Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Cuộc ‘đấu tranh’ trong mỗi con người

 


Phòng, chống tham nhũng là “cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình”. Cuộc “đấu tranh” này thực sự cam go, khốc liệt, thậm chí là có nhiều mất mát, đau xót.

Trong thời gian qua, công cuộc đấu tranh và phòng chống, xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Nhiều cán bộ cấp cao cũng đã bị xử lý hình sự, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói “là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng”. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vô cùng phức tạp, còn những hạn chế, tồn tại. Khó khăn và phức tạp bởi phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén", "cho, tặng", hối lộ,... với động cơ không trong sáng.

Khó khăn hơn cả, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, bởi “Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân”.

Cuộc “đấu tranh” ấy thật sự chưa khi nào là dễ dàng. “Chiến đấu” với lòng tham, cái lợi trước mắt là cuộc chiến âm thầm mà cam go, khốc liệt. Cuộc chiến này không có chỗ cho sự do dự, chần chừ hay khoan nhượng. “Sai một ly, đi một dặm”, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, để có thể tạo nên sự thành công, mang lại danh tiếng tốt cần phải trải qua nhiều khó khăn, nỗ lực; nhưng đôi khi chỉ cần một hành động xấu, sai lầm cũng có thể đánh mất hết uy tín mà mình đã dày công tạo dựng trước đó.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định là cuộc đấu tranh không ngừng, không nghỉ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Bên cạnh đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý thêm một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào Dân, lắng nghe Dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Niềm mong mỏi, gửi gắm của Tổng Bí thư vào những cán bộ "rường cột" của Đảng và Nhà nước, những "Bao Công" của thời đại ngày nay, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng chính là niềm mong mỏi của người dân, để không còn có bất cứ một cuộc “đấu tranh” nào nữa trong mỗi con người và đất nước sẽ sạch bóng “giặc nội xâm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét