Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

 

          Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo. Về  cơ bản, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã được công nhận hoạt động ổn định, hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ của tôn giáo mình, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp đang diễn ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Những vấn đề này chủ yếu xuất phát từ việc lợi dụng tôn giáo của một số phần tử cực đoan trong các tôn giáo, hoặc các lực lượng thù địch từ bên ngoài tác động, lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, hoặc lợi dụng những bất cập trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội để kích động biểu tình, chống đối, nó biểu hiện ở một số vấn đề sau:

          Thứ nhất, quan điểm sai trái thường thấy của các thế lực thù địch là xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, chính quyền Việt Nam hạn chế tôn giáo, thậm chí đàn áp tôn giáo. Những quan điểm này thường căn cứ vào việc chính quyền xử phạt các cá nhân, tổ chức tôn giáo vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự hay vi phạm trong các hoạt động tôn giáo. Đây là việc thực thi pháp luật của các cơ quan của chính quyền, nhưng các thế lực thù địch đều xuyên tạc là Việt Nam đàn áp tôn giáo. Nhiều phần tử phản động, nhiều tổ chức trái pháp luật (như đã trình bày ở trên), mang danh nghĩa tôn giáo bị xử lý vì lý do chống người thi hành công vụ, chống phá Nhà nước, v.v.. nhưng các thế lực thù địch đều quy kết đó là các hành vi ngăn cản, chống đối tôn giáo.

          Trên thực tế, kể từ khi đổi mới đến nay, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Hiến pháp 1992 quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của công dân, Hiến pháp 2013 quy định đó là quyền của con người, ngay cả những người đang bị tạm giam, những người bị bắt buộc vào các cơ sở giáo dưỡng, v.v.. cũng đều được đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, học tập, sinh sống cũng đều được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng từ khi đổi mới đến nay, tất cả các tôn giáo đều được tạo điều kiện phát triển tín đồ, xây dựng cơ sở thờ tự, tổ chức các hoạt động tôn giáo thuần tuý và các hoạt động tham gia vào xã hội. Các hoạt động quốc tế của các tôn giáo cũng được tạo điều kiện. Nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo mang tầm quốc tế, khu vực đã được tổ chức ở Việt Nam. Nhiều hoạt động tôn giáo thu hút hàng trăm ngàn người đều được nhà nước tạo điều kiện tổ chức.

          Thứ hai, các quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên tạc ở Việt Nam không có bình đẳng tôn giáo, Nhà nước ưu ái tôn giáo này mà hạn chế hoặc khắt khe với các tôn giáo khác. Đặc biệt, nhiều quan điểm sai trái cho rằng chính quyền Việt Nam kỳ thị đối với Công giáo, Tin Lành và luôn tìm cách để ngăn cản các tôn giáo này phát triển. Trên thực tế, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn đối xử công bằng, bình đẳng đối với tất cả các tôn giáo, mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tài sản của tất cả các tôn giáo đều được Nhà nước bảo hộ. Tất cả những điều này đều được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật.

          Ngoài ra, các quan điểm sai trái thường tuyên truyền, phản ánh sai lạc về chính sách công nhận tư cách pháp nhân đối với các tổ chức tôn giáo. Các quan điểm này cho rằng, các tổ chức, hội nhóm chưa được công nhận tư cách pháp nhân cũng phải được đảm bảo đầy đủ các quyền như các tổ chức đã được công nhận. Về điều này, pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, một tổ chức tôn giáo muốn được công nhận tư cách pháp nhân cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải có một quá trình từ khi đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho đến đăng ký hoạt động tôn giáo và đăng ký công nhận tư cách pháp nhân. Do vậy, các tổ chức, nhóm tôn giáo chưa được công nhận cần tích luỹ đủ các điều kiện, yếu tố theo quy định của pháp luật thì sẽ được đảm bảo đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, chứ hoàn toàn không có chuyện chính quyền Việt Nam ưu tiên các tôn giáo lớn, các tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân mà hạn chế các tổ chức, nhóm tôn giáo nhỏ.

          Thứ ba, các quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên xuyên tạc đó là chính quyền “cướp đất” của tôn giáo. Có thể nói, vấn đề đất đai tôn giáo là một vấn đề hết sức phức tạp trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, nhiều vấn đề thuộc về lịch sử để lại, do chưa giải quyết được một cách dứt điểm nên xảy ra nhiều mâu thuẫn, phức tạp. Có những giai đoạn, các tổ chức tôn giáo đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước để phục vụ xây dựng hoặc sử dụng vào các mục đích dân sinh, công trình văn hoá, giáo dục cho cộng đồng. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, nhiều tổ chức tôn giáo do tín đồ ngày càng đông, nhu cầu hoạt động ngày càng lớn, dẫn đến đòi lại đất của Nhà nước. Tuy nhiên, đối với những đất đã hiến cho Nhà nước và đã được sử dụng vào mục đích phục vụ cộng đồng thì không có chủ trương trả lại cho tôn giáo. Điều này đã được quy định rõ trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, có những tôn giáo vẫn khiếu kiện kéo dài, thậm chí còn gây sức ép với chính quyền, tụ tập đông người, biểu tình để đòi lại đất, gây rất nhiều phức tạp về an ninh trật tự, cũng như gây ra sự hiểu lầm rằng Nhà nước lấy đất của tôn giáo.

          Ngoài ra, Luật Đất đai (2013) của Việt Nam quy định rõ, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng và sở hữu tài sản gắn liền với đất. Khi có nhu cầu thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dân sinh, an ninh quốc phòng, v.v.. thì Nhà nước có quyền thu hồi đất. Đây là chính sách rất rõ ràng của Việt Nam, tuy nhiên, khi các cơ sở tôn giáo bị thu hồi đất thì các quan điểm sai trái lại xuyên tạc là nhà nước “cướp đất” của tôn giáo. Tương tự như lĩnh vực đất đai, lĩnh vực xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự cũng nảy sinh rất nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện, tố cáo, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột kéo dài, đây là những cái cớ để các quan điểm sai trái xuyên tạc chính sách, pháp luật tôn giáo của Việt Nam.          Cụ thể, việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo thực hiện theo luật xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan, tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo nhiều khi phớt lờ các quy định của pháp luật, tự ý xây dựng, sửa chữa mà không xin phép chính quyền, hoặc xin phép một đằng nhưng thực hiện một nẻo. Đến khi các cơ quan chức năng đến lập biên bản, yêu cầu dỡ bỏ… thì xảy ra mâu thuẫn, xung đột và xuyên tạc là chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…

          Những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo, chính sách, pháp luật tôn giáo ở Việt Nam đều hướng đến mục đích chính trị là gây mâu thuẫn, xung đột, kích động biểu tình, bạo loạn hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp, quốc tế hoá vấn đề của Việt Nam, từ đó gây sức ép đối với Việt Nam trong các hoạt động quan hệ quốc tế.

          Việc nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, nắm được phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch sẽ góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các quan điểm này, từ đó nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, cũng như nhận thức của chính những chức sắc, tín đồ các tôn giáo để không bị lôi kéo vào âm mưu chia rẽ, kích động của các thế lực thù địch, qua đó sẽ góp phần giải quyết tốt hơn những vụ việc phức tạp, những điểm nóng đã tồn tại từ lâu nay.

                                                                                      Đa22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét