Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

NGUYỄN ÁNH TỔ CHỨC LỄ QUỐC TANG HOÀNH TRÁNG CHO GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC!

         Pigneau de Behaine, thường được người Việt Nam biết đến với tên gọi Giám mục Bá Đa Lộc, là một vị giáo sĩ người Pháp rất được Nguyễn Ánh trọng dụng trong việc lấy lại quyền bính từ tay nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18.
     Ngày 9/10/1799, trong lúc đi theo Hoàng tử Cảnh tấn công Qui Nhơn, Bá Đa Lộc lâm bệnh nặng và mất tại cửa Thị Nại, thọ 57 tuổi. Ngay khi nhận được hung tin, Nguyễn Ánh liền cho gửi ngay ra Thị Nại một chiếc quan tài lộng lẫy cùng vải lụa để khâm liệm.
     Trong tang lễ Bá Đa Lộc vào 12/1799, cả Nguyễn Ánh và Hoàng tử Cảnh đều đích thân đứng ra đọc điếu văn ca ngợi công lao của ông. Theo thư của giáo sĩ Lelabousse gửi về Chủng viện Hội truyền giáo hải ngoại Paris ngày 24/4/1800, thì “Toàn bộ đội thị vệ của nhà vua, không kể của Đông cung Cảnh, gồm 12 ngàn người, đều tham dự lễ tang. Họ đều được vũ trang, xếp thành hai hàng, đi đầu là những dàn súng đại bác, 120 con voi có nài và lính bảo vệ đi theo. Trống, kèn của người miền Nam và người Chân Lạp, pháo bông, đều có đủ".
     Nguyễn Ánh cho tiến hành tang lễ cực kỳ trang trọng và hoàng tráng: "quan tài được phủ một tấm vải hoa lộng lẫy, đặt vào một khung có hai bậc, mỗi bậc gắn 25 ngọn nến cháy sáng rực. Tất cả được đặt lên một chiếc cáng dài hơn 6 mét do 80 người khiêng. Một chiếc tán thêu chữ vàng che phủ cáng. Đi đầu đoàn đưa tang là một chiếc thánh giá to, theo sau là 6 chiếc bàn chạm trỗ tinh vi, mỗi chiếc có 4 người khiêng".
     Thi hài được ướp thuốc thơm, quan tài bằng gỗ tứ thiết, chuyển từ Diên Khánh về Gia Định quàn trong hai tháng, làm đúng quốc tang, truy tôn là Thái phó Bi Nhu Quận công. Một ngôi nhà mồ bằng gỗ quí được xây cất, ngày đêm có 50 lính canh phòng cẩn mật.
     Trong đám tang, Gia Long còn gọi Bá Đa Lộc là "Cha cả", theo cách gọi của người miền Bắc xưa thì “cả” là to nhất (anh cả, bác cả...). Gọi cha cả là đưa lên trên tầm cha đẻ, cha nuôi... rồi.
     Người đương thời nói rằng: "xem cái chết của một đạo trưởng là quốc tang, dùng đến nghi lễ trang nghiêm trọng thể bậc nhất như thế quả là từ cổ chí kim, nước Nam chưa làm thế bao giờ!"
Theo: Xã hội Việt Nam thời Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Các triều đại Việt Nam./.
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét