Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Chiến tranh qua đi, nỗi đau vẫn ở lại

Có một cựu chiến binh già, gần đất xa trời nhưng vẫn phải lui cui thổi bếp lửa, chạy vạy làm việc nhà, lo những bữa ăn và cả những cái áo mặc cho hai đứa con đã vào độ tuổi trưởng thành. Anh con lớn đã vào độ tuổi 30 nhưng tâm hồn lại như con nít và mãi như vậy, anh hay phá làng phá xóm, thẫn thờ như mơ và đi đâu là quên lối về nhà. Người cựu chiến binh phải xích anh vào gốc cây và chỉ tháo ra mỗi khi có người dắt đi bên cạnh… Chị con gái cũng đã ở độ tuổi trưởng thành nhưng chỉ nói những câu vô nghĩa, không thể tự mặc quần áo hay làm những việc vệ sinh đơn giản...


Điều gì đang diễn vậy? Bác cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam và hai đứa con của bác là nạn nhân của thứ đó.


Một trường hợp khác, một bác cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên - Đông Nam Bộ từ năm 67 đến hết Giải phóng. Bác xuất ngũ về quê, chưa kịp lấy vợ thì lại tái ngũ trở lại chiến đấu trong chiến trường Campuchia. Năm 1983, bác về quê và chất độc da cam đã đã phát bệnh sau một thời gian dài ngấm vào cơ thể. Bác bị câm và cũng từ chối việc lập gia đình. Bác bị anh em làng xóm, họ hàng trách là: “Thằng N dại thế, câm vẫn lấy được vợ, đẻ con, có sao đâu?”


Nhưng họ đâu có biết trong những năm tháng chiến đấu, bác và đồng đội đã nhiễm chất độc da cam từ bao giờ không biết. Nhiều người đồng đội của bác đã có gia đình song những đứa con sinh không toàn vẹn cả về thân thể và tinh thần… Bác không muốn làm khổ người mình thương yêu, bác lặng lẽ đi xét nghiệm và khi nhận được quyết định nhiễm chất độc da cam, bác đến cơ sở nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa và sống lặng lẽ ở đó trong suốt 20 năm.


Với chúng ta, sợ nhất là cô đơn và có những con người âm thầm chủ động lựa chọn sự cô đơn đó.


Những người không phải chịu nỗi khổ tâm lý thường nghĩ rằng nỗi khổ ấy chỉ là thứ chuyện đùa. Nhất là với những nạn nhân da cam, chiến tranh đã kết thúc từ lâu, đáng nhẽ cuộc sống phải “bình thường mới”. Nhưng không, cuộc sống của họ vĩnh viễn không bao giờ “bình thường” được… Có một câu nói mà tôi rất thích: “Chiến tranh có thể lùi xa, nhưng con người không bao giờ thoát ra khỏi chúng”. 


Di chứng da cam ảnh hưởng đến cả những thế hệ F3 - F4 sau này. Có nhiều gia đình đời ông bà, cha mẹ đều bình thường, tưởng như đã thoát khỏi “tử thần da cam” thì đến đời con cháu lại “dính”... Nhiều đứa trẻ sinh thời hiện đại, không biết đến mùi vị chiến tranh lại đang phải chịu hậu quả của chiến tranh cách đây cả vài chục năm trước. 


“Tôi đã rất mừng khi các con đều không bị nhiễm di chứng chiến tranh. Nhưng đến đời cháu tôi thì lại bị, chúng nó không có tội tình gì. Chiến tranh đã kết thúc lâu rồi mà giờ tôi lại phải đối diện với nó”.


Có lần, tôi gặp một bác cựu chiến binh già ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, bác cũng là nạn nhân của chất độc da cam. Sau khi nhìn mấy đồng đội sinh ra những đứa con bị dị dạng, bác quyết định không tiến tới hôn nhân nữa mặc dù hồi ấy bác chưa được xét nghiệm chất độc da cam. “Đó là một lựa chọn đau lòng nhưng đúng đắn. Người phụ nữ có quyền nuôi những đứa con khỏe mạnh và sống một cuộc đời hạnh phúc, bác không có quyền tước đi điều đó” - bác nói với tôi. Và bác dành phần đời của mình để quy tập những phần mộ liệt sĩ, những đồng đội của bác về với gia đình.


Cách đây chục năm, tôi vẫn nhớ lần được ghé thăm Bảo tàng chứng tích chiến tích chiến tranh, lúc ấy, trên Bảo tàng có xuất hiện một ngôi mộ thủy tinh của 3 em bé. Một phần dành cho 2 bé song sinh dính liền và phần còn lại dành cho một em bé khác. Rồi những hũ thủy tinh chứa thân thể dị dạng của những đứa trẻ, những bức ảnh mô tả cuộc sống không bao giờ bình thường của nạn nhân chất độc da cam.. ở bệnh viện Từ Dũ. Hay lần đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tàn tật Ba Vì - nơi có khoảng 120 trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam, tôi nhớ có lần dang tắm cho chúng, chúng hét lên và quỳ xuống, đứa thì bôi đất lên mặt, đứa thì đi lại vật vờ không biểu cảm… 


Một bác cựu chiến kể lại với đám chúng tôi, có lần đứa con bị nhiễm chất độc da cam của bác trốn đi ra ngoài đường. Với dáng vẻ và tâm lý không bình thường, mặc dù đã hơn 20, anh vẫn bị đám trẻ lành lặn trêu đùa, ném đồ đạc vào người. Bác nhìn con bị trêu mà ứa nước mắt. Đám trẻ ấy không biết người mà chúng nó vừa trêu ấy là chứng tích của một thời chiến tranh hy sinh quên mình, là những gì chứng đau thương của cả một dân tộc… 


Đến giờ, tôi vẫn nhớ giọng nói của chị thuyết minh hôm ở Bảo tàng chứng tích chiến tranh: “Với mỗi chúng ta, cuộc sống với thân thể lành lặn là một điều hiển nhiên. Nhưng với những nạn nhân da cam, điều đó là ước mơ mãi không bao giờ thành hiện thực”

#tifosi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét