ĐỂ NGUYÊN TẮC ĐẢNG
HOẠT ĐỘNG TRONG KHUÔN KHỔ HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT HIỆU QUẢ TRONG THỰC TẾ
“Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”
là một nguyên tắc hoạt động của Đảng, được Đại hội X của Đảng thông qua và đưa
vào Điều lệ Đảng. Nguyên tắc này xác định địa vị pháp lý của Đảng cầm quyền và
phương thức hoạt động của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay; thể hiện sinh động cơ chế "Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; đề phòng và khắc phục tình
trạng "bao biện làm thay" hoặc buông lỏng lãnh đạo...
Nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa cao quý của cách mạng Việt Nam do
Đảng lãnh đạo. Ảnh minh họa:
Ngay sau khi trở thành Đảng cầm quyền tháng 9-1945, Đảng ta
đã coi trọng vấn đề tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Năm 1947, mặc dù công cuộc kháng chiến-kiến quốc vô cùng bận rộn, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã dành tâm sức viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", trong
đó có phần chỉnh đốn những biểu hiện coi thường pháp luật của cán bộ, đảng
viên. Tại Đại hội III của Đảng, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng: "Có
những cấp ủy đảng bao biện làm thay, can thiệp vụn vặt vào công việc của cơ quan
Nhà nước... Có những cấp ủy và cán bộ, đảng viên coi thường chính quyền Nhà nước,
không nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cơ quan chính quyền cấp
trên"(1).
Đến Đại hội IV, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Đảng bắt
buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế
độ của cơ quan Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của
Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng”(2). Đặc biệt, Đảng khẳng định việc cán bộ,
đảng viên vi phạm pháp luật, quy định của Nhà nước là vi phạm kỷ luật của Đảng.
Tại Đại hội V, Đảng nhấn mạnh: "Vẫn còn một số tổ chức
đảng bao biện công việc của cơ quan Nhà nước. Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng
đó. Các cấp ủy đảng, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thi hành Hiến pháp và
pháp luật, đi đầu trong cuộc đấu tranh tăng cường pháp chế XHCN. Nghiêm cấm các
tổ chức đảng tùy tiện đề ra những quy định trái với pháp luật”(3). Đại hội cũng
nhấn mạnh, phải tập trung "khắc phục thiên hướng xem nhẹ vai trò của Nhà
nước còn khá nặng nề ở nhiều cấp, nhiều ngành"(4).
Đại hội X của Đảng đã thông qua Điều lệ Đảng, trong đó xác định:
“Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(5) là một trong các
nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt
Nam năm 2013 ghi rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa cao quý của cách mạng Việt Nam do Đảng
lãnh đạo. Nội dung cơ bản của nguyên tắc ấy là: Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng
được chế định trong Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp vai
trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng phải được thể chế hóa thành Hiến pháp và pháp
luật thông qua trình tự lập hiến, lập pháp, qua đó mà thực hiện sự lãnh đạo của
Đảng đối với xã hội. Nội dung và phương thức hoạt động của Đảng phải phù hợp với
Hiến pháp và pháp luật; tổ chức sinh hoạt nội bộ của Đảng phải phù hợp với các
thiết chế do Hiến pháp và pháp luật quy định. Đảng lãnh đạo bảo đảm các thiết
chế của Nhà nước hoạt động theo đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Tổ
chức đảng và đảng viên gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, mọi vi phạm
phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh, công khai trước pháp luật như mọi tổ
chức và công dân khác.
Nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động vu cáo
Đảng ta "độc tài, toàn trị", là "ông vua tập thể"; đồng thời
cảnh tỉnh, ngăn ngừa những đảng viên có chức, có quyền sa vào "tham nhũng
quyền lực". Dù rằng đây là vấn đề thuộc về "khuyết tật bẩm sinh của
quyền lực" mà bất kỳ một đảng cầm quyền nào cũng phải tiến hành các biện
pháp phòng, chống để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân.
Thực hiện nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật” đã đem lại những thành tựu to lớn trong vận hành cơ chế
"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" ở nước ta. Đất nước
đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ,
toàn diện so với những năm trước đổi mới. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận,
một bộ phận cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng chưa nhận thức rõ về nguyên tắc
này. Một số tổ chức đảng vẫn ra những nghị quyết, chỉ thị trái pháp luật; một số
cán bộ, đảng viên nhân danh tổ chức đảng tùy tiện gây áp lực làm ảnh hưởng đến
tính nghiêm minh của pháp luật. Một số cấp ủy địa phương lạm dụng quyền lãnh đạo,
can thiệp sâu vào hoạt động chính quyền, tư pháp. Một bộ phận đảng viên vi phạm
pháp luật, nhất là trong lĩnh vực kinh tế với tính chất, mức độ nghiêm trọng. Một
số cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, bao che cho
các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, để vợ con, người thân trục lợi từ chức vụ,
quyền hạn. Đặc biệt là những biểu hiện làm giàu bất chính, ăn chơi xa xỉ, mê
tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè bê tha... bị quần chúng oán ghét, làm suy giảm niềm
tin của người dân vào Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa qua, Trung ương Đảng
đã thống nhất cao về việc tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa công cuộc xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị
toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Cùng với đẩy mạnh thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ,
giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã đề ra; Hội nghị Trung ương 4,
khóa XIII bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội
ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng
lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
Có thể nói, thực hiện 2 nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị
Trung ương 4, khóa XIII bổ sung, nhấn mạnh là vấn đề quan trọng nhất trong thúc
đẩy việc thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp
và pháp luật.
Cùng với vấn đề quan trọng nhất nói trên, chúng ta cần thực
hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng
cao nhận thức trách nhiệm cho cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên về nguyên tắc
Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; chú trọng thực hiện
nghiêm quy định của Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Đẩy
mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng
hoàn thiện, đồng bộ và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới phương
thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy các cấp, chính
quyền, cơ quan, đơn vị, cụ thể hóa chi tiết vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng,
giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chấp hành Điều lệ Đảng với chấp hành pháp
luật của đảng viên. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền
các cấp trong thực hiện nguyên tắc.
Trong sinh hoạt Đảng và tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng rất nhiều lần nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải
thấm nhuần quan điểm "đúng vai, thuộc bài". Điều đó có nghĩa là mọi
cá nhân, tổ chức phải hiểu rõ, nắm chắc và hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ
đã được Hiến pháp và pháp luật cho phép. Thực tiễn lãnh đạo và cầm quyền của Đảng
ta trong hơn 35 năm đổi mới cho thấy, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp
và pháp luật không phải là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng mà là một yêu cầu
khách quan, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt
Nam, vừa giúp xây dựng Đảng vững mạnh, thật sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét