Quần chúng không sợ hi sinh, chỉ
sợ hi sinh không được tổ chức biết. Đảng dứt khoát không làm "người trung
mắc nạn, kẻ gian vui mừng" cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói.
Năm 1991, tòa
soạn báo Quân đội Nhân dân giao cho tôi tháp tùng anh Lê Khả Phiêu - Phó Chủ
nhiệm Tổng cục Chính trị đi thăm, kiểm tra một số đơn vị quân đội đóng quân
phía Nam.
Anh Phiêu dặn
tôi chỉ đưa một tin lên báo vào ngày kết thúc chuyến đi công tác. Biết tôi là
lính chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế từ năm 1968 và cả thời chống Mỹ,
đánh quân Pôn Pốt, đánh quân Trung Quốc xâm lược, có nhiều thành tích trong chiến
đấu, đã từng là cán bộ chỉ huy đơn vị, cán bộ cơ quan 18 năm rồi mới đi làm
báo, anh Phiêu rất thích.
Ngày đi đơn vị,
tối anh Phiêu bảo tôi ở lại chơi trò chuyện rồi hãy về. Kể chuyện chiến đấu ở
Trị Thiên, anh Phiêu vẫn nhớ trận Cô Pung mà tôi là xạ thủ số 1 súng cao xạ
12,7 ly, trong 30 phút đã bắn rơi tại chỗ 14 máy bay trực thăng và bắn bị
thương 11 chiếc rơi ở đồng bằng.
Trận ấy vang dội
cả Quân khu, cả chiến trường, báo đài đăng bài, nói nhiều. Trận thắng Cô Pung ấy
được báo cáo điển hình tại đại hội thi đua quyết thắng của Quân khu Trị Thiên
Huế tháng 12/1970.
Đại đội 3 và
tiểu đoàn 54 chúng tôi được tuyên dương Anh hùng. Anh Phiêu bảo: “Hồi đó hơi cầu
toàn, bây giờ phát hiện làm lại có khi cậu được tuyên dương Anh hùng đấy”.
Năm 1998, anh Nguyễn
Mạnh Đẩu - Cục trưởng Cục Chính sách vào TP.HCM gặp và bảo tôi: “Cụ Phiêu phê
vào hồ sơ của Truật rằng: Cùng chiến đấu với đồng chí Truật còn nhiều người là
nhân chứng đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Anh Đẩu cho xác minh và làm Anh hùng
cho đồng chí Truật. Nhưng mình trình báo thì anh Phạm Thanh Ngân - Chủ nhiệm Tổng
cục Chính trị nói “vẫn phải làm từ cơ sở lên”. Khó thế”!
ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
KHÔNG QUÊN CÔNG LAO CỦA AI
Tháng 2/2013,
khi đi kỷ niệm 45 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại TP Huế, tôi nói với
anh Phiêu: “Em vẫn chưa được Anh hùng anh ạ”. Anh Phiêu cười và nói: “Để về
mình nhắc Bộ Quốc phòng, thành tích của cậu dày mà”.
Sau đó anh
Nguyễn Mạnh Đẩu vào đề nghị với lãnh đạo Quân khu 4 nên ngày 10/8/2015, nhân kỷ
niệm 70 năm thành lập nước, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang nhân dân do lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chống Mỹ cứu nước.
Cũng trong
chuyến công tác năm 1991 ấy, tôi hỏi: “Anh Phiêu có nhớ cụ Lê Minh Hội nữa
không?” Anh Phiêu bảo: “Hồi Trị Thiên mình là Trưởng phòng Tổ chức thì anh Hội
làm Tuyên huấn. Vợ anh Hội là cô Huệ do mình giới thiệu. Ở Campuchia anh Hội
làm phó cho mình”.
Tôi nói: “Hồi
làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 324 cụ Hội nổi tiếng nói thời sự, giảng chính
trị rất hay nhưng bây giờ về hưu lại làm thầy bói”. Anh Phiêu cười rồi hỏi: “Có
nhiều người tới xem không?”. Tôi nói: “Dạ, đông lắm”.
Hôm sau anh
Phiêu bảo tôi mua tút thuốc lá 555 rồi cùng ghé thăm cụ Lê Minh Hội. Vào nhà
ông Hội, anh Phiêu cười rồi nói: “Truật bảo bây giờ anh coi bói đắt khách lắm,
coi cho tôi một quẻ được không?”.
Ông Hội nghiêm
trang nói: “Biết nhau rồi, không nói quá khứ làm tin nữa mà nói thì tương lai
nhé: Cậu tu cho tốt thì sẽ làm vua”.
Anh Phiêu hỏi:
“Thế nào là tu cho tốt?”. Ông Hội nói: “Tu tốt là sống tử tế như lâu nay cậu vẫn
sống với mọi người ấy. Nhưng làm vua thì nên bỏ bớt thói quen khi còn làm
quan”.
Mọi người ngồi
quanh bàn đều cười vui vẻ. Sau này khi anh Phiêu được phong hàm Thượng tướng,
Thường trực Ban Bí thư rồi lên Tổng bí thư, cụ Hội gọi tôi sang bảo: “Truật thấy
anh coi đúng không? Cậu cố gắng giúp ông Phiêu nhé. Chuyện phong Anh hùng cho cậu
thì chắc chắn được. Đảng và Nhà nước không quên công lao của ai đâu”.
SAI THÌ SỬA, SỬA
TRIỆT ĐỂ
Sau này, tôi
nhiều lần làm việc, báo cáo tình hình mà tôi biết được cho Anh. Có lần anh
Phiêu trầm ngâm bảo tôi: “Cậu thật thà quá!”. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh Phiêu
cười rồi nói: “Cổ nhân dạy: Thật thà là cha quỷ quái. Nhưng làm việc phải cẩn
thận hơn. Phân tích, tổng hợp, đưa ra giải pháp tốt nhất. Làm nhà báo Cách mạng
thì phải quan hệ thật rộng để có nhiều thông tin nhưng phải giữ lòng mình thật
trong sáng, đạn bọc đường bây giờ nhiều lắm”.
Một lần tôi
báo cáo anh Phiêu về tình trạng do luật sĩ quan mà cấp úy được nghỉ hưu, còn cấp
tá thì phải phục viên. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của sĩ
quan tại ngũ và những người sắp thành sĩ quan quân đội. Anh Phiêu nghe rất chăm
chú rồi nói: “Cậu viết bài nói tình hình này lên báo Quân đội Nhân dân đi. Anh
sẽ xử lý”. Tôi về viết ngay bài “Được về hưu và phải phục viên” đăng Diễn đàn
Chủ nhật của báo. Bài báo gây xôn xao dư luận.
Gặp lại tôi,
anh Phiêu khen và nói: “Quân ủy Trung ương đã có chỉ thị không cho sĩ quan cấp
tá phục viên. Những trường hợp đã cho phục viên thì ai đủ 20 năm tại ngũ được
cho chuyển chế độ thành nghỉ hưu. Sai thì sửa, sửa triệt để. Không để anh em bị
thiệt thòi. Quần chúng không sợ hi sinh, chỉ sợ hi sinh không được tổ chức biết.
Đảng dứt khoát không làm “người trung mắc nạn, kẻ gian vui mừng”.
Khi mới lên Tổng
bí thư, vào TP.HCM chuẩn bị tang lễ cho Cố vấn, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn
Linh, anh Phiêu gọi tôi vào, cho tôi xem điếu văn ngày mai anh sẽ đọc và bảo:
“Anh Lê Xuân Tùng, nguyên trợ lý anh Nguyễn Văn Linh viết đấy. Truật xem góp ý
đi”. Tôi ngập ngừng. Anh bảo: “Đọc và góp ý thoải mái. Dân chủ mà”.
RẤT TÂM ĐẮC VẤN
ĐỀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Trước lúc
Trung ương 8 ra Nghị quyết 6 lần 2, anh Phiêu rất tâm đắc vấn đề chỉnh đốn Đảng,
chống tiêu cực, chống tham nhũng. Bây giờ đọc lại và thấy Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng triển khai chương trình, chiến dịch chống tham nhũng, xây dựng Đảng,
tôi nghĩ nếu từ Đại hội 9, 10, 11 mà làm theo Nghị quyết 6 lần 2 của Đại hội 8
thì Đảng ta mạnh lắm, và thất thoát, lãng phí sẽ giảm biết bao nhiêu…
Là người may mắn
có nhiều dịp làm việc, báo cáo cho anh Phiêu, được anh dạy dỗ, hướng dẫn, tiếp
đón chân tình, ấm áp như người anh em, kỷ niệm đẹp có nhiều, không lời nào nói
hết được.
Nay anh Phiêu
về với tổ tiên, về với thế giới người hiền, mất mát này không có gì bù đắp nổi.
Nhắc lại kỷ niệm
với anh Phiêu là nén nhang thành kính của đứa em, đồng chí, đồng đội.
Thân quý tiễn
Anh - cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu muôn vàn kính yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét