Đến giờ, người dân trong vùng vẫn nhớ về câu chuyện con trai cô Dén. Khi cuộc chiến diễn ra, đoàn người sơ tán từ thị xã Cao Bằng, qua cầu Tài Hồ Sìn, tìm đường về Bắc Cạn và Thái Nguyên. Đoàn gặp một trại lính Trung Quốc, ai cũng bảo nhau đi thật khẽ. Thằng con cô Dén đã bú no nê và được ủ ấm áp, nhưng nó bất chợt khẽ cất tiếng. Ai nấy đều nín thở, đoàn người có thể nằm hết dưới họng súng Trung Quốc nếu như thằng bé cất tiếng khóc to. Cô Dén phải bịt chặt miệng con lại cho nó bớt khóc, nó lại càng giãy mạnh hơn…
Đoàn dân thường vượt qua được đồn canh cũng là lúc thằng bé không còn thở nữa. Nó mới hai tháng tuổi. Tự tay mình kết thúc cuộc đời của đứa con, cô Dén không nấc được thành tiếng nào. Đoàn người đắp cho thằng bé một ngôi mộ tạm và tiếp tục trên đường lánh nạn.
Chú Dương, hồi ấy là một tự vệ cho một trường học ở biên giới, cho biết khi nhìn thấy cảnh hàng ngàn lính Trung Quốc vượt qua biên giới, chú không thấy sợ mà ngược lại còn thấy căm phẫn và ham muốn chiến đấu vì trước đó Trung Quốc đã nhiều lần tấn công biên giới Việt Nam một lén lút, cố tình kích động chiến tranh. Nhưng chủ trương bên trên phải là nín nhịn và thông qua con đường ngoại giao.
“Đó là lúc tôi muốn trả thù. Trước đó, từ một tự vệ, tôi có ghi danh vào lực lượng địa phương học thêm về vũ khí để chống lại quân xâm lược. Ai cũng sợ chết thì ai chiến đấu. Tôi chưa từng tham gia đánh Mỹ, nhưng lần này tôi nhất quyết tham gia đánh Trung Quốc" - chú nói.
Nguyễn Duy Thức là một chiến sĩ chiến đấu tại mặt trận 1979. Anh nhớ lại về cuộc chiến năm ấy, quân Trung Quốc ào lên boongke như thác lũ. Anh và đồng đội đã “bắn nhiều đến mức súng AK đỏ nòng và không thể bắn được nữa”. Trước đó, anh và đồng đội đã được cảnh báo về một cuộc chiến sẽ diễn ra, nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng mới chỉ vào năm trước thôi, Trung Quốc vẫn là người đồng chí của Việt Nam.
Cô Hà Thị Hiền, lúc ấy mới chỉ 14 tuổi, cùng cha mẹ chạy tránh làn sóng quân địch ngay sau khi vừa nghe thấy tiếng súng nổ ở phía bên kia biên giới. Một chút thời gian sau, mẹ cô bị bắn gục ở ngay trước mắt cô, còn cha cô cũng bị thương.
"Có hàng trăm người đã bị bắn gục sau đó" - cô nói thêm. “Tôi nhìn thấy một người phụ nữ bị chặt chân, nằm trên mặt đất. Giọng của cô ấy thều thào muốn giúp đỡ nhưng tôi không thể làm gì được".
Cô Hiền kể lại rằng, trong đêm tối, cô được những người lính Việt Nam cứu và bố trí một người phụ nữ cao tuổi chăm sóc, còn họ lao ngay vào chiến trường. Cô và nhiều người trốn ở trong một hang động đá vôi. Những người còn sống trong hang động đá vôi còn kêu gọi những linh hồn đã khuất che chở cho họ khỏi quân thù.
Nữ dân quân dân tộc thiểu số Sầm Thị Đòng đã chuẩn bị cho cuộc chiến từ trước Tết. Bà sắp sẵn quần áo, tư trang và chuẩn bị chết khi sẵn sàng. Là một người phụ nữ có con nhỏ, bà nằm trong đối tượng được phép sơ tán nhưng bà nói không. Bà ở lại cầm súng để bảo vệ bản làng cùng với một tổ đội súng cối toàn là những chiến binh nữ. Không ai nặng quá 40 cân và cao quá 1 mét rưỡi vậy mà họ mang được một khẩu cối 60mm nặng 20 cân cùng với bốn thùng đạn nặng vài chục cân nữa, băng qua 4 cây số đường núi đèo hiểm trở.
Hai đồng đội của cô Đòng ngã xuống do mảnh đạn văng trúng, 4 nữ chiến binh còn lại vừa tiếp tục chiến đấu, vừa băng bó cho đồng đội.
Sau mấy chục năm, cô vẫn còn nhớ những cái xác cụt chân, cụt tay, không nhận rõ mặt người đã nằm lại, không biết họ đã được chôn cất thế nào. Đánh nhau với địch không sợ bằng lúc chôn cất anh em, cứ nhắm mắt vào lại thấy máu!
"Không sợ chết trên mặt trận, chỉ sợ nhớ về những xác người”
Nước cống-Đu càng-10 que xỏ lá
Trả lờiXóa