Ký ức làng nghề

Từ xa xưa giầy, dép đã được con người sử dụng thường xuyên để che chắn và bảo vệ bàn chân. Các sản phẩm giầy, dép thường được chế tác chủ yếu từ da động vật. Các thiết kế giầy, dép thuở sơ khai rất đơn giản, thậm chí còn không có đế. Người ta chỉ sử dụng một mảnh da duy nhất được buộc cố định vào chân như các loại dép ở Ai Cập thời cổ đại. Đặc biệt có nơi, do đặc điểm thời tiết và khí hậu, giầy dép được làm từ giấy cói, rơm và sợi cọ. Ngày nay giầy, dép ngoài chức năng cơ bản bảo vệ đôi chân, nó còn được trao thêm chức năng thẩm mỹ. Sự thay đổi này bắt đầu từ vật liệu cho sản xuất đến hình dáng, mẫu mã và ngay cả màu sắc cũng đa dạng, đẹp mắt. Nhu cầu này không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên của từng quốc gia mà còn dựa vào sự sáng tạo, đột phá không ngừng của con người trong thời đại ngày nay.

Đi lên từ nghề đóng giầy truyền thống
Một cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm trong làng nghề da giầy xã Phú Yên. 

Ở nước ta, từ trăm năm trước đã có giầy Gia Định và giầy An Nam, một loại giầy mũi kín đến nửa bàn chân, đế thấp như dép lê. Cũng vào thời điểm đó, năm 1918, các cụ ở làng Phú Yên thuộc dòng họ Nguyễn Lương đi học nghề làm giầy. Sau khi học nghề thành tài, các cụ bắt tay vào làm nghề. Cũng bắt đầu từ đây, làng Phú Yên có nghề làm giầy. Tổ nghề của làng chính là các cụ tổ thuộc dòng họ Nguyễn Lương.

Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội da giầy xã Phú Yên, hậu duệ thuộc dòng họ Nguyễn Lương cho biết: “Làng tôi có hai cụ tổ nghề, một là cụ Nguyễn Lương Nghé, hai là cụ Nguyễn Lương Mạc. Cụ Nghé có công truyền nghề cho các thế hệ con cháu, còn cụ Mạc lại có công phát triển làng nghề thành trung tâm giầy da lớn nhất miền Bắc như hiện nay”.

Ngược thời gian về năm 1918, cụ Nghé vì nghèo đói nên quyết chí lên Hà Nội làm ăn, tại đây cụ học được nghề đóng giầy da trong 3 năm. Sau đấy, cụ Nghé rủ người cháu là cụ Mạc ra Quảng Ninh mở cửa hàng giầy lấy tên là “Hiệu hài xưởng Nguyễn Mạc”. Với tay nghề cao và do cần cù chịu khó làm ăn, cửa hàng của hai cụ nhanh chóng nổi tiếng khắp đất Bắc lúc bấy giờ. Chỉ hơn chục năm sau, phần lớn các cửa hàng giầy da có ở Việt Nam thời đó đều, có nguồn gốc từ Phú Yên.

Đi lên từ nghề đóng giầy truyền thống
Phía ngoài và bên trong cửa hàng giầy của ông Nguyễn Lương Đức. 

Sau này, cụ Mạc rời Quảng Ninh trở về quê hương và quyết tâm truyền lại bí quyết làm nghề cho con cháu. Tới nay, thời gian trôi qua, số đông người dân xã Phú Yên đã sống đàng hoàng bằng nghề sản xuất giầy da, nhưng tên tuổi hai cụ vẫn luôn được dân làng nhớ đến, đó là một phần lịch sử bất di bất dịch của làng nghề.

Đi lên từ nghề đóng giầy da

Hiện nay, mỗi năm xã Phú Yên sản xuất được từ 6 đến 7 triệu đôi giầy, cung cấp cho mọi vùng miền đất nước, trong đó phần lớn là thị trường các tỉnh phía Bắc. Giầy Phú Yên còn có mặt tại một số thị trường quốc tế như Lào và Campuchia. Yếu tố đầu tiên tạo chỗ đứng vững chắc cho nghề giầy da Phú Yên ở các thị trường, là giá cả. So với các chủng loại giầy dép khác, giầy da ở Phú Yên có giá rẻ bằng 2/3 thậm chí chỉ bằng một nửa giá thị trường. Giá cả cạnh tranh được là do làng nghề đã tận dụng được nhiều lợi thế về thời gian, nguồn nhân công nhàn rỗi ở địa phương. Một yếu tố rất quan trọng, đó là người làm nghề ở Phú Yên không mất tiền thuê mặt bằng và sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước...

Ngoài ra, làng nghề giầy da xã Phú Yên còn thường xuyên được Hiệp hội Da Giầy Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tay nghề cho người lao động. Vì thế mà sản phẩm giầy, dép ở Phú Yên ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đa dạng các sản phẩm, chủng loại, đáp ứng thị hiếu cho nhiều đối tượng tiêu dùng.

Trong công cuộc phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới, xã Phú Yên tập trung phát triển mạnh nghề thủ công giầy da. Lấy nghề giầy da làm thế mạnh mũi nhọn, để phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Nhờ sự nỗ lực của từng hộ dân làng nghề và có sự định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, xã Phú Yên từ vùng quê nghèo nay đã trở nên trù phú. Cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển, giàu lên, ấm no và hạnh phúc.

Đi lên từ nghề đóng giầy truyền thống
Chiếc giầy kỷ lục đang trưng bày, được chế tạo chính bởi nghệ nhân Lê Văn Thịnh, cùng nhiều người thợ giỏi của làng nghề da giầy xã Phú Yên. 

Nhằm tiếp tục quảng bá cho hình ảnh và thương hiệu của làng nghề đóng giầy ở xã Phú Yên, năm 2007, Hội da giầy xã Phú Yên đã tổ chức làm chiếc giầy dài 2,7m được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Bất cứ ai đến xã Phú Yên, đều rất sửng sốt về chiếc giầy đã được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Để làm được chiếc giầy này, những người thợ giỏi nhất Phú Yên, đã thống nhất đề cử nghệ nhân Lê Văn Thịnh làm thợ cả cùng nhiều người thợ giỏi nhất Phú Yên tham gia trong vai trò hỗ trợ.

Ông Nguyễn Lương Đức cho biết: Chiếc giầy có chiều dài 2,72m; cao 103cm và bề ngang 1,3m. Tổng cân nặng của chiếc giầy là 60kg, đế được làm bằng một loại gỗ đặc biệt nhẹ và bền. 

Nghệ nhân Lê Văn Thịnh chia sẻ thêm: “Để làm một chiếc giầy với kích thước khổng lồ như vậy là rất khó khăn. Từ việc quyết tâm sử dụng cả khối da bò liền mảnh, rồi thiết kế phần mũi sao cho mềm mại; giầy to thì thường bị thô, nên chúng tôi đã chủ động tỉ mỉ thiết kế các chi tiết trên giầy phải thật tinh tế. Kể cả những đường chỉ lớn cũng được khâu cẩn thận, đúng cự ly”.

Đi lên từ nghề đóng giầy truyền thống
Nghệ nhân Lê Văn Thịnh bên trong xưởng chế tạo giày của mình, tỉ mỉ quan sát hướng dẫn nhân công sản xuất sản phẩm. 

Nhiều năm qua, Hội da giầy xã Phú Yên đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen. Hội còn đoạt giải thưởng “Thương hiệu vàng” Thăng Long; trong đó, có cả những hộ sản xuất ở xã được Hội Chống Hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội tặng kỷ niệm chương và giấy chứng nhận sản phẩm chất lượng. Cũng trong năm 2007, làng nghề giầy da Giẽ Thượng-Giẽ Hạ được Hiệp hội làng nghề Việt Nam tặng danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”.

Ngày nay, Hội da giầy xã Phú Yên đang tiếp tục xây dựng thương hiệu, lên kế hoạch tổ chức các điểm du lịch tại làng nghề để đón khách tham quan ở mọi miền đất nước, đến với làng nghề.

Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, do đã xây dựng được thương hiệu lớn, lại được sự hỗ trợ rất hiệu quả của thời đại internet, nên việc mua bán giầy da của làng nghề ở trên mạng, dù vẫn bị ảnh hưởng do tình trạng chung của toàn xã hội, nhưng mức sụt giảm sản xuất cũng chỉ khoảng 30%. Lý do là nguyên liệu đầu vào vận chuyển khó khăn.

Đi lên từ nghề đóng giầy truyền thống
Những đôi giầy được sản xuất ở làng nghề giầy da Phú Yên được thiết kế nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú. 

Hiện nay, làng nghề giầy da ở xã Phú Yên có khoảng 500 hộ sản xuất. Với truyền thống của nghề được đúc kết, tôi luyện từ hơn một thế kỷ qua cùng những thành quả to lớn đã đạt được, làng nghề ở Phú Yên đang quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển mạnh mẽ và không ngừng mở rộng sản xuất, làm ra nhiều của cải, góp phần làm giàu cho quê hương và đất nước. Những thế hệ làm giầy hiện nay, luôn có ý thức gìn giữ tiếp bước truyền thống cha ông, tiếp tục làm giàu cho những trang sử mới ở thời hiện tại và tương lai của nghề da giầy Phú Yên.

Hiện nay, người dân xã Phú Yên luôn chủ động sáng tạo, thiết kế nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú, hấp dẫn và mới mẻ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả về chất lượng và thẩm mỹ. Thực tế, lĩnh vực thời trang đang ngày càng tạo ra nhiều cuộc đột phá mới. Vì lẽ đó, nếu giầy da không đổi mới mạnh mẽ sẽ rất dễ bị lạc hậu, không theo kịp sở thích người tiêu dùng. Chính vì vậy, làng nghề Phú Yên quyết tâm đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt, để giữ vững uy tín thương hiệu và truyền thống quý báu lâu đời của ông cha truyền lại.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

nguồn báo quân đội nhân dân