Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng: Trung ương nên chủ trương “dân sự hóa hoạt động quân sự” để hạn chế hao tốn nguồn lực đầu tư cho quốc phòng, lại huy động được sức dân trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Thực chất, đằng sau những
lập luận ấy là chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, hòng phá vỡ tính
tổ chức, tính kỷ luật, hạ bệ vai trò của quân đội, làm cho Quân đội nhân dân
(QĐND) Việt Nam xa rời mục tiêu, lý tưởng, nhằm hiện thực âm mưu “phi chính trị
hóa quân đội”
Mưu đồ phía sau “những lời có
cánh”
Trên một số trang mạng
nước ngoài gần đây đăng tải nhiều bài viết tập trung “phân tích” về chủ trương,
cách thức vận hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt
Nam. Các bài viết này “ngợi khen” việc nhất quán “mỗi người dân là một chiến
sĩ” thể hiện cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Họ thuyết giảng: Vì
dịch bệnh cũng là một loại “giặc” nên đáng ra quân đội phải là lực lượng duy
nhất có trách nhiệm đương đầu, ứng phó. Thế nhưng, Việt Nam đã biết cách biến
mỗi người dân thành một chiến sĩ nên công cuộc chống “giặc dịch” trở nên hiệu
quả.
Trên luận điệu đó, họ cố
tình suy diễn: Quân đội không thể hiện được vai trò, vị trí của mình, nên
cần phải “dân sự hóa hoạt động quân sự”; trao sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) cho
quần chúng. Có nghĩa, phải tinh giản biên chế trong quân đội một cách mạnh mẽ,
chỉ để lại một vài cơ quan chỉ đạo chiến lược; cũng nên giảm ngân sách đầu tư
cho quốc phòng và không nên “nuôi” một số lượng quân thường trực “đông nhưng
không mạnh” ... vì nếu có biến cố gì đi nữa, thì nhân dân ứng phó là đủ.
Với cách lập luận lập lờ
nêu trên khiến không ít người thoạt nghe đã sinh ra a dua, cổ xúy, tán dương.
Một số người dân đón nhận thông tin một chiều tỏ ra nghi hoặc về sức mạnh quân
đội, rồi bày tỏ sự ủng hộ “dân sự hóa” một số lĩnh vực hoạt động quân
sự, dành ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế...
Từ những phân tích trên,
các bài viết còn viện dẫn về chuyện một số quốc gia trên thế giới không cần xây
dựng lực lượng quân đội, chỉ thiết lập đội tự vệ quốc gia với quân số ít. Thậm
chí, có quốc gia không bận tâm đến việc BVTQ, vì trong xu thế hội nhập, các
nước sẽ biết cách tôn trọng độc lập, tự do, chủ quyền của mỗi quốc gia.
Thực chất, đây là những
thủ đoạn nhằm hạ thấp ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ BVTQ, hạ bệ vai trò
của QĐND Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, BVTQ; thúc đẩy xu hướng nhận thức
tiêu cực, tạo áp lực tâm lý để xới lên đề xuất “giải tán” quân đội, cắt giảm
nguồn lực đầu tư cho quân đội và quốc phòng. Đây là thủ đoạn nhằm phá vỡ “lõi
hạt nhân” trong kết cấu thế trận chiến tranh nhân dân, làm tan hỏng, mục rũa
nền quốc phòng toàn dân từ bên trong.
Ở một diễn biến khác,
những kẻ thủ ác lại rêu rao: Việt Nam đang “quân sự hóa hoạt động dân sự”. Họ
cho rằng: Chống dịch là một dạng hoạt động dân sự, nhưng quân đội lại ồ ạt đưa
lực lượng, vũ khí, trang bị vào “trấn áp” dịch-đó là biểu hiện “quân sự hóa
hoạt động dân sự”.
Một mặt, họ quy kết
quân đội không đủ mạnh, không thể làm tròn nghĩa vụ với nhân dân, nên cố tình
kéo quần chúng vào một cuộc chiến “vô thưởng vô phạt”; cổ vũ người dân lên
tuyến đầu để bao biện cho sự hèn nhát, sợ dịch bệnh của cán bộ, chiến sĩ
quân đội. Mặt khác, họ tung hô: Đảng, Nhà nước và quân đội đang tô hồng
vai trò của chính mình, “làm màu” để mị dân.
Thực chất, đây là thủ
đoạn đánh tráo sự thật, xóa nhòa bản chất hoạt động bảo vệ, phục vụ nhân
dân, phủ định vai trò, đóng góp to lớn của QĐND Việt Nam trong
phòng, chống dịch Covid -19 suốt gần hai năm qua. Trên thực tế, QĐND Việt Nam
đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những lực lượng xung
kích trên tuyến đầu; bảo vệ nhân dân bằng tất cả tình yêu thương. Thậm chí
nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với loại “giặc vô
hình” để phụng sự Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Vậy
nên, “những lời có cánh” nêu trên, thoạt qua, có thể nhầm tưởng là hợp lý, vô
hại, nhưng xét về thực chất lại chính là khuynh hướng thủ đoạn khá mới, cố tình
làm sai lệch nhận thức của quần chúng, mang lại nhiều hệ lụy và hậu quả to lớn;
ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội; tác động
trực tiếp đến kết quả xây dựng quân đội; chi phối nghiêm trọng công cuộc xây
dựng nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực, nguồn lực BVTQ trong tình hình
mới.
Quân đội hùng mạnh - đất nước
mới hùng cường
Lịch sử cách mạng Việt
Nam cho thấy, QĐND Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt BVTQ, trong thế trận
chiến tranh nhân dân. Nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ xa xưa đã thực
hiện phép dụng binh “ngụ binh ư nông”- quân gửi trong dân.
Với chức năng, nhiệm vụ
của mình, quân đội là lực lượng không thể thay thế, không thể phủ nhận, là công
cụ sắc bén, hữu hiệu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lợi
ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
Trong khi đó, tính chất,
yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới ngày càng cao; tình hình thế giới,
khu vực diễn biến phức tạp, mau lẹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến nhiệm vụ
BVTQ. Các vấn đề xung đột, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, biên giới diễn
ra phức tạp.
Các thế lực thù địch đẩy
mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, kích hoạt sự “chuyển màu” về chế độ, cố tình
hạ bệ vai trò của Đảng và QĐND Việt Nam... Trước tình hình đó, nếu Việt Nam
không có một đội quân thực sự “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện
đại” thì liệu nhiệm vụ BVTQ có thể bảo đảm trong mọi tình huống, nhằm tạo
môi trường hòa bình, ổn định, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững
của đất nước?
Thực tế cho thấy, kể từ
sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, thì vẫn chưa
có bất kỳ phút giây những người lính Cụ Hồ được ngơi nghỉ trong cuộc chiến giữ
hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong mọi giai đoạn lịch
sử, thời kỳ phát triển, quân đội luôn là lực lượng đi đầu và khẳng định những
đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là trong suốt hành trình 35
năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Vậy nên, với chức năng,
nhiệm vụ được giao, QĐND Việt Nam-lực lượng nòng cốt BVTQ rất cần những đầu tư
tương xứng để có đủ tiềm lực, thực lực và sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ
mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Ở đây, cần hiểu đúng và
đủ về chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đặt nhiệm vụ xây
dựng quân đội trong mối quan hệ tổng thể xây dựng 3 thứ quân: Bộ đội
chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong đó, với tầm nhìn chiến
lược, các lực lượng phải từng bước được đầu tư để hiện đại hóa, chính quy hóa,
nhưng trên hết và trước hết phải ưu tiên xây dựng QĐND Việt Nam trong mối quan
hệ với các bộ phận, lực lượng khác của LLVT.
Bởi thế, trong nhiều năm
qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương luôn nhất quán quyết tâm xây dựng quân
đội cách mạng, nhưng đồng thời phải tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Nghị quyết Trung ương các khóa XI, XII, XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân
đội lần thứ IX, X, XI đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng từng bước
tiến lên hiện đại, ưu tiên xây dựng một số lực lượng trong quân đội tiến thẳng
lên hiện đại.
Đại hội XIII của Đảng nêu
rõ mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, tinh, gọn, mạnh,
tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại... Đó là mục tiêu khách quan, đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp
BVTQ. Do đó, việc tập trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho xây dựng quân đội là
nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân và sự nghiệp cách mạng.
Hiện thực về sự cống hiến lớn
lao
Không có chuyện cán bộ,
chiến sĩ quân đội đang “vô công rồi nghề”, “đông mà không mạnh” như những kẻ
hiềm khích, chống đối, chống phá cố tình tô vẽ, thêu dệt. Mỗi công dân Việt Nam
cần có trách nhiệm nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những chiêu trò thâm độc
ấy.
Hãy ngước nhìn lên bầu
trời xanh của Tổ quốc. Chắc chắn rồi, sự bình yên ấy không tự nhiên có được, mà
là kết quả của sự phòng vệ quốc gia từ xa, từ sớm. Ở nhiều nơi trên đất nước
này vẫn có sự hiện diện của tổ chức, đơn vị quân đội luôn “dõi mắt canh trời”,
trực SSCĐ 24/24 giờ, với các loại vũ khí có khả năng đánh chặn mọi nguy cơ và
các mối đe dọa trong mọi tình huống; sóng radar giăng từng tấc không khí để kịp
thời phát hiện bất cứ mục tiêu nào dù là nhỏ nhất xâm phạm chủ quyền bầu trời
quốc gia.
Và như vậy, chắc chắn sẽ
có hàng nghìn ánh mắt của cán bộ, chiến sĩ dõi lên bầu trời canh giữ bình yên,
hay miệt mài thao tác vũ khí trang bị để bảo vệ, vận hành sự bình yên đó.
Hãy hình dung về 3/4 diện
tích đất nước thân yêu-biển, đảo của chúng ta dẫu còn nhiều “giông bão”, nhưng
chủ quyền thiêng liêng luôn được giữ vững kể từ sau ngày đất nước thống nhất,
Bắc-Nam sum họp một nhà. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn trung kiên ngày đêm
thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa, trên những con tàu, nhà dàn DK giữa
mênh mông biển lớn.
Tất cả những người lính
Cụ Hồ đều đối diện với các thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần, nhưng luôn
không hề nao núng, thoái thác nhiệm vụ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của những
người đang ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, để thêm trân trọng những đóng góp của
những chiến sĩ hải quân một lòng trung hiếu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, chủ
quyền Tổ quốc.
Hãy nhìn vào thực tế về
một đất nước bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt. Sau mấy chục năm hòa bình
lập lại, vẫn còn đó không ít bom, mìn, vũ khí tồn đọng, có thể cướp đi sự sống
của người dân và hãy khắc ghi sự đóng góp của lực lượng công binh can trường
đối mặt với tử thần, tái tạo sự bình an, mang đến môi trường sống an toàn cho
hôm nay, mai sau.
Hãy nhìn vào nỗi đau cả
thể xác lẫn tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam để thấy sự nguy hại đáng
sợ của vũ khí hóa học mà kẻ đi xâm lược nhẫn tâm gieo rắc lên lãnh thổ Việt
Nam, để thấm ngấm đầy đủ hơn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ hóa học đang ngày
đêm đối diện với thứ kẻ thù vô hình, xua đi hiểm họa, lấy lại những điều kiện
sống cần thiết, tốt đẹp cho nhân dân...
Lại phải nói rõ hơn về
trí tuệ của người lính Cụ Hồ đóng góp vào cấu hình môi trường sống hiện hữu.
Khi chúng ta cảm nhận về một con đường, một cây cầu, một công trình dân sinh...
chỉ nhận thấy tác dụng bảo đảm giao thông, phục vụ dân sinh, kết nối giữa
các vùng miền để thông thương hàng hóa. Thế nhưng, sự thật không chỉ có thế.
Khi biến cố xảy ra, khi
khởi mào chiến sự, kẻ thù gây hấn, thì lập tức những công trình ấy chuyển hóa
phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các nhà máy, xí nghiệp đều
có tính lưỡng dụng đến mức tối ưu; các làng xã văn hóa đều
bảo đảm các yếu tố, thành tố cấu thành nên khu vực phòng thủ... Những
giá trị mang lại ấy là thành quả của trí tuệ Việt Nam, là sản phẩm của nền quốc
phòng toàn dân, mà người lính Cụ Hồ là chủ thể tiến hành công tác tham mưu,
kiến tạo.
Đó là thành quả vô cùng
to lớn, kết nên từ lịch sử chiến tranh và quá trình xây dựng, BVTQ mà QĐND Việt
Nam giữ vai trò nòng cốt.
Trong đó, việc kiến tạo
nên lực lượng 3 thứ quân; bồi đắp cho mỗi người dân lý tưởng, bản lĩnh, kiến
thức quân sự cơ bản... để có thể trở thành người chiến sĩ quả cảm bảo vệ chủ
quyền đất nước, thì quả là "phép màu thần kỳ" được kết nên từ một
khối lượng công việc đồ sộ mà ngay trong thời bình lớp lớp cán bộ, chiến sĩ
quân đội đã và đang dày công vun đắp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét