Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Phòng và chống chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên


Trong cuộc sống của mỗi con người có thể có các loại lý tưởng khác nhau. Có lý tưởng sống được con người nuôi dưỡng suốt cả cuộc đời; cũng có lý tưởng thuộc về một mặt nhất định nào đó, chẳng hạn như lý tưởng chính trị, lý tưởng học vấn, lý tưởng nghề nghiệp, lý tưởng đạo đức, v.v.. Dù là loại nào thì lý tưởng cũng đều đóng vai trò định hướng, có tác dụng điều chỉnh hoạt động và đặc biệt là có sức mạnh kích thích con người hành động. Con người sống trong xã hội mà nếu không có lý tưởng thì thật là vô vị, là “sống hoài, sống phí”.

Báo động về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nhất là về sự suy thoái lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, kể cả một số cán bộ cấp cao, trong thời gian vừa qua hết sức đáng ngại. Chủ nghĩa cá nhân, động cơ kiếm tiền, bao che để trục lợi, lợi dụng khe hở của công tác quản lý và luật pháp để thu vén, làm giàu cho bản thân và gia đình đều là những nguyên nhân trực tiếp khiến người có chức, có quyền, có địa vị cao trong xã hội trở thành tội phạm. Nhưng nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định, dẫn họ đến sự thoái hóa đó chính là sự tu dưỡng của bản thân quá kém, đặc biệt là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, điều mà họ đã từng tuyên thệ trung thành suốt đời trước cờ Đảng khi họ được kết nạp vào Đảng.

Rõ ràng là sự lao dốc của những cán bộ đã từng trải ấy trên các cương vị công tác họ được đảm nhận, suy đến cùng là do lối sống buông thả, do sự tham lam quyền lực vô độ, muốn có thật nhiều tiền, muốn làm giàu thật nhanh mà không nghĩ đến hậu quả. Chính họ đã không đủ can đảm để chống lại những “bả” vinh hoa, phú quý không chính đáng. Sự lao dốc không phanh ấy, một lúc nào đấy thuận lợi, rất có thể sẽ dẫn đến chỗ góp phần bán rẻ cả đồng chí, đồng đội, phản bội lại Tổ quốc và quay lưng lại với nhân dân.

Bài học rút ra từ những vụ tiêu cực từ nhỏ đến lớn, nhất là nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, còn là do chúng ta thiếu một đạo luật đủ sức ngăn chặn sự lợi dụng và sự tham nhũng quyền lực ở nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội khi chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, nơi mà đồng tiền có sức mạnh thống trị và quan hệ “tiền trao cháo múc” chi phối; nơi mà mọi thứ đều có thể đem ra trao đổi, mặc cả, mua bán. Karl Marx đã từng cảnh báo rằng, “tiền là sự xuyên tạc một cách phổ biến những cá tính mà tiền biến thành những cái đối lập với chúng… Sau đó, tiền biểu hiện với tính cách là lực lượng có tác dụng xuyên tạc… Tiền biến trung thành phản, yêu thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành khôn, khôn thành ngu”(3).

Phòng và chống chủ nghĩa cá nhân thật tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là trong việc phòng, chống sự suy thoái lý tưởng cách mạng ở mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến đổi nhanh chóng, khó lường như hiện nay và trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải coi việc thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân chính là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa sự suy thoái, nhạt phai lý tưởng cách mạng, qua đó giữ vững vị thế, vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, dẫn dắt và lãnh đạo nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét