Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Một số nhận xét về các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo

 

          Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo. Về  cơ bản, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoạt động ổn định, hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ của tôn giáo mình, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp đang diễn ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, biểu hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau: như tranh chấp đất đai, cơ sở thờ tự; khiếu kiện, biểu tình, chống đối chính quyền, tụ tập đông người gây mất trật tự đời sống xã hội, tuyên truyền thông tin sai sự thật trên internet, kích động ly khai, v.v..

          Những vấn đề này chủ yếu xuất phát từ việc lợi dụng tôn giáo của một số phần tử cực đoan trong các tôn giáo, hoặc các lực lượng thù địch từ bên ngoài tác động, lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, hoặc lợi dụng những bất cập trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội để kích động biểu tình, chống đối.

          Có thể đưa ra một số nhận xét về các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo như sau:

          Thứ nhất, có thể thấy, các hội nhóm, tổ chức trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo ở Việt Nam rất nhiều loại hình, quy mô, phạm vi hoạt động khác nhau. Trong bối cảnh đa dạng tôn giáo ở Việt Nam, bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế hiện nay, v.v.. thì sự xuất hiện của các tổ chức này là điều khó tránh khỏi, việc cần làm là ngăn chặn, phòng ngừa và có những chế tài để xử lý.

          Thứ hai, các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang dang nghĩa tôn giáo ở Việt Nam xuất hiện do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân lịch sử, nguyên nhân hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, nguyên nhân từ các thế lực bên ngoài, v.v… Ở nước ta, trong bối cảnh lịch sử cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, mối quan hệ giữa Nhà nước với một số tôn giáo cũng có những bước thăng trầm nhất định,  chính điều này đã trở thành một cái cớ để các thế lực thù địch khai thác. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, vấn đề tôn giáo gắn chặt với vấn đề dân tộc, việc khai thác những yếu tố nhạy cảm của tôn giáo và dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước cũng là một chủ đề mà các thế lực phản động luôn chú ý.

          Thứ ba, tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, phức tạp và là tâm điểm, là mũi nhọn của chiến lược diễn biến hoà bình nên nhiều hội nhóm lấy danh nghĩa tôn giáo là cái cớ, mục đích chính là để thực hiện các mưu đồ chính trị. Do vậy, nhiều tổ chức, hội nhóm ở Việt Nam hiện nay có bản chất chính trị.

          Thứ tư, các tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có nhiều phương thức, hình thức hoạt động khác nhau, luôn tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện, luôn có sự chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng để hành động khi có cơ hội và điều kiện xảy đến. Hiện nay, môi trường Internet là một môi trường thuận lợi để các nhóm này liên lạc, kết nối, tập hợp lực lượng, lập chương trình, kế hoạch, cũng như tuyên truyền…

          Thứ năm, có thể trong thời gian tới, các loại hình tổ chức, hội nhóm trái pháp luật mang danh nghĩa tôn giáo ngày càng đa dạng về loại hình, cách thức tổ chức, quy mô, phương thức hoạt động, v.v.. các tổ chức này sẽ ngày càng hoạt động tinh vi hơn, linh hoạt hơn, thậm chí có thể mượn danh nghĩa của các tổ chức dân sự khác để hoạt động.

                                                                                                Đa22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét