Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Châu Âu

 

Mọi quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu đều phải tham gia Công ước Quyền con người châu Âu.

Đây là một trong những điều kiện để trở thành thành viên của Hội đồng châu Âu. Công ước được bổ sung bằng hơn 10 Nghị định thư, trong đó Nghị định thư số 11 (có hiệu lực từ năm 1998) quy định việc thành lập Tòa án Quyền con người châu Âu thường trực. Tòa án có số lượng thẩm phán tương đương số quốc gia thành viên, các thẩm phán của tòa án được bầu ra bởi Nghị viện của Hội đồng châu Âu theo nhiệm kỳ 6 năm, hoạt động với tư cách độc lập chứ không phải là đại diện của quốc gia. Tòa án được chia thành 5 Tòa thành viên (Sections), được lãnh đạo bởi một chánh án (President), 5 chánh tòa (Section Presidents, hai trong số này đồng thời là Phó Chánh án - Vice-President). Mỗi Tòa thành viên sẽ chọn ra một Hội đồng (Chamber), bao gồm Chánh tòa và sáu thẩm phán luân phiên. Tòa cũng có một Đại Hội đồng (Grand Chamber) gồm 17 thẩm phán, bao gồm Chánh án, các Phó Chánh án và các Chánh tòa.

 Các khiếu kiện về quyền con người chống lại các quốc gia thành viên được gửi  đến Tòa án Quyền con người châu Âu (tại Strasbourg, Pháp) sẽ được phân loại và giao cho các Tòa thành viên, sau đó được xem xét bởi một Ủy ban gồm 3 thẩm phán.

Ủy ban này có thể ra quyết định thụ lý hay không thụ lý vụ việc. Nếu được Ủy ban chấp thuận, khiếu nại được xem xét bởi một Hội đồng. Các vụ việc quan trọng có thể được chuyển tới Đại Hội đồng. Trong vòng 10 năm hoạt động (1998-2008), Tòa án quyền con người châu Âu đã thụ lý và ra phán quyết về rất nhiều vụ việc. Số đơn khiếu nại gửi đến Tòa án ngày càng tăng. Riêng trong năm 2008, Tòa án nhận 49.850 đơn so với năm 2007 là 41.650 đơn. Ngoài Tòa án Quyền con người, châu Âu còn có một số cơ quan bảo vệ quyền con người khác như Ủy ban chống tra tấn (CPT).

Nh.MLN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét