Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

HÃY LÀ CON NGƯỜI VĂN MINH.

 

Khi cách nhìn nhận của con người chưa thực sự đúng đắn, khoa học thì rất nhiều hậu quả sẽ diễn ra ở các mức độ khác nhau theo đúng nguyên lý nhận thức sai thì hành động sai. Hay các cụ ta thường nói, sai từ gốc. Sáng ra đi thang máy nghe hai người lớn đi cùng cháu nhỏ nói chuyện trong thang máy với nhau, một câu chuyện đáng buồn mà người ngoài nghe thấy vừa cảm thấy giận, thấy đáng để trách móc:

- A: Cô chuẩn bị mũ bảo hiểm cho cháu chưa?

- B: Rồi!

- A: Phải chuẩn bị chứ mấy ngày nay công an làm nhiều lắm.

- B: Gần Tết mà, nên làm để kiếm.

- A: Đồng tình!

Từ câu chuyện trên mà thiết nghĩ hiện nay trong xã hội có những người đang làm sao vậy nhỉ, họ vô tâm hay là vì điều gì khác. Họ đứng trên lập trường của cái sai để nhìn nhận về cái đúng mới là điều đáng để bàn, đáng để điều chỉnh. Vì sao cần phải nhìn nhận thấu đáo để từ đó có cách hành xử thích hợp hơn theo đúng góc độ khách quan của vấn đề khi nhìn nhận bất cứ sự việc nào.

- Thứ nhất, đội mũ bảo hiểm cho toàn dân không phải là cái gì xấu, nó chỉ giúp cho chính người đội mũ tránh được tai nạn thảm khốc xảy ra liên quan đến bộ phận chỉ huy trung tâm cơ thể là bộ não. Đội mũ là tốt, chứ không phải tâm lý nhiều người đang đội kiểu đối phó như hiện nay. Thiết nghĩ như câu chuyện trên nếu như không có công an thì đứa trẻ ngây ngô chưa đủ nhận thức kia sẽ chẳng đội mũ bảo hiểm vì người lớn nghĩ rằng đội nó không tốt, và chính người lớn cũng sẽ không đội. Đáng lẽ ra đội mũ bảo hiểm phải được hưởng cái điều thuộc về văn hóa và an toàn khi tham gia giao thông nhưng rồi đến tận hôm nay vẫn có một bộ phận người vẫn không nhận thức được. Đứa trẻ kia sau này khi lớn lên, biết đâu đó trong nó hình thành nhiều suy nghĩ, đội mũ bảo hiểm là xấu, công an là “cá kiếm”,… thật đau xót.

- Thứ hai, việc những ngày gần Tết lực lượng Công an nói chung và công an thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều hơn tại các điểm công cộng, trên các trục giao thông vì những lý do liên quan đến an ninh, trật tự những ngày mà người ta hay gọi là “củ mật” này. Vì sao vậy, Tết gần đến, có một số đối tượng sẽ có nhu cầu rất cao về vật chất, tiêu pha, tiền bạc, nên cố gắng để có tiền nhưng vì những cách thức vi phạm pháp luật như trộm cắp, lừa đảo,… và chúng sẽ không dám hoặc hạn chế hành động khi có sự xuất hiện của lực lượng công an. Tinh thần phòng ngừa như vậy cơ bản khá đảm bảo. Về giao thông, những ngày gần Tết sẽ gia tăng lưu lượng giao thông, công việc nhiều, con người cũng vội vàng hơn. Hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngược chiều, lạng lách sẽ có xu hướng gia tăng. Lực lượng công an có mặt để hạn chế và nghiêm trị những hành vi như thế. Vậy thì như thế gọi là “kiếm” sao, nếu là “kiếm” thì là kiếm thêm sự bận rộn, vất vả mà thôi.

- Thứ ba, trong những giờ cao điểm, lực lượng công an có mặt ở hầu hết các ngã ba, ngã tư, đèn xanh, đèn đỏ,... để điều tiết giao thông. Các anh thổi còi thụt cả lưỡi vào trong, khẩu trang không đeo, bụt hít tất cả trong khi không khí Hà Nội đang có chiều hướng ô nhiễm, da đen nhẻm đi vì nắng, gió điều đó ai thấu đây. Và rồi người dân vẫn cứ hiên ngang cố lấn, cố chen, cố vượt. Hỗn loạn giao thông lại xảy ra. Lòng nhân đạo khi hạn chế xử lý vi phạm trong những giờ cao điểm đang được nhiều người cảm nhận sai, cảm nhận xa sỉ. Chưa bao giờ ở đất nước nào mà một số người đứng trên cái sai để nhìn nhận cái đúng với cái nhìn lệch lạc, thờ ơ như thế nhưng lại được những người sai khác đồng tình ủng hộ. 

Câu chuyện trên cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ trong xã hội lớn lao đang vận hành ngày hôm nay. Tuy nhiên, xin mọi người hãy thực sự trân trọng với cái đúng, hãy để xã hội vận hành như đúng quy luật của ý thức chứ đừng lấy sự đối phó ra để hình thành như một thói quen tiêu cực như thế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét