Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

CHĂM SÓC ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI CÓ CÔNG NGÀY MỘT TỐT HƠN

 

CHĂM SÓC ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI CÓ CÔNG NGÀY MỘT TỐT HƠN

Trong hành trình 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công dần được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.

Nhiều kết quả quan trọng

Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 24/7, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng.

Đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, gần 800 nghìn thương binh, bệnh binh và gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 111 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,…

Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.

Trong 5 năm qua, với tinh thần “không để người có công nào không được tri ân”, với quyết tâm cao và cách làm sáng tạo, các cơ quan chức năng đã rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng. Qua đó, đã xác nhận được hơn 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Phần lớn những liệt sĩ được xác nhận đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây hơn 70, 80 năm. Cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây hơn 90 năm.

75 năm qua, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình chính sách của các địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân trong cả nước trở thành công việc thường xuyên của toàn xã hội. Phong trào tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; tặng vườn cây tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc giúp đỡ con thương binh, con liệt sĩ; đi tìm đồng đội, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin… đã góp phần chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công ngày một tốt hơn.

Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay đã được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao. Cùng với đó, các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng ngay từ cơ sở.

Đó là: tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công, Lễ kỷ niệm và tri ân người có công, Lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, viếng đài liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm tại các di tích lịch sử cách mạng như nhà tù, nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Quảng Trị... các căn cứ địa cách mạng, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách...

Anh hùng trong chiến trận, gương sáng giữa đời thường

Với ý chí tự lực, tự cường, phát huy phẩm chất "Anh bộ đội Cụ Hồ", người “Chiến sĩ công an nhân dân”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập...

450 đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc dự lễ tuyên dương được chọn từ cơ sở. Họ là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, hay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cũng là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hoặc gắn bó với anh linh các liệt sĩ. Đó cũng là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, hình mẫu trong cuộc sống đời thường…

Những con người ấy không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà còn là người đi đầu trong công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.

Đặc biệt, trong số các đại biểu dự lễ tuyên dương, có 41 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Ba Na, Pa Kô, Cơ Tu, Cor, Giẻ Triêng, H’Rê, Khmer, Raglai.

Chương trình có sự tham gia của 3 đại biểu lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 300 thương binh, bệnh binh, 73 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng khác.

Đặc biệt, tham dự Chương trình còn có Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểm là đại biểu cao tuổi nhất. Năm nay, mẹ đã tròn 107 tuổi. 5 đại biểu khác đến nay đã hơn 90 tuổi, như các Mẹ Việt Nam Anh hùng Sơn Thị Kỷ (92 tuổi), Lê Thị Diệu (91 tuổi), mẹ liệt sĩ Lê Thị Nữ (91 tuổi)…

Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, là thương binh 4/4, mức thương tật 35%. Qua các cuộc chiến tranh, mẹ lần lượt mất đi người chồng, người con của mình. Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, khi nước nhà thống nhất, mẹ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp cho đất nước.

Đại biểu Byan, sinh năm 1931, người dân tộc Ba Na, là người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến. Ông đã nhiều lần bị địch bắt tù đày, giam cầm và tra tấn dã man tại các nhà tù khác nhau như Pleiku, Phú Quốc, nhưng vẫn một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng. Mang nặng những di chứng do chiến tranh để lại, nhưng hiện nay, ông vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động tại địa phương, được nhân dân trong thôn làng suy tôn là già làng uy tín.

Đại biểu Ngô Thị Cẩm Tiên, sinh năm 1943, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm trong nội thành Sài Gòn, Chợ Lớn. Bà bị địch bắt giam nhiều lần và hãm hại bằng rất nhiều hình thức tra tấn đau đớn tột cùng như dùi cui, quay điện, tra nước rải vôi bột… khiến bà mất đi thiên chức làm mẹ. Giữ vững phẩm chất người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đến nay, dù tuổi cao, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.

Một tấm gương người có công tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống là thương binh Vũ Gia Nhưng ở Phú Thọ. Ông đã khắc phục khó khăn để làm kinh tế giỏi. Doanh nghiệp do ông thành lập và điều hành tại địa phương giải quyết việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động với mức thu nhập cao, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm từ 2 đến 3 tỷ đồng. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm công tác từ thiện như đóng góp xây nhà tình nghĩa, nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng...

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, sinh năm 1938, là thương binh thương tật 47%. Ông nhập ngũ năm 1960. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại. Đặc biệt, trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tại Hà Nội năm 1972, ông đã chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ. Khi về hưu, ông cùng đồng đội tham gia sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và những người kém may mắn. Cơ sở này đã hoạt động được hàng chục năm, tập trung dạy nghề và hỗ trợ cuộc sống cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và khuyết tật.

Bà Nguyễn Thị Hà Ẩn (tỉnh Bình Định), sinh năm 1954, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà từng bị địch bắt, tù đày khi mới 17 tuổi. Chỉ trong hai năm, bà phải trải đi qua rất nhiều nhà lao, bị địch tra tấn dã man. Đến giờ, bao thương tổn của những năm tra tấn, tù đày đó vẫn thường xuyên ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ nhỏ bé này. Bà cùng người chồng thương binh nuôi dạy ba người con thành đạt. Khi nghỉ hưu, bà thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh phân bón và vận tải hàng hóa. Công ty góp phần giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, với doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ đồng. Tích cực tham gia đóng góp các quỹ và phong trào do địa phương phát động, bà Ẩn cũng góp sức trong nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người có công khó khăn trong cuộc sống, các chương trình an sinh xã hội.

Theo Báo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét