Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

 GIỮ NƯỚC TỪ KHI NƯỚC CÒN CHƯA NGUY 

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ông cha ta thực hiện tư tưởng “giữ nước từ khi nước chưa nguy” đã trở thành quan điểm, tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kế sách giữ nước trong mọi thời đại, là bài học kinh nghiệm quý báu trong lịch sử đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Tiếp cận từ góc độ khoa học, an ninh thì “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là một tư tưởng phòng thủ, phòng ngừa chiến lược, cơ bản và lâu dài. Theo đó, ngay khi đất nước còn thịnh trị, bình thường, những người nắm quyền lực quốc gia đã phải tính xa hơn, nghĩ xa hơn, phòng khi đất nước lâm nguy. Như cách ví von gần gũi của ông cha ta chính là “lúc no phòng khi đói”. Tư tưởng này gần như là luận thuyết chiến lược phòng ngừa từ xa mà các quốc gia đều phải thực hiện theo. Tuy nhiên, mỗi thời đại một khác. Thời phong kiến thì “giữ nước từ khi nước chưa nguy” chủ yếu là phòng ngừa ngoại xâm. Nhưng trong điều kiện toàn cầu hóa đối với các quốc gia, nguy cơ không chỉ đến từ ngoại xâm, mà đến từ nhiều hướng, nhiều phía khác nhau, kể cả an ninh phi truyền thống, cả bên ngoài lẫn bên trong như một trong các nguy cơ đảng ta chỉ ra “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”. Tư duy chiến lược về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng gồm nhiều nội dung, trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản: Chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước; Xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng vững mạnh; Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; Phương thức bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” và Đẩy mạnh công tác đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó là những vấn đề rất quan trọng mà Đảng xác định tương đối phù hợp trong tình hình hiện nay. Để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chúng ta phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại… trong đó xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng vững mạnh là nội dung quan trọng, mà xây dựng lực lượng vũ trang là nòng cốt, lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở.

Đảng ta xác định: “Quán triệt sâu sắc phương châm bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh và tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy” trên cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán, mang tầm chiến lược, là căn cứ để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét