Liên tục các vụ tiêu cực bị xử lý nghiêm khắc trong thời gian gần đây cho thấy việc phòng, chống sự tha hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đang được Đảng chú trọng hơn.
Những
hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có
chức, có quyền trong thực thi nhiệm vụ gây rất nhiều bức xúc cho người dân.
Thực
tiễn chỉ ra tham nhũng và tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên công tác phòng, chống tham nhũng
và công tác phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống phải gắn liền với nhau.
Liên
tục trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ sau Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh
hàng loạt các vụ án tham nhũng tiếp tục bị phanh phui, đưa ra trước ánh sáng,
nhiều vụ việc liên quan tới hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, thậm chí là
những lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Nhà nước, cũng liên tục được gọi tên.
Những
vụ việc tiêu cực xảy ra muôn hình vạn trạng. Tuy hành vi thực hiện là khác nhau
nhưng tất cả đều có chung một mẫu số đó là đi ngược lại các chủ trương, chính
sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể; các chuẩn
mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh
hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình
phát triển kinh tế-xã hội.
Do
thiếu tu dưỡng, rèn luyện
Mới
đây nhất, Ban Bí thư đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối
với ông Lê Minh Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn,
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, vì hàng loạt vi
phạm trong quá trình công tác.
Cụ
thể, ông Trung đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối
sống; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu
gương; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh
hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.
Từ
những vi phạm này, tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp chuyên đề) khóa X, nhiệm kỳ
2021-2026 ngày 14/6, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã bãi nhiệm chức danh
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân và tư cách đại biểu Hội đồng Nhân
dân thành phố Đà Nẵng đối với ông Lê Minh Trung.
Hay
trường hợp ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đã bị Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng. Với
cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, ông Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu
về những vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh).
Trong
quá trình công tác, ông Hùng Sơn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy
chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về
trách nhiệm nêu gương; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính
trị, đạo đức, lối sống, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới
quyền, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Trước
những sai phạm này, tại Kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa
XIV đã thực hiện quy trình bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh
khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đối với ông Lê Hùng Sơn.
Cũng
bị Ban Bí thư khai trừ khỏi Đảng, ông Đàm Quang Vinh, nguyên Chánh Thanh tra
tỉnh Lào Cai lại thực hiện những hành vi tiêu cực ở một góc độ khác.
Để
thăng tiến, ông Vinh đã sử dụng Bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học không hợp
pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ
lãnh đạo trong các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước.
Đồng
thời, ông Vinh đã thiếu trung thực trong báo cáo, kê khai lý lịch để được kết
nạp vào Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên, vi phạm về
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Quy định về những điều đảng viên không được
làm.
Ông
Đàm Quang Vinh suy thoái về tư tưởng chính trị, trong kiểm điểm tự phê bình còn
giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận khuyết điểm.
Với
những sai phạm này, ông Đàm Quang Vinh cũng đã bị bãi nhiệm Ủy viên Ủy ban Nhân
dân tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Còn
ông Đinh Quý Nhân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, nguyên
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình bị Ban Bí thư khai trừ ra khỏi
Đảng vì những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong
thời gian giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng
Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; vi phạm Quy
định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương,
Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Ông
này đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc tuyển dụng viên chức. Từ những sai phạm
này, ông Đinh Quý Nhân bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình cách chức Tỉnh
ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020.
Những
trường hợp bị xử lý kỷ luật nói trên đều do có hành vi vi phạm được đánh giá là
nghiêm trọng và rất nghiệm trọng, làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng,
chính quyền, cơ quan, đơn vị công tác và của cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ,
đảng viên và dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy
định.
Mà
nguyên nhân gốc rễ của những sai phạm đó là thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
lối sống, vượt qua lằn ranh mỏng manh, tự chuyễn biến, tự chuyển hóa, dẫn đến
hành vi sai phạm chỉ là một bước ngắn ngủi.
Nhận
diện hành vi tiêu cực
Liên
tục các vụ tiêu cực bị xử lý nghiêm khắc trong thời gian gần đây cho thấy việc
phòng, chống sự tha hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên đang được Đảng chú
trọng hơn, đặc biệt là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phòng, chống tiêu cực.
Các
chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi tiêu cực là hồi chuông cảnh tỉnh cho
những ai cố tình dựa vào địa vị của mình để thực hiện các hành vi tiêu cực nhằm
mưu lợi cá nhân.
Việc
đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, những biểu hiện "tự diễn biến,"
"tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm được xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Theo
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, thuật ngữ “tiêu cực” dùng để chỉ
những hiện tượng không lành mạnh, có tác dụng phủ định, cản trở, không tốt đối
với quá trình phát triển của xã hội; trái với tích cực.
Đứng
ở những cách tiếp cận khác nhau, thuật ngữ “tiêu cực” có cách hiểu khác nhau,
nhưng tựu chung lại, hành vi tiêu cực trái ngược với tích cực, trái ngược với
sự tiến bộ, phát triển hoặc cản trở, kìm hãm sự tiến bộ, phát triển.
Hành
vi “tiêu cực” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có thể hiểu là
những thói hư, tật xấu, khuyết điểm, là nhận thức, thái độ, hành vi không lành
mạnh, có tác dụng xấu, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích, uy tín của Đảng, Nhà
nước, cơ quan, đơn vị và chính cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm
giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển của xã hội.
Khái
quát lên, "tiêu cực" trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là
những biểu hiện, hành vi trái với các chủ trương, chính sách, quy định của
Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể; các chuẩn mực đạo đức, quy
tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy
tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh
tế-xã hội.
Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội
bộ; gồm 3 loại: Suy thoái về tư tưởng chính trị (9 biểu hiện); suy thoái về đạo
đức, lối sống (9 biểu hiện); “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” (9 biểu hiện).
Từ
27 biểu hiện này, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng thời gian qua đã nhận diện, cụ thể
hóa thành hàng trăm hành vi cụ thể để tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Các biểu
hiện suy thoái này cũng chính là trọng tâm mà Đảng xác định cần tập trung đẩy
mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hiện nay.
Dưới
góc độ hành vi, tiêu cực biểu hiện qua các hành vi hành động hoặc không hành
động. Đó là các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước
như vi phạm nghĩa vụ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; vi phạm những
điều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không được làm; vi phạm các quy
định về nêu gương.
Đó
là vi phạm kỷ luật của đoàn thể như vi phạm Điều lệ Công đoàn, Điều lệ Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…
Đó
là vi phạm các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, tập quán, truyền thống văn
hóa tốt đẹp của dân tộc được cộng đồng thừa nhận như vi phạm kỷ luật lao động,
nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; quan hệ nam nữ bất chính...
Mới
đây, tại Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị Quy định về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nêu rõ phạm vi chỉ đạo của
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “Chỉ đạo công
tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong
hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ
việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã
hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng
nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán
bộ…”
Điều
này có nghĩa là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến,” “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực; phòng, chống sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức
trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước là trọng tâm của công tác phòng,
chống tiêu cực./.
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+) - 22.06.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét