Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ được thể hiện ở tầm vĩ mô,
mà còn phải được cụ thể hóa ở hoạt động của các cấp, các ngành trên mọi lĩnh
vực trong xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần của nền quốc phòng toàn dân.
Trước mắt, cần có giải pháp giải quyết có hiệu quả những bức xúc, khó khăn
trong đời sống nhân dân; tổ chức đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng,
lãng phí, ngăn chặn "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa", đẩy lùi
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng
viên có hiệu quả; rút ngắn khoảng cách giầu nghèo trong các tầng lớp xã
hội. Có như vậy mới tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố
được niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ. Đồng thời, để nâng cao chất lượng,
hiệu quả công việc và phát triển tiềm lực chính trị-tinh thần cần khơi dậy và
phát động các phong trào cách mạng của nhân dân, khai thác trí tuệ và tài năng
sáng tạo của nhân dân, đề cao trách nhiệm công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình hiện nay.
Để thực hiện có hiệu quả những nội dung trên đòi
hỏi toàn đảng, toàn quân và cả hệ thống chính trị các cấp phải đổi mới công tác
tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng
viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các
cấp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và
hội nhập quốc tế. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá đúng cán bộ, có kế
hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ và sử dụng, bổ nhiệm cán bộ cần coi trọng cả đạo
đức và tài năng, trong đó bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong
sạch, năng lực chuyên môn, khả năng vận động quần chúng, sự hiểu biết về quốc
phòng, quân sự cần có sự chú ý thích đáng, vì nó có quan hệ đến hiệu quả xây
dựng tiềm lực chính trị-tinh thần của nền quốc phòng toàn dân./.
VHT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét