Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và vợ-Đại tá Mạc Phương Minh, nguyên Giám đốc Nhà khách Quân khu 7, có một câu chuyện tình cảm động, ở đó có sự hy sinh, chung thủy và chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống.
Những ngày “vào sinh ra tử”
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), 17 tuổi, cậu học trò thư sinh Lưu Phước Lượng (Năm Lượng) tự đạp xe vào vùng giải phóng Chánh Lưu-Nhà Đỏ (nay thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để gặp cha, khi ấy đang là chỉ huy của một đơn vị Quân Giải phóng. Đấy cũng là lúc Năm Lượng chính thức từ bỏ tâm lý của một cậu học sinh tiểu tư sản thành thị để bước vào hàng ngũ cách mạng.
Vợ chồng Trung tướng Lưu Phước Lượng. |
Sau thời gian là chiến sĩ tại Tỉnh đội Phước Thành, Năm Lượng được cử đi học sửa chữa và lắp máy thông tin quân sự ở xưởng sửa chữa thuộc Phòng Thông tin Miền. Thực tế cách mạng cùng những lần chiến đấu trực tiếp với kẻ thù đã khiến anh dần trưởng thành. Đó là lần chạm trán với một đại đội thuộc Lữ đoàn dù 173 “bất khả chiến bại” của Mỹ vào năm 1967. Dẫu lực lượng không cân sức nhưng anh và đồng đội đã loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên lính Mỹ. Sau trận đánh này, Năm Lượng được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Đó còn là lần suýt chết trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khi bám trụ vùng ven tây bắc Sài Gòn trong đội hình của Trung đoàn Quyết Thắng (tiền thân của Trung đoàn Gia Định, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh ngày nay). Suýt bị rơi vào tay địch, anh được gia đình má Hai Cây Thị (chị ruột của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) nuôi giấu, chở che và đưa ra vùng giải phóng. Lần khác, máy bay địch thả bom phát quang chỉ cách hầm của anh chưa tới 2m. Khi đồng đội đưa được anh lên từ đống đổ nát, anh mới biết mình bị hai vết thương rất nặng ở đùi và lưng. Chỉ đến khi đi điều trị, gặp lại cha đang là Chính ủy Bệnh viện K71A (bệnh viện tuyến cuối của Quân Giải phóng miền Nam), anh mới biết, gia đình đã nhận được giấy báo tử mình trong Xuân Mậu Thân 1968.
Năm 1974, Lưu Phước Lượng có quyết định đi học tập tại miền Bắc. Trong đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra học tập ở miền Bắc, có nữ chiến sĩ Phương Minh.
Nụ hôn trước ngày chia tay
Nhớ lại những ngày đầu tiên gặp bà Phương Minh, Trung tướng Lưu Phước Lượng kể: “Đó là những ngày đầu tháng 5-1974, chúng tôi vượt dãy Trường Sơn để ra Bắc. Trong đoàn chỉ có mình Phương Minh là nữ, lại là một cô gái rất xinh đẹp. Chính vì thế có nhiều chàng trai để ý, quan tâm, chăm sóc. Còn tôi, trong lòng luôn có sự cảm thông với hoàn cảnh đặc biệt của Phương Minh, nhưng bề ngoài lại tỏ ra khá e dè”.
Gia đình Trung tướng Lưu Phước Lượng. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từng được gặp mẹ của Phương Minh-bà Hai Phương chỉ mấy tháng trước ngày bà hy sinh, hơn ai hết, Năm Lượng thấu hiểu hoàn cảnh của cô: Từ nhỏ đã phải xa rời vòng tay cha mẹ, cha tập kết ra Bắc, mẹ đi chiến đấu, Phương Minh ở với bà ngoại và người dì ruột. Năm 13 tuổi, cô được mẹ đón vào chiến khu đi theo cách mạng, rồi công tác ở Ban Dân y Tây Nam Bộ, đóng quân ở Cà Mau. Để mẹ con có điều kiện sống gần nhau, bà Hai Phương đã nhờ người đưa Phương Minh về công tác ở Miền. Khi hai mẹ con chuẩn bị được đoàn tụ, Phương Minh theo đường giao liên tìm đến cơ quan Thị đội Lộc Ninh thì được tin sét đánh: Mẹ cô đã hy sinh 19 ngày trước. Sự mất mát quá lớn trong cuộc đời khiến Phương Minh đau buồn tưởng không gượng dậy nổi. Nhưng với bản lĩnh và sự quan tâm, chia sẻ của mọi người, trong đó có người đồng đội Lưu Phước Lượng, đã giúp cô dần ổn định tâm lý.
Tiếp đó là những tháng ngày Năm Lượng và Phương Minh học tập miệt mài tại Trường Văn hóa Quân đội (Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng) tại Lạng Sơn. Hai người cũng nhận ra tình cảm dành cho nhau nhưng trong lòng còn e dè, chưa dám tỏ bày. Chỉ đến khi có một “sự kiện” đặc biệt đến với Năm Lượng thì hai người mới chính thức bắt đầu tình yêu.
