Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” đăng trên Báo Nhân Dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24- 8- 1954; bút danh “C.B”.
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 22-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 22-8
Sự kiện trong nước
- Ngày 22-8-1945: Là ngày truyền thống Lữ đoàn Pháo binh 45 (Binh chủng Pháo binh). Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đã đánh là thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào chiến công vẻ vang của bộ đội Pháo binh anh hùng, xứng đáng với tên gọi “Trung đoàn Tất Thắng” mà Bác Hồ kính yêu đã đặt. Lữ đoàn là đơn vị vinh dự bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Bác Hồ tặng Cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của lữ đoàn gắn liền với mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị, Đường 9…, với nhiều trận đánh được xếp là những trận đánh hay của bộ đội pháo binh. Tiêu biểu như: Đại đội 806 lập kỷ lục với 7 người và 5 pháo đã tiêu diệt một đại đội Mỹ; sử dụng pháo cơ giới mặt đất đánh tàu chiến Mỹ trong Chiến dịch Quảng Trị, sáng tạo ra cách đánh mới của Pháo binh Việt Nam...
Với những thành tích đạt được, lữ đoàn đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó, lữ đoàn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
- Ngày 22-8-1944, Ban cán sự ATK2 và cơ sở cách mạng tại Tây Nam Đồng Hỷ (cũ) và Kha Sơn (Phú Bình) đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục, đưa 8 đồng chí ở trại giam Bá Vân ra chiến khu hoạt động.
Từ tháng 6-1940, thực dân Pháp đã xây dựng trại giam này để giam giữ những chiến sĩ cách mạng bị chúng bắt trong những ngày đấu tranh cách mạng. Sau đó, trại giam này tiếp tục được thực dân Pháp duy trì đến tháng 10-1944. Trong thời gian này, thực dân Pháp đã đưa về đây giam giữ khoảng 200 tù nhân, hầu hết là những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước là con em của nhiều miền quê khác nhau. Mặc dù, bị tra tấn giam cầm hết sức hà khắc nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng tin theo Đảng, tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Chi bộ Đảng ở Bá Vân được thành lập và từng bước trưởng thành, liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ để tiếp tục hoạt động, thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.
- Tối 22-8-1945, tại thị xã Cao Bằng, một đơn vị quân giải phóng tiến vào thị xã phối hợp với các lực lượng quần chúng buộc Nhật giao nộp vũ khí, giải tán chính quyền tay sai và thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời.
Tại thị xã Hưng Yên, trước sự ngoan cố của bọn ngụy quyền, lực lượng quần chúng đã biểu tình thị uy khiến bộ máy chính quyền tan rã và lập nên chính quyền cách mạng ngày 22-8-1945.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 22-8-1976 lần đầu tiên trạm tự động Luxna 24 của Liên Xô (cũ) đã lấy được một số mẫu đất từ Mặt trǎng về Trái đất. Những mẫu đất đá này cho phép các nhà khoa học nghiên cứu nhằm phát triển khoa học cơ bản và ứng dụng các ngành kinh tế.
Theo dấu chân Người
- Ngày 22-8-1945, Bác Hồ rời Căn cứ địa Tân Trào về Hà Nội, lúc này, tổng khởi nghĩa đã thành công và đêm hôm đó Bác tới Thái Nguyên, nơi chính quyền nhân dân cũng đã được thiết lập trước đó hai ngày.
- Ngày 22-8-1946, trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao đang diễn ra khẩn trương để cứu vãn sự đổ vỡ của cuộc thương lượng Việt - Pháp tại Hội nghị Phôngtennơblô (Fontainebleau), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với Ê.Misơlê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp.
- Tháng 8-1948, Bác viết thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính và anh chị em ngành bưu điện đã chế tạo một cái máy chuyển điện tín và tặng cho Bác. Thư có đoạn: “Việc đó tỏ rằng: Nếu ta cố gắng, thì ta sẽ có nhiều thành công tốt đẹp” và “mong rằng toàn thể anh em trong Bộ Giao thông Công chính sẽ hăng hái xung phong thi đua ái quốc làm cho mọi người và mọi việc đều tiến bộ và làm cho Bộ mình trở nên một Bộ kiểu mẫu, cả về công việc và về tinh thần”.
- Ngày 22-8-1951, trong thư khen bộ đội Thừa Thiên về thành tích chiến đấu và chiến thắng trong trận đánh ở Phú Vang (26-7-1951), Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ: Du kích chiến tranh là chính. Vậy các chú phải giúp đỡ du kích chiến tranh phát triển và củng cố khắp các nơi”.
- Ngày 22-8-1954, Báo Nhân Dân đăng bài “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng”, với bút danh C.B, Bác phân tích: “Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân. Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm... Thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng. Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác...”.
- Ngày 22-8-1969, Bác gửi điện chào mừng các đại biểu tham dự “Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam” tổ chức tại thủ đô Helsinki, Phần Lan. Thư viết: “Cuộc họp mặt của các bạn là một biểu hiện rực rỡ của nhiệt tình và quyết tâm của thế hệ trẻ muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp là tự do, độc lập dân tộc và hòa bình. Giữa lúc chính quyền Níchxơn (Nixon) đang ngoan cố tăng cường chiến tranh xâm lược, cố giữ ngụy quyền Sài Gòn và gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân chúng tôi, cuộc họp mặt đã càng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân chúng tôi ra sức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng”.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” đăng trên Báo Nhân Dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 1954; bút danh “C.B”.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, với mục đích duy nhất là giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Cũng từ đó, Đảng ta vừa là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, nên tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng thống nhất với nhau, không thể tách rời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ công khai lợi ích của Đảng ta trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế, thể hiện sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng; vừa thể hiện một cách đúng đắn và nhuần nhuyễn tính giai cấp, tính tiền phong, trí tuệ, đạo đức và tính quần chúng trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, đây còn là tư tưởng chỉ đạo để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên hành động đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp, nhân dân lao động và của dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thấm nhuần lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân; ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... Càng trong khó khăn, gian khổ, bản lĩnh chính trị, niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, gắn bó máu thịt với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội càng được khẳng định, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét