Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, có đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN. Góp phần phê phán các nhận thức này và bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác là nhiệm vụ chung của chúng ta hiện nay. 

Giải phóng giai cấp, dân tộc, nhân loại thoát khỏi bóc lột, áp bức, bất công để mọi người và mỗi người được sống trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do. Những khát vọng cao đẹp ấy của nhân loại đã có từ bao đời. Nhưng chỉ đến thế kỷ 19, khi xuất hiện nền đại công nghiệp và cùng với đó là sự trưởng thành của GCCN và chính đảng của nó thì những cơ sở thực tiễn để hiện thực hóa khát vọng ấy mới xuất hiện đầy đủ. 

CNXH khoa học đã làm rõ những tất yếu, quy luật cùng những điều kiện, lực lượng, động lực, lộ trình để thực hiện SMLS của GCCN. Xã hội hóa trong sản xuất kinh tế và dân chủ hóa trong đời sống chính trị-xã hội là những tiền đề của CNXH do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tạo ra. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của CNXH là nền sản xuất phát triển cao được xây dựng trên cơ sở xác lập chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu. Đây là một tất yếu xuất phát từ yêu cầu xã hội hóa của sản xuất công nghiệp, được thực hiện thông qua tự giác thực hiện quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Lý luận về SMLS của GCCN là cốt lõi của lý luận về CNXH khoa học.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số người nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về SMLS của GCCN, thậm chí, nhiều đối tượng còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận SMLS của GCCN với ý đồ không lành mạnh.

Có ý kiến cho rằng, “GCCN trên thế giới hiện nay không khác mấy GCCN của những năm 70 của thế kỷ 20”; đó chỉ là những nhóm người “trực tiếp lao động sản xuất của cải vật chất trong công nghiệp”, “trong xã hội hiện đại, công nhân đang ít đi và không chiếm đa số trong lao động”. Một nhận thức phiến diện khác cho rằng, hiện nay, vị thế của công nhân ở nhiều nước không có gì khác so với thế kỷ 19-tức là công nhân “làm thuê, không có quyền định đoạt sản xuất và phân phối”... Hoặc cũng có nhận xét rằng “hiện nay trên thế giới không thấy phong trào công nhân, chỉ thấy các phong trào xã hội”. Bên cạnh đó, một số người cho rằng, hiện nay, “SMLS của GCCN chỉ còn được tiếp tục ở một vài nước đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện đại, vấn đề SMLS của GCCN là trọng điểm đấu tranh của cả GCCN và giai cấp tư sản, CNXH và CNTB cùng nhiều sắc thái chính trị-xã hội khác nhau. Họ biết rõ rằng, SMLS của GCCN là cốt lõi của CNXH khoa học và phủ nhận được sứ mệnh này là phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của GCCN và đảng cộng sản. Gần đây, trong xu thế phát triển của thế giới với trình độ kinh tế tri thức và hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, cũng có ý kiến cho rằng, “trong kinh tế tri thức thì SMLS là của trí thức chứ không phải của công nhân”. Đây là một nhận thức không đầy đủ.