Đầu tháng 8-1974, Phước Lượng được cấp trên thông báo sẽ tham gia đoàn đại biểu nhân dân miền Nam thăm Trung Quốc. Trước thông tin này, anh vừa vui vừa xen lẫn một nỗi buồn khó tả vì sắp phải xa Phương Minh. Thấy rõ nỗi lòng của Phước Lượng, hai người anh, người đồng đội Tư Hải, Năm Hoàng đã “tác thành” một cuộc gặp riêng cho hai người. Dù có sự chuẩn bị trước nhưng khi được ngồi riêng với người mình thương, người chiến sĩ dạn dày trước súng đạn lại run bần bật. Bằng sự nhạy cảm và tinh tế của một người con gái, Phương Minh đã chủ động bày tỏ những quan điểm cá nhân về tình yêu, cuộc sống.
Phước Lượng đã rất lo lắng khi cô nói rằng muốn yêu người có hoàn cảnh giống mình, cũng trải qua những đau thương giống mình thì mới có sự hòa hợp, cảm thông trong cuộc sống. Nhưng rồi, quá trình học tập, sinh hoạt cùng nhau đã giúp Phương Minh dần hiểu, có cảm tình và niềm thương mến đặc biệt với Phước Lượng. Đó là khi cô nhận ra ở anh sự vô tư, rụt rè, gần như là nhút nhát trước cô. Đó là lúc cô nhìn thấy vết thương dài ở đùi anh khi vô tình gặp anh mặc quần áo ngắn đi gánh nước giúp chủ nhà. Cô cũng chia sẻ những khó khăn và phân vân khi chấp nhận tình yêu ở thời điểm hiện tại. Phước Lượng tỏ bày niềm thương yêu và động viên người yêu cùng cố gắng học tập tốt. “Hơn một giờ trò chuyện, chúng tôi chia tay, khi nắm tay, tôi bất ngờ ôm và hôn vào má Phương Minh. Hơi ấm của nụ hôn ấy đã theo tôi hơn nửa đời người, mà sao vẫn nóng bỏng như ngày nào...”, Trung tướng Lưu Phước Lượng trải lòng.
Cùng nhau vượt qua gian khó
Tình yêu đã chắp cánh cho Năm Lượng và Phương Minh trong học tập và công tác. Cùng học lớp 8, Phương Minh học giỏi toàn diện, còn Năm Lượng chỉ khá từng môn. Vậy là Phương Minh dành thời gian phụ đạo thêm kiến thức cho người yêu. Đầu năm 1975, diễn biến chiến sự trên chiến trường miền Nam khiến học viên trong trường đứng ngồi không yên. Phước Lượng động viên người yêu cố gắng học tập thật tốt, còn mình cũng chuẩn bị tâm thế để về lại miền Nam chiến đấu. Và ngay sau khi miền Nam được giải phóng hai tháng, mọi việc diễn ra đúng như dự liệu của anh. Phương Minh được ở lại học tập tại miền Bắc, còn Phước Lượng về miền Nam để phục vụ cho nhiệm vụ tiếp quản còn rất nhiều việc phải làm. Hai người tạm xa nhau.
Năm 1977, hai người gặp lại tại Cần Thơ và tổ chức hôn lễ đơn sơ mà đầm ấm trong sự chúc phúc của hai bên gia đình. “Sau ngày cưới, tôi làm việc và ở lại đơn vị, còn Phương Minh đi học văn hóa. Trước mắt chưa có nhà cửa, vợ chồng tôi sống theo kiểu dân “du mục”. Vì hầu như chỉ gặp nhau vào ngày nghỉ, khi chúng tôi ở nhà người thân này, khi lại ở với người kia. Tuy vất vả nhưng lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười!”, Trung tướng Lưu Phước Lượng nhớ lại.
Thời gian cứ nối dài hành trình của cuộc đời mỗi người. Đời binh nghiệp của Trung tướng Lưu Phước Lượng trải qua nhiều cương vị công tác, hết ra Bắc rồi vào Nam, từ Tây Nam Bộ đến Đông Nam Bộ rồi quay lại Tây Nam Bộ. Đằng sau ông luôn có sự ủng hộ và hậu thuẫn hết mình của người bạn đời Mạc Phương Minh. Ông kể, sau này rời Cần Thơ, bà Phương Minh về TP Hồ Chí Minh, công tác ở xưởng dược của Quân khu 9, rồi Nhà khách Quân khu 7. Thi thoảng ông mới tạt qua nhà trong những chuyến công tác. Một tay bà hết lòng chăm sóc, yêu thương ba mẹ chồng và nuôi nấng, dạy dỗ các con khôn lớn, trưởng thành. Mới đó mà đã 45 năm bên nhau. Ông vẫn luôn tự nhủ: “Có được người vợ đảm đang và tần tảo như Phương Minh, tôi mới được sống trọn vẹn với ước mơ và tâm huyết của mình. “Dấu ấn” cuộc đời trong tôi chính là tình yêu trọn vẹn và thủy chung của vợ tôi-Mạc Phương Minh”.
THỦY TIÊN
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét