Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

"MÌNH HY SINH CHO TỔ QUỐC MÀ, MÌNH TÌNH NGUYỆN MÀ, THÌ LÀM GÌ CÓ TIẾC NUỐI GÌ"...

 Họ, hy sinh vào ngày 02/07/1972 50 năm trước.

Họ là ai? Là 13 thanh niên (10 nữ) xung phong, cán bộ, chiến sĩ thông tin của đoàn A69, Binh chủng Thông tin, chiến đấu tại hang Lèn Hà thuộc chiến trường Bình - Trị - Thiên. Họ làm gì? Phụ trách gần 200km đường dây liên lạc Bắc Nam - một phần của tuyến liên lạc từ Hà Nội vào tận các chiến khu miền trong, họ làm nhiệm vụ chiến đấu chống máy bay địch, họ sửa đường dây liên lạc, họ hỗ trợ hậu cần cho đoàn quân Giải phóng Nam tiến…

Họ ra đi phần lớn ở độ tuổi từ 16 đến 22, độ tuổi đẹp nhất đời người, độ tuổi mà như trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê viết: “Yêu tất cả. Tình yêu của những con người trong khói lửa. Tình yêu độ lượng, tha thiết, vô tư…”. Chúng ta vào độ tuổi 16 đến 22 ấy là những con người như thế nào?

Trong 10 nữ chiến sĩ hy sinh ngày ấy có chị Vũ Thị Lan. Chị có một anh người yêu tên là Hưng - là chiến sĩ thông tin như chị, nhưng hai anh chị làm việc khác tuyến của nhau và cả năm chẳng gặp nhau lấy một lần. Do gia đình khó khăn và neo người, đơn vị tạo điều kiện cho anh chị về quê làm đám cưới, nhưng gần kề ngày cưới, chị hy sinh. Anh Hưng không khóc, anh xung phong làm thay nhiệm vụ của chị Lan. Anh nói với anh chị em trong đơn vị: “Chúng tôi đã đính ước với nhau, tôi sẽ thay Lan hoàn thành nhiệm vụ. Nếu tôi hy sinh khi làm nhiệm vụ, xin các anh chị hãy giúp hai chúng tôi được ở cạnh nhau".

Chị Nguyễn Thị Anh tạm biệt Tổ quốc khi vừa bước qua tuổi 16. Chị có một lời hứa nhỏ với một người bạn học - người này đang làm nhiệm vụ tại Trạm A10, hai anh chị có hứa với nhau rằng sẽ trao lời và về với nhau khi đất nước thống nhất. Ngày 02/07/1972, chị Anh đổi ca với một chiến sĩ khác và chị hy sinh. Anh bạn học của chị không biết rằng, tối hôm trước là lần cuối cùng anh được nghe giọng nói của chị. Chiến tranh mà, đôi khi, những người mà ta vừa gặp sẽ tạm biệt ta về với đất mẹ. Chiến tranh là không hẹn ước.

Mẹ chị Anh tiết lộ, chị có một người ba chiến đấu trong Nam. Ba chị tòng quân khi chị còn chưa ra đời, lúc chị hy sinh tại Lèn Hà, chị vẫn chưa một lần được nhìn thấy ba… Bao nhiêu ước nguyện dở dang của một cô gái còn ôm búp bê đi ngủ giữa chiến hào ác liệt…

Trong nhóm hy sinh năm ấy, có anh Trần Văn Xây, một ngày trước lúc hy sinh, anh nhận được tin vợ anh ở hậu phương sinh con trai. Anh chia sẻ chuyện đó với cả đơn vị và xung phong làm nhiệm vụ. Ra rồi, anh dở dang với khát khao được nghe tiếng “ba”... Một chị “bé” khác là Chu Thị Mạnh, em út của đội, chị ra chiến trường khi 15 tuổi và hy sinh khi vừa 16, chị “bé” vẫn hay bị mọi người đùa vui rằng có cái tên rất con trai… Chị “bé” thích ăn kẹo chanh và gội đầu bằng bồ kết của các anh lái xe từ Hà Nội vào… Hôm chị hy sinh, các anh lái xe hỏi đơn vị rằng tại sao không thấy chị "bé" ra lấy kẹo chanh và bồ kết nữa...

Thanh xuân của chúng ta là bao nhiêu năm? Thanh xuân của họ là bấy nhiêu năm? Thi thoảng, thường hay có mấy bài viết nuối tiếc thời thanh xuân non trẻ. Vậy với họ, liệu có sự nuối tiếc nào hay không? - “Mình hy sinh cho Tổ quốc mà, mình tình nguyện mà thì làm gì có tiếc nuối gì? Chẳng có ai đâu, kể cả những người hy sinh và những người còn sống ở lại”- chiến sĩ Phạm Thị Vang.

Dòng nhật ký của các chiến sĩ đã hy sinh ghi lại rằng: “Ước chi chiến tranh kết thúc. Mang chiếc chõng ra nhà nằm ngắm trăng rồi xây dựng cuộc sống thật đầm ấm, giản dị với người đó thì thích biết mấy...". Với mỗi người trong chúng ta, lần gần nhất chúng ta viết nhật ký là khi nào? Lần gần nhất bày tỏ tình cảm với người thương yêu là khi nào?

Với họ, tồn tại một thứ gì đó vĩ đại hơn cả tình yêu, một thứ vĩ đại đến mức khiến họ dám dấn thân, dám cống hiến, tìm cách chiến thắng bom đạn và dám hy sinh không nề hà. Đó chắc là tình yêu Tổ quốc nồng nàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét