Bảo hiểm xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng,
là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia, như "của để
dành" mà Nhà nước dành cho người lao động, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo
đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, vẫn còn những
vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao,
ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển Bảo hiểm xã hội.
Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch tác động
mọi mặt đến đời sống xã hội, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, người lao động
mất việc làm đã ảnh hưởng đến việc tham gia đóng Bảo hiểm xã hội. Số người tham
gia Bảo hiểm xã hội mặc dù có tăng (tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
là 16,1 triệu người, tăng thêm 2,6% so với năm 2019) nhưng số người tham gia
Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm tự nguyện giảm (giảm 1% so với năm 2019); mức
đóng không cao chủ yếu là mức đóng chuẩn nghèo nông thông (700.000 đồng/tháng)
mới đạt 21,3%; số tiền chậm đóng Bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng so với năm 2019.
Việc thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động ở các
doanh nghiệp gặp khó nên không thể đóng bảo hiểm. Năm 2021, số tiền nợ, chậm
đóng Bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng, trong đó nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội
bắt buộc là 12.113 tỷ đồng (tăng 2.013 tỷ đồng so với 2019), nợ lãi chậm đóng
là 3.016 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng số nợ); đặc biệt số người hưởng Bảo hiểm
xã hội một lần giai đoạn 2016-2020 tăng cao tập trung từ 20-40 tuổi (chiếm
80,9% ).
Nguyên nhân là do số người hưởng Bảo hiểm xã
hội một lần tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng
tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các
doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng
chậm đóng, tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội tăng cao. Trong khi đó, nhận thức của
một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia Bảo hiểm xã
hội vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ; quy định về chính sách
chưa đủ sức hút người tham gia, thời gian đóng dài (20 năm), chưa cạnh tranh
được với các loại bảo hiểm thương mại. Dự báo có thể số người hưởng chế độ Bảo
hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.
Dư địa
từ lĩnh vực Bảo hiểm xã hội tự nguyện này rất lớn, do đó Chính phủ cần công
khai doanh nghiệp, người lao động hay chủ thể sử dụng lao động chậm nộp Bảo
hiểm xã hội, thu hồi nợ đọng và kiểm tra, giám sát đồng thời có chế tài nghiêm
khắc để thực hiện nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội hiện nay; đồng thời cần sớm
xem xét quy định rút ngắn thời gian để thúc người dân tham gia Bảo hiểm xã hội
tự nguyện, nhằm tạo điều kiện cho người tham gia đóng bảo hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét