Quá trình xây dựng, phát triển của nhiều buôn làng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên ghi dấu ấn đậm nét tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15. Ở đó, các cơ quan, đơn vị của binh đoàn luôn chủ động giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống dịch bệnh; xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ tà đạo, hủ tục lạc hậu...
Già làng A Blong, dân tộc Rơ Măm, ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum kể rằng: Trước đây, đồng bào Rơ Măm sống du canh, du cư trên các núi cao, rừng sâu. Khi về làng Le ai cũng nghĩ ở một thời gian, đốt hết rẫy rồi lại đi, nhưng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15 đã giữ chân người Rơ Măm ở lại xây dựng đời sống mới.
Các già làng Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động đồng bào. Ảnh: NGUYỄN ANH SƠN |
Từ những ngày đầu khó khăn, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 78 đã bám làng, bám dân kiên trì tuyên truyền, vận động bà con không du canh, không đốt rừng, giúp bà con hiểu: Muốn có cuộc sống tốt thì phải định canh, định cư, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tránh xa các hủ tục. Giờ đồng bào Rơ Măm không những có cái ăn, cái mặc mà các lễ hội văn hóa độc đáo cũng được bảo tồn, phát huy, chất lượng dân số được cải thiện, nhiều con em Rơ Măm trở thành cán bộ, bác sĩ, giáo viên và làm công nhân cho đơn vị.
Cũng ở xã biên giới Mô Rai, già làng Rơ Châm Nó, dân tộc Gia Rai lại tâm đắc, biết ơn mô hình “Gắn kết hộ” và hoạt động kết nghĩa của Binh đoàn 15. Già Rơ Châm Nó, nói: “54 hộ gia đình của Đội 5, Đoàn KT-QP 78 kết nghĩa với 54 hộ gia đình làng Grập, xã Mô Rai đã cho thấy sự gắn bó máu thịt giữa bộ đội với nhân dân”.
Đến thôn Giăng Lố II, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chúng tôi được già làng A Xem, dân tộc Xơ Đăng kể chuyện bộ đội giúp đồng bào đuổi tà đạo Hà Mòn. Theo lời kể của già làng A Xem, năm 2005, tà đạo Hà Mòn xâm nhập vào thôn Giăng Lố II, 36 hộ với 181 nhân khẩu đã tin theo cái gọi là “đức mẹ Maria hiện hình”, tụ tập tụng kinh cầu nguyện để được sung sướng, không phải lao động vẫn có tiền, ốm đau không chữa trị cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ...
Tà đạo Hà Mòn như “cơn gió độc” chia rẽ tình cảm vợ chồng, anh em, làng xóm, làm cho văn hóa truyền thống bị mai một, nương rẫy bỏ hoang, cuộc sống bần cùng, đói nghèo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Công ty 732, Binh đoàn 15 đã cử cán bộ, đảng viên kiên trì, bền bỉ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, chỉ rõ những luận điệu lừa bịp, vô căn cứ, sai trái của tà đạo Hà Mòn; nhận 36 người từ bỏ tà đạo Hà Mòn vào làm công nhân của đơn vị, hỗ trợ xây nhà, sửa nhà và cây giống, con giống để phát triển kinh tế. Già làng A Xem xúc động nói: “Giờ cuộc sống của người Xơ Đăng ở thôn Giăng Lố II đã khác trước rất nhiều. Tà đạo đã bị loại bỏ, đời sống của đồng bào không ngừng được nâng lên. Đó là thành quả mà Bộ đội Cụ Hồ đã giúp đỡ đồng bào Xơ Đăng”.
Để tiếp tục lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, củng cố, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa bộ đội với đồng bào các DTTS Tây Nguyên, Binh đoàn 15 sẽ không ngừng đổi mới công tác dân vận và đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động theo phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS Tây Nguyên.
NGUYỄN ANH SƠN
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét