Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA: NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1950!

     “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước. Như vậy, các bạn sẽ thành công”.
     Là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc” Bác viết ngày 25 tháng 8 năm 1950. Trong thư, Bác Hồ nhấn mạnh: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trong trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học... Ngày nay chúng là nhi đồng. 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”.
     Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra gay go, ác liệt; Việt Bắc được lựa chọn là căn cứ địa (ATK) hoạt động lãnh đạo cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù cuộc sống và công việc ở chiến khu bộn bề khó khăn, vất vả, hiểm nguy, nhưng Bác Hồ vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi và công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, lớp “công dân đặc biệt”, “…người chủ tương lai của nước nhà”. Tình thương yêu trẻ luôn thường trực trong tâm can của Bác; sự quan tâm của Bác đối với trẻ em gắn chặt với những trăn trở về tương lai của dân tộc, của đất nước, đặc biệt là vai trò của các cô giáo trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc các cháu nhi đồng.
     Thấu triệt chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo nước ta luôn xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục mầm non - bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục lâu dài, nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Niềm tin, hi vọng của từng gia đình và cả xã hội về tương lai của trẻ, của đất nước trông trờ ở sự phát triển hằng ngày ở lứa tuổi măng non. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phẩm chất đạo đức, trình độ, kỹ năng, tính mô phạm trong cuộc sống hằng ngày, sự say mê yêu nghề, yêu trẻ của đội ngũ giáo viên mầm non có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của các cháu.
     Thực hiện chức năng đội quân công tác, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng chung sức, đồng lòng quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em. Các nhà trẻ, trường mầm non thuộc các đơn vị doanh nghiệp, học viện, nhà trường trong quân đội thực sự là những điểm sáng kiểu mẫu về mô hình giáo dục thế hệ mầm non của đất nước. Đặc biệt nhiều đơn vị Bộ đội Biên phòng đã nhận nuôi dưỡng, cưu mang nhiều trẻ nhỏ con em đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi cha mẹ hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Nhiều Đồn, Trạm Bộ đội Biên phòng đã trở thành ngôi nhà thứ hai, là điểm tựa nuôi dưỡng và thắp sáng tương lai cho những trẻ em kém may mắn; qua đó thắt chặt hơn tình quân dân cá - nước nơi phên dậu của Tổ quốc, để không trẻ em nào bị để lại phía sau. Đây chính là những việc làm thiết thực về học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu, thiết thực góp phần làm cho phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” sáng mãi trong niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét