Hôm nay tôi gọi điện nói chuyện với một đồng đội ngoài nhà giàn DK 1. Câu chuyện không quá dài, chỉ xoay quanh những tâm sự của người lính đã có gần… 30 năm lênh đênh cùng những chuồng chim câu trên biển. Anh bảo, chỉ còn mấy ngày nữa là tròn 1 năm trời liên tục anh chưa vào đất liền. Và tháng 3 sang năm là anh tròn 35 năm nhập ngũ, tháng 10 là anh về nghỉ hưu rồi. Tôi hỏi anh có tâm tư gì không thì anh chỉ cười, cũng chẳng biết tâm tư gì nữa chú G ạ, cuộc đời quân ngũ của anh đến nay hơn 10 nghìn ngày ở ngoài biển rồi... Tôi nói bây giờ anh sợ nhất điều gì? Anh bảo, nói thật với chú G là anh nhập ngũ năm 1988, ra DK từ năm 1993, ngày ấy nhà giàn còn “kém” lắm chưa được hiện đại, vững chãi như bây giờ. Tàu ra tiếp tế cũng ít, nước ngọt khan hiếm, sóng điện thoại không có, nhiều lần hứng bão tưởng nói lời… vĩnh biệt mà đến giờ vẫn sống. Đã có những anh em đồng đội hy sinh cùng nhà giàn nằm lại biển khơi. Nên nói chung bây giờ sóng gió, hiểm nguy anh không sợ nữa, chỉ sợ gia đình mình ở xa bất ổn, có vấn đề gì thôi.
Lấy vợ 24 năm thì vợ chồng ở với nhau chưa đầy 4 năm. Ở nhà một mình chị gồng gánh, toan lo mọi việc. Những cơn bão trên bờ đôi khi còn kinh khủng hơn ngoài khơi xa. Hồi năm 2014 anh về phép, cậu con trai thứ 2 bị xuất huyết não hôn mê sâu, anh bế con vào viện mà còn chẳng biết trình bày ra sao với bác sĩ. Con anh nằm thực vật cả tháng trời ở BV Nhi trung ương. Hết phép anh lại xách ba lô ra biển. Đứng nhìn con nằm bất động trên giường bệnh, anh chỉ biết đặt cạnh đầu giường nó một cái vỏ ốc rồi… đi. Chị chạy ngược chạy xuôi suốt 3 năm trời tìm thầy thuốc chữa trị, thế rồi nó tỉnh lại như một phép màu.
Lần này anh cứ nói đi nói lại với tôi về chuyện thằng con trai lớn của anh vừa tốt nghiệp chuyên ngành Cơ điện tử - của Đại học Giao thông Vận tải mà vẫn lông bông lang bang. Rằng, thôi trăm sự nhờ chú G, anh đi xa, ở quê chị cũng chỉ làm giáo viên chẳng có mối quan hệ nào, chú xem có chỗ nào giới thiệu cho cháu nó đi học việc, đi làm để ổn định. Có lẽ một trong những thiệt thòi nhất của anh chính là không có thời gian ở bên con. Hai lần chị sinh và phần lớn thời gian nuôi dạy con, anh đều vắng nhà. Đôi ba năm được nghỉ phép về, anh bảo con ngồi xuống đây nói chuyện với bố mà… khó quá. Những đứa con trai lớn lên không có bố ở gần, chúng sẽ có những tâm lý khác biệt nhất định và chẳng phải đứa nào cũng sẽ đủ thấu hiểu và thương bố chúng đã chọn một cái nghề nhiều hy sinh như vậy: Nghề bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là người mẹ, người chọn lấy bố của bọn trẻ, họ càng đáng trân trọng và sẻ chia hơn bội phần vì đã chấp nhận sống một cuộc đời dũng cảm như thế. Câu chuyện có vẻ chùng xuống, tôi đùa anh một câu, bây giờ cho anh chọn lại, anh có chọn đi bộ đội không? Anh khẽ lấy hơi qua điện thoại rồi trả lời chắc nịch: Vẫn chọn chú ạ !
Mới hôm trước tôi về một vùng quê trung du Bắc Bộ, buổi trưa nhậu gặp một anh bạn Thượng tá ở đơn vị chủ lực xa nhà về tranh thủ. Cữ rượu ngà ngà, có người trong mâm vỗ vai anh Thượng tá rồi cười khà khà nói, đấy cứ như ông là sướng, chẳng phải ở gần vợ con, lâu lâu mới về nhà một lần, đến lúc nghỉ hưu lương mười mấy triệu đồng, yên tâm quá còn gì. Anh Thượng tá chẳng nói gì, mắt đỏ hoe nhìn ra sân rồi đưa tay dốc cạn ly rượu thuốc đỏ quạch như màu máu. Còn tôi chỉ trộm nghĩ, có lẽ ai đi bộ đội rồi mới hiểu, những so sánh và tính toán đó là vô lý đến thế nào. Bởi đơn giản:
Mức lương nào trả cho đủ cho hàng chục năm trời xa gia đình, người thân?
Mức lương nào trả đủ cho những chuệch choạc của cuộc đời khi vợ dại, con hư…?
Mức lương nào trả đủ cho toàn bộ tuổi trẻ hầu như không thể làm việc gì khác ?
Mức lương nào để họ sẵn sàng làm những công việc khó khăn nhất, thậm chí chấp nhận cả hy sinh?
Chẳng có cái giá nào cả ngoài sự lựa chọn của họ - những người lính !
ps: Nhà gián DK1 thế hệ đầu tiên.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét