Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

HÀNH TRÌNH THEO CHÂN BÁC HỒ!


Cách đây 102 năm, ngày 24-8-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc đến ngôi nhà số 6 phố Buot ở Paris để tìm người chủ gian hàng mà Phan Chu Trinh đã thuê làm xưởng ảnh. Đây là thời kỳ nhà cách mạng trẻ đang theo học và hành nghề rửa ảnh với cụ Phan.
Ngày 24-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, tại phiên tòa thứ năm, luật sư F.Genkin vạch trần thủ đoạn giả dối và phi pháp của chính quyền Hồng Công trong quyết định trục xuất Tống Văn Sơ, thực chất là đẩy thân chủ của mình vào nanh vuốt của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Cũng tại phiên tòa này, bản khai của Tống Văn Sơ được công bố, trong đó bóc trần sự việc: “Tôi 36 tuổi... Tôi đã gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, phong trào có mục đích cao nhất là lật đổ toàn bộ quyền lực của Chính phủ Pháp ở đó và thay thế bằng một chính phủ dân tộc dưới sự lãnh đạo của người bản xứ. Tôi đã tham gia tích cực vào phong trào này trong một thời gian trước ngày tôi bị bắt ở Hồng Công, ngày 6-6-1931. Theo những người cầm quyền của Chính phủ Pháp thì tham gia vào một phong trào như vậy là phạm tội và kẻ phạm tội phải nhận án t.ử hình... Mục đích thực sự của chính quyền Hồng Công khi tiến hành các thủ tục trục xuất tôi là nhằm khẳng định việc giao tôi cho Pháp ở Đông Dương để Chính phủ Pháp xử lý tôi theo tội trạng đã nói trên”.
Ngày 24-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi ông Tôn Thất Phung, nhân viên hỏa xa đã chế được một loại thuốc chống căn bệnh sốt rét. Thư biểu dương: “Thế là ông đã lập được công trong thi đua ái quốc”. Thư còn biểu dương chung đội ngũ công nhân hỏa xa với lời căn dặn: “Trong lúc toàn thể đồng bào không quản lao khổ, anh dũng kháng chiến để tranh độc lập cho Tổ quốc, mỗi người cán bộ của ta phải thực hành khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì kháng chiến nhất định mau thắng lợi”.
Tháng 8-1948, Bác cũng viết thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước động viên một trí thức lớn tận tụy và chịu đựng gian khổ đi theo kháng chiến. Thư viết: “Gửi bác sĩ Tước. Tôi gửi biếu chú một cái áo. Áo này là do đồng bào biếu tôi. Chú phải cẩn thận giữ sức khỏe. Tôi đã dặn anh em địa phương, chú cần gì cứ hỏi họ. Chớ nên câu nệ. Tôi mạnh khỏe như thường. Chào thân ái và quyết thắng”.
Ngày 24-8-1953, trên Báo Cứu Quốc của Mặt trận Liên Việt, Bác viết bài “Chủ nghĩa xã hội” nêu lên những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Đó là: “Mọi tư liệu sản xuất đều là của chung; lực lượng sản xuất chủ yếu là công nhân và nông dân; thực hiện khẩu hiệu “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”; sản xuất có kế hoạch; không có sự phân biệt giữa lao động trí óc và chân tay, giữa thành thị và nông thôn”.
Cũng trong tháng 8-1953, Bác giảng bài tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương với chủ đề “Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta, không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Trong các báo có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì, đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói gì. Thế là vô ích”.
Bài giảng giải đáp các câu hỏi: “Vì ai mình viết? Mục đích viết làm gì? Thế thì viết cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết thế nào?” và những kinh nghiệm viết của Bác để rồi đi đến kết luận: “Nói tóm lại, viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”.
Ngày 24-8-1958, Bác dự lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) và xem trận giao hữu quốc tế giữa 2 đội bóng tuyển Hải Phòng và tuyển thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia.
Ngày 24-8-1969, giữa lúc bệnh tình đang diễn biến phức tạp, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Diễn ca về Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp”, Bác căn dặn những người có mặt nhắc nhở cơ quan tuyên huấn phổ biến rộng rãi hình thức diễn ca để bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét