Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Châu Mỹ

 

Tòa án Quyền con người châu Mỹ  bao gồm 7 thẩm phán là công dân các quốc gia thành viên OAS, được bầu theo nhiệm kỳ 6 năm bởi Đại hội đồng OAS. Tòa có hai chức năng cơ bản là xét xử và tư vấn.

Về chức năng xét xử:

Các vụ việc được chuyển đến Tòa án bởi Ủy ban Quyền con người châu Mỹ hoặc bởi một quốc gia thành viên OAS. Đây là điểm khác với cơ chế quyền con người của châu Âu, nơi mà các cá nhân  có quyền gửi thẳng các khiếu nại đến Tòa án Quyền con người khu vực. Khi các cá nhân thấy rằng quyền của mình bị vi phạm thì có thể gửi khiếu nại đến Ủy ban Quyền con người châu Mỹ để xem xét khả năng thụ lý. Nếu xét thấy có thể thụ lý, Ủy ban sẽ gửi cho quốc gia liên quan một số khuyến nghị. Chỉ khi quốc gia liên quan không tuân theo các khuyến nghị này, hoặc nếu Ủy ban thấy rằng vụ việc có ý nghĩa quan trọng, thì sẽ chuyển vụ việc lên Tòa án châu Mỹ về quyền con người để giải quyết. 

Thủ tục tại Tòa án châu Mỹ về quyền con người được chia thành thủ tục viết và thủ tục miệng. Trong giai đoạn thủ tục viết, đơn khiếu kiện được nộp cần bao gồm các dữ kiện liên quan, các nạn nhân, nhân chứng có thể mời có mặt tài phiên tòa, số chi phí đòi bồi thường. Nếu vụ việc được thụ lý, Tòa sẽ gửi thông báo đến quốc gia hoặc Ủy ban quyền con người của châu lục (tùy chủ thể nào nộp đơn kiện), nạn nhân và các bên liên quan. Trong vòng 30 ngày tiếp theo thông báo, bất kỳ bên nào cũng có quyền nộp đơn phản đối. Tòa án có thể họp để xem xét đơn phản đối này. Trong vòng 60 ngày tiếp theo thông báo, bên bị đơn phải cung cấp phản hồi đơn kiện bằng văn bản nêu rõ có đồng ý hay không với nội dung và yêu cầu của đơn kiện. Trong giai đoạn tranh tụng (thủ tục miệng), một hội đồng gồm năm thẩm phán của Tòa án sẽ xem xét vụ việc. Sau khi nghe các bên tranh tụng và nghị án, Tòa sẽ tuyên án. Phán quyết của Tòa án là chung thẩm, các bên không được phép kháng cáo.

NH.MLN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét