Đối với phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, đồng chí có những đóng góp có tính quyết định, nhất là sự ra đời Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 1-1959); cùng những quyết định táo bạo, sát thực tiễn của đồng chí trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng TP Đà Nẵng năm 1975.

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đồng chí Võ Chí Công được giao nhiệm vụ bí mật ở lại miền Nam và phân công làm Phó bí thư Khu ủy, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Khu 5. Đến năm 1957, tư tưởng đấu tranh vũ trang trong Đảng bộ và nhân dân Khu 5 đã ngấm ngầm sục sôi vì thấy không thể chỉ dùng con đường đấu tranh chính trị mà giành được chính quyền, đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí trong Liên khu ủy 5 kết luận: “Thực tiễn miền Nam đã dạy cho chúng ta rằng bạo lực chống lại bạo lực mới thắng được” và nhấn mạnh: “Đây là kinh nghiệm xương máu từ cuộc sống, là thực tiễn, là chân lý được kiểm nghiệm trong thực tiễn”.

Đồng chí Võ Chí Công với phong trào cách mạng thành phố Đà Nẵng
Đồng chí Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân huyện Phước Sơn, ngày 30-10-1989. Ảnh tư liệu 

Đầu năm 1958, đồng chí Võ Chí Công ra Hà Nội trực tiếp báo cáo tình hình trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của đồng chí Võ Chí Công, cùng với bản Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15 và ban hành Nghị quyết 15, kết luận: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”, tạo ra phong trào “đồng khởi”, mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù ở miền Nam”. Từ tình hình thuận lợi đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định thành lập Ban cán sự Đà Nẵng với nhiệm vụ nhanh chóng phục hồi và phát triển cơ sở bên trong TP Đà Nẵng.

Đến năm 1974, khi tình hình chuyển biến theo hướng tích cực, đồng chí Võ Chí Công thống nhất chủ trương phải “thọc thẳng” để giải phóng TP Đà Nẵng. Khi đưa ra bàn bạc chọn điểm “đột phá khẩu” để tiến công giải phóng Đà Nẵng, nhiều người đề xuất nên đánh Quế Sơn, song với nhãn quan của một nhà lãnh đạo chiến lược, đồng chí Võ Chí Công đã quyết định chọn Thượng Đức và thực tế đã chứng minh chọn đánh Thượng Đức chính là chọn tử huyệt của địch và chiến thắng đó đã mở ra thời cơ lớn, là cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược “giải phóng miền Nam”.

Để gấp rút triển khai kế hoạch tiến công giải phóng Đà Nẵng, ngày 21-3-1975, đồng chí Võ Chí Công triệu tập phiên họp của Khu ủy 5. Tại cuộc họp này, đồng chí Võ Chí Công nêu vấn đề: Cần phải “Thọc thẳng, địch tan rã Đà Nẵng rồi” và yêu cầu Đặc khu Quảng Đà phải tự giải phóng là đáp ứng yêu cầu “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Tất cả các phương án phải bảo đảm cho được phương châm “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”. Ngày 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công cùng với bộ phận chỉ huy tiền phương của Khu ủy 5 về Quảng Đà, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Từ diễn biến nhanh chóng của tình hình, đồng chí chủ trương không phải chờ đến ngày 30 mới giải phóng như kế hoạch đề ra. Sáng 29-3-1975, lệnh khởi nghĩa được ban bố, các cánh quân tập kết trước đó (bao gồm lực lượng của địa phương và quân chủ lực) từ các hướng tiến vào Đà Nẵng; đồng bào ở vùng ven và nội thị cùng với tù chính trị nổi dậy phá nhà lao cùng tham gia giành chính quyền dưới sự hướng dẫn của các ủy ban khởi nghĩa. Đúng vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 29-3-1975, quân ta cắm cờ trên Tòa thị chính, Đà Nẵng được giải phóng.

Giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng là chiến thắng mang tính chiến lược, trực tiếp quyết định thay đổi toàn bộ cục diện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, với phẩm chất anh hùng, gan dạ, với một tư duy chiến lược sắc bén, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn dạn dày, phong phú, với một tinh thần bất khuất, kiên quyết tấn công kẻ thù, với tính cách dám nghĩ, dám làm, quyết liệt và táo bạo, đồng chí Võ Chí Công cùng các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu 5 đã có những quyết định xoay chuyển tình thế cách mạng, tạo ra những bước ngoặt lịch sử trên chiến trường miền Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.

Từ những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đã cho lãnh đạo TP Đà Nẵng nhiều bài học kinh nghiệm, đóng góp quan trọng vào những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố thời gian qua, đó là: Coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và quyết liệt; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu; phát huy phẩm chất anh hùng, gan dạ của quân và dân Đà Nẵng; bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và trên cơ sở thực tiễn, tình hình địa bàn thành phố để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội; luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, đặt lợi ích người dân, Nhà nước lên trên hết, trước hết.

Với những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công sẽ mãi mãi là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ trong cả nước học tập, noi theo. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng luôn ghi nhớ, tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí trong những bước ngoặt lịch sử quan trọng của thành phố, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của đồng chí và các thế hệ đi trước, đoàn kết, đồng thuận, chung tay xây dựng phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Nguồn: QĐND.