Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

CỐ TÌNH “ĐÁNH LẬN CON ĐEN”


Một trong những thành công lớn nhất của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là đã xem xét, thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Nghị quyết 18 đề ra mục tiêu tổng quát để hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, khi nghị quyết vừa được ban hành đã có một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng: “Nghị quyết 18 chưa gỡ rối được đất đai ở Việt Nam”. Họ phản đối quan điểm “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Họ “kiến nghị” muốn giải quyết triệt để vấn đề khiếu kiện về đất đai phải “đa dạng hóa sở hữu đất đai”; phải “công nhận sở hữu tư nhân về đất đai”…
Mặc dù những ý kiến trên chỉ là thiểu số, nhưng nó thể hiện sự cố ý, “đánh lận con đen” của những kẻ phản đối “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, họ cố tình không chịu hiểu về thực tế quản lý đất đai hiện nay ở Việt Nam.
Nếu sở hữu tư nhân đất đai, người sở hữu đất có quyền đối xử với đất như đối với tài sản riêng, có quyền mua, bán, chuyển nhượng, thậm chí bỏ hoang không sử dụng, cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng. Không ai có quyền thu hồi, sử dụng đất của người khác nếu không được chủ đất cho phép. Do đất là tài sản riêng nên người dân có quyền định đoạt nó như hàng hóa trên thị trường bất động sản. Lợi dụng khó khăn hoặc kém hiểu biết của nông dân, một bộ phận người có tiền (từ nhiều nguồn khác nhau mà chúng ta không kiểm soát được) có thể thu gom đất đai.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai sẽ là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đòi hỏi chuyển một diện tích đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Sở hữu tư nhân đất đai sẽ đặt nhà đầu tư vào chỗ phải thỏa thuận với quá nhiều người dân, chỉ một người không đồng ý với phương án chung là kế hoạch đầu tư khó triển khai thực hiện. Sở hữu tư nhân đất đai vừa cản trở quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa không có cơ chế bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư và của chính người dân.
Mặc dù trong thời gian qua ở nước ta, lĩnh vực đất đai đã nảy sinh nhiều tiêu cực, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đánh giá. Thế nhưng những hạn chế, tiêu cực đó không phải do bản chất của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Nghị quyết 18 đã chỉ ra những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm. Mặt khác, chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước…
Hiện nay nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai, không thể công nhận sở hữu tư nhân về đất đai ở Việt Nam.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét