Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

QUÂN KHU 3 - "ĐẤT CĂN BẢN CỦA NƯỚC NHÀ"

 

QUÂN KHU 3 - "ĐẤT CĂN BẢN CỦA NƯỚC NHÀ"

Với diện tích 2 vạn cây số vuông, dân số gần 13 triệu người, sinh sống trên 9 tỉnh đồng bằng duyên hải…, Quân khu Ba như bức tường thành vững chắc ở phía Đông Bắc Tổ quốc, khởi đầu từ Móng Cái - Quảng Ninh, xuôi dần về phía Nam, dừng lại ở dẫy núi Tam Điệp - Ninh Bình.

Quân khu 3 là hình ảnh của đất nước thu nhỏ, bởi ở đây có rừng núi, biển khơi, duyên hải, trung du và đồng bằng. Biển, có Vịnh Hạ Long được xếp hạng di sản văn hoá thiên nhiên thế giới. Rừng, có Cúc Phương và Quần thể du lịch Tràng An, nằm trong danh sách cần bảo tồn của nhân loại. Đồng bằng Trung du đất đai màu mỡ, nước ngọt, khí lành. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, là vựa lúa khổng lồ với nhiều đặc sản nông nghiệp, tinh hoa, xuất khẩu ra quốc tế. Trong lòng đất có khoáng sản, tiềm tàng khí đốt và các loại vật liệu xây dựng. Sông ngòi dày đặc, thủy hải sản vô cùng phong phú, mạng lưới giao thông thủy bộ, đường sắt, đường không phát triển… Đó chính là tiềm năng, là tài sản thiên nhiên ban tặng, rất cần cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước…Cũng trên mảnh đất này, hàng nghìn năm nay gần 20 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao… sinh sống, gắn bó với nhau chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đất thượng võ, nơi phát tích bậc đế vương

Từ thế kỷ X, đất Hồng Châu xưa (nay là huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã xuất hiện hào trưởng Khúc Thừa Dụ, giành chính quyền trong tay nhà Đường, tự xưng Tiết độ sứ, thực quyền cai trị Đại Việt, mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ. Cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân, chỉ huy công cuộc dựng xây kinh đô Hoa Lư, tiếp đến vua Lê Hoàn dẹp Chiêm, phá Tống, giữ yên bờ cõi. Một vùng đất có ba nhân vật anh hùng: Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn nối tiếp nhau đăng quang, có thể coi là đất đế vương.

Tên làng đều gợi lại bản hùng ca: Vân Đồn, Bạch Đằng Giang, Lục Đầu-Vạn Kiếp, Tam Điệp. Vẫn còn vang vọng lời Hịch tướng sĩ của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn…, vẫn nghe rõ tiếng gươm khua, ngựa hý, vẫn hừng hực lửa cháy trên sông Bạch Đằng đốt phá giặc Nam Hán, giặc Nguyên…

Mảnh đất ấy giàu truyền thuyết nhân văn. Hầu như nơi nào cũng có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, kẻ cả lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia. Sóng gió biển khơi đã làm nên phẩm giá con người miền duyên hải mạnh mẽ, thì rừng núi đã tạo nên cốt cách con người vùng Ninh Bình, Hoà Bình mộc mạc, son sắt… Nơi giao hòa, hội tụ những bản sắc dân tộc, nơi cất giấu kho tàng văn hóa, dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, phong tục, lễ hội tạo nên sự phong phú trong dòng chảy văn hóa dân tộc...

Đất hiếu học, khoa bảng

Trải dài gần 900 năm, các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã tổ chức 183 khoa thi hội, cả nước chọn được gần 3.000 vị đỗ đại khoa, thì chỉ một làng Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương) có 36 vị, được mệnh danh “làng Tiến sĩ”. Cả nước có 47 trạng nguyên, thì các tỉnh quân khu Ba có tới 20 vị, chiếm gần một nửa số trạng nguyên cả nước. Quân khu Ba thành vùng đất văn võ song kiệt của mọi thời đại.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Quân khu Ba - quân khu đồng bằng sông Hồng… là vị trí chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu Ba đã nêu cao vai trò vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến...mãi mãi xứng đáng là một vùng đất văn hiến và cách mạng, đất căn bản của nước nhà. (Trích “Quân khu Ba-lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) - NXB - QĐND-1995”).

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân ủy Trung ương đã biểu dương quân và dân Quân khu Ba với những chữ “Đoàn kết, nghiêm chỉnh, sáng tạo. Chi viện tiền tuyến hết lòng, chiến đấu dũng cảm, xây dựng lực lượng tốt, xây dựng hậu phương vững mạnh…”.

Thời bình, trong thế trận chiến tranh nhân dân, đây là tấm lá chắn của Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh thế giới biến động và phức tạp khôn lường.

Tầm xa, tiềm năng kinh tế biển

Bờ biển Quân khu Ba dài 516km từ Móng Cái đến huyện Kim Sơn, Ninh Bình với nhiều lợi thế để khai thác hải sản, công nghiệp chế biến và nuôi trồng. Quần thể Vịnh Hạ Long, được coi là tài sản thiên nhiên vô giá, gắn liền với kinh tế du lịch. Những bãi biển Vân Đồn, Quan Lạn, Cô Tô… đang trở thành ngành “công nghiệp không khói” mang lại siêu lợi nhuận.

Cùng với biển khơi, Quân khu Ba có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Tràng An, Cúc Phương (Ninh Bình), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)… Hầu như mỗi vách núi ở quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, hay hang động Hạ Long, lưu giữ câu chuyện bi hùng trong trang sử đánh giặc. Nó càng tôn vẻ đẹp của tạo hóa và ý nghĩa nhân sinh giá trị văn hóa bản địa …

Do đặc điểm về địa chính trị, mà hàng ngàn năm qua ,Việt Nam luôn là mục tiêu của kẻ thù xâm lược dòm ngó, suốt thời kỳ Bắc thuộc. Quân khu Ba có đường biên giới đất liền gần 120km, biên giới biển hơn 190km, cũng là những điểm nóng không ngừng phải cảnh giác. Củng cố quốc phòng, an ninh lãnh thổ là nhiệm vụ thiêng liêng. Trên thực tế, Quân khu Ba đã làm bức tường thành vững chắc, là phên dậu che chắn, giữ gìn bảo vệ Thủ đô, trái tim Tổ quốc.

Sự kiện thành lập thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân vