luận điệu phủ nhận vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước hiện nay.

Thủ đoạn tinh vi của "thuyết âm mưu"

    Đây được coi là “sản phẩm trí tưởng tượng nhằm giải thích về những chuyện đã và đang diễn ra. Dù không có bằng chứng xác thực để chứng minh nhưng những nghi ngờ vẫn luôn bao phủ”. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận, “thuyết âm mưu” thường đưa ra một nhận định, một giả thuyết suy đoán chủ quan, không có bằng chứng xác thực, tin cậy. Có một điểm chung đáng chú ý, những sản phẩm này thường tập trung vào hiện tượng, sự kiện, vấn đề giật gân, gợi sự tò mò, đã hoặc đang thu hút sự quan tâm của dư luận, hướng người đọc vào kết luận đó là kết quả của âm mưu.

    Do khả năng lan truyền, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nhiều sản phẩm từ "thuyết âm mưu" đến tâm lý tiếp nhận của người đọc mà nhiều năm nay, các thế lực xấu, thù địch ngày càng tỏ ra hết sức thâm độc trong việc sử dụng "thuyết âm mưu" làm công cụ xuyên tạc, vu cáo, vu khống, dựng chuyện,... để từng bước gây mơ hồ, hoang mang, làm xói mòn niềm tin vào Đảng, Nhà nước Việt Nam.

    Để gia cố sự thuyết phục, khi trình bày, những kẻ này cố tỏ ra rất am hiểu, nắm chắc vấn đề, trích dẫn Đông - Tây tạo vẻ uyên bác bằng loại thông tin không thể kiểm chứng như “một nguồn tin cao cấp cho biết”, “một lãnh đạo giấu tên khẳng định”, “một tài liệu mật phổ biến trong nội bộ viết”,... Sau khi công bố, những sản phẩm này thường lập tức được khai thác, đăng tải tại rất nhiều địa chỉ trên mạng, từ trang tiếng Việt của RFA, BBC, VOA, RFI,... đến blog, Facebook của một số cá nhân, tổ chức xấu, thù địch. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta triển khai mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng chính là cơ hội để "thuyết âm mưu" có "đất diễn”. Các bài viết của các thế lực thù địch liên quan đến “đấu đá, thanh trừng, thậm chí thủ tiêu” trong nội bộ và cái gọi là “đàn áp tôn giáo”, “bắt bớ, tra tấn các nhà hoạt động dân chủ” đều là sản phẩm của “thuyết âm mưu”.

Chủ động nhận diện, đề cao cảnh giác

    Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị là một trong những lý do để sản phẩm từ "thuyết âm mưu" do các thế lực xấu, thù địch truyền bá có cơ hội lan truyền.

    Để góp phần đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cùng với việc chủ động tăng cường thông tin tích cực, đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả các thông tin xấu, độc, cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân. Âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù là vô cùng thâm độc, diễn biến tình hình hết sức nguy hiểm nhưng với quyết tâm cao, kế thừa, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của thế hệ đi trước, chúng ta nhất định giành thắng lợi trong trận chiến quan trọng này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét