“Ừ, nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc.
Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.” - đoạn cuối trong những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, một sinh viên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, tạm gác bút và cầm súng Nam tiến khi Tổ Quốc cần.
Những dòng viết ấy như báo trước một dự cảm không lành. Ngày này của 50 năm trước, cụ thể là ngày 30/07/1972, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Những trang nhật ký ấy không được viết tiếp nữa, chúng được được tập hợp lại và in thành sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" - mà chúng ta đọc sau này.
Mùa hè đỏ lửa 1972 và chiến dịch Thành cổ Quảng Trị đã lấy đi của chúng ta lớp sinh viên tài năng, với bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu lý tưởng... Có khoảng 2000 sinh viên các tỉnh thành miền Bắc hy sinh vào mùa hè năm đó và hàng ngàn người khác bị thương, theo đó là bao nhiêu ước mơ dở dang tan biến, những mối tình sinh viên mà các chàng trai cô gái của chúng ta phải dặn lòng là "đất nước còn chiến tranh nên chúng ta phải biết sống xa nhau".....
Một thế hệ mà nhiều người còn sống dùng hai chữ để mô tả "nhói lòng", một thế hệ khi quay lại trường đại học, người thì mất chân hoặc mất tay, người thì di chứng tâm lý nặng nề và phải bỏ học vì không theo được, người thì không còn nhìn thấy gì nữa... Có phòng kí túc xá 10 người thì hy sinh hết 9, chỉ còn lại duy nhất một người.
"Mãi mãi tuổi hai mươi" là cảm hứng tạo ra bộ phim Mùi Cỏ Cháy - một bộ phim nói về 4 chàng trai sinh viên Hà Nội tạm biệt gia đình, người thương để tham gia Giải phóng quân. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong phim chính là nhân vật Thăng - một người đã hy sinh trên sông Thạch Hãn.
"Mùa hè ấy hy sinh nhiều quá, toàn là lính trẻ" - Đại đội trưởng Phong trong phim Mùi Cỏ Cháy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét