Gọi là "cà phê đường tàu" vì các quán cà phê chỉ cách đường tàu 2-3m, khách ngồi dọc hai bên đường tàu, thậm chí có lúc ngồi giữa đường ray để uống cà phê. Khi có đoàn tàu chạy qua, nhiều du khách vẫn "vô tư" ngồi sát đường tàu... Đây là hành động nguy hiểm và dễ dàng bắt gặp tại các quán cà phê ở đây.

Nguy hiểm từ "cà phê đường tàu"
  Mặc dù có nguy cơ cao mất an toàn giao thông đường sắt nhưng nhiều du khách vẫn đến "cà phê đường tàu".

Trước đó, vào ngày 6-10-2019, tàu vừa rời ga Hà Nội đi Hải Phòng, đến đoạn phố Phùng Hưng đã phải phanh dừng khẩn cấp do có nữ du khách người châu Á đứng ở đường ray và quay lưng vào đầu máy để chụp ảnh. Trong năm 2019, nhiều lái tàu đã phải dừng khẩn cấp trong thời gian ngắn để du khách có thể kiếm chỗ đứng an toàn. Trước tình trạng này,  UBND thành phố Hà Nội đã ra quân xử lý, cưỡng chế, đóng cửa các quán cà phê vi phạm hành lang an toàn đường sắt nhưng đến nay hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu lại tái diễn. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết: “Cà phê đường tàu" thu hút nhiều du khách nước ngoài, tuy nhiên muốn đây trở thành điểm du lịch, chính quyền địa phương phải đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn. Ở nhiều quốc gia có hình thức cà phê trên đường sắt, nhưng đó là đường sắt không còn hoạt động. Các hoạt động kinh doanh cần bảo đảm an toàn giao thông, tuân thủ pháp luật”.

Việc du khách ngồi gần đường sắt để thưởng thức "cà phê đường tàu" là hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng. Đề nghị chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng có biện pháp tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Bài và ảnh: THU THỦY

nguồn báo quân đội nhân dân