Dân gian có câu “cua cậy càng, cá cậy vây”, để chỉ những người ảo tưởng sức mạnh bản thân, ảo tưởng quyền lực. Biểu hiện rõ nhất hiện nay là tình trạng “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”, “quyền anh, quyền tôi” không phối hợp trong công tác, né trách nhiệm và lạm quyền, lộng quyền dẫn đến quyết định sai lầm, có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là một biểu hiện cao của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; là một trong những căn nguyên dẫn đến sự mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Thực tế cho thấy, nơi nào kiểm soát quyền lực không tốt, người đứng đầu bị tha hóa quyền lực dễ trở thành người độc đoán, chuyên quyền, coi tập thể là công cụ để sai khiến. Không ít nơi, nạn “cua cậy càng, cá cậy vây” đã khiến tình trạng nội bộ mất đoàn kết kéo dài, trở thành lực cản cho sự phát triển.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã phải chịu các hình thức kỷ luật Đảng thích đáng vì những sai phạm gây ra. Không ít trong số này có biểu hiện “cua cậy càng, cá cậy vây” dẫn đến ra những quyết định sai nguyên tắc, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc kỷ luật Đảng cho thấy Đảng ta quyết tâm rất cao, làm quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhưng cũng phần nào cho thấy vấn đề “cua cậy càng, cá cậy vây” rất đáng lo ngại với nhiều biểu hiện, cấp độ khác nhau.
Ngày 18-8 vừa qua, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can với Nguyễn Tiến Thân (chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) về tội “Nhận hối lộ” trong động thái mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), thành phố Hà Nội và các địa phương, là điển hình. Trước Thân, số bị can trong vụ án đến thời điểm này là 16 đối tượng, trong đó phần đông là cán bộ, công chức, cho thấy tình trạng lạm dụng quyền lực rồi dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật là rất gần nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phải chấm dứt tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Phát biểu kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 17-8-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề nêu trên. Đồng chí cho biết, nếu như trước đây, khâu yếu, việc khó được Trung ương tập trung chỉ đạo xử lý là việc cho hưởng án treo không đúng quy định hay việc phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng chưa tốt, còn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"… thì đến nay các tồn tại, hạn chế đó đã được chấn chỉnh, khắc phục một bước và có nhiều chuyển biến tích cực. Các việc khó, việc phức tạp đều được các cơ quan tư pháp bàn bạc để có sự đồng thuận, thống nhất cao trong xử lý các vụ án, vụ việc… Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo niềm tin trong Đảng, nhân dân về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Mấu chốt để ngăn chặn tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” không có con đường nào khác là tập trung tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để kiểm soát quyền lực. Trong đó, cần giữ vững nguyên tắc Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ðối với kiểm soát quyền lực, Ðảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, quy định để kiểm soát quyền lực trong Ðảng; trên cơ sở đó, Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật.
Nhà nước được tổ chức quyền lực theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát và phản biện mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cụ thể, người đứng đầu ở nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, “người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu”.
Trong xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực phải luôn bảo đảm sự phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Ðảng với thanh tra, kiểm toán và điều tra, truy tố, xét xử chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học; các cơ quan, đơn vị xây dựng quy định, quy chế nội bộ đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để báo chí tích cực tham gia vào quá trình phản biện chính sách, chỉ ra các hành vi lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên.
Về lâu dài, cần nghiên cứu và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Để bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được vận hành một cách hiệu quả, tất cả cơ quan quyền lực nhà nước đều phải trở thành đối tượng của sự giám sát, kiểm soát, bởi về nguyên tắc, nguy cơ lạm quyền ở các cơ quan này là như nhau. Trên thực tế, vai trò kiểm soát quyền lực của cơ quan tư pháp đối với các cơ quan lập pháp và hành pháp còn khá mờ nhạt.
Đặt lợi ích của đất nước, của tổ chức, của nhân dân lên trên hết và trước hết khi thực thi công vụ, nhiệm vụ sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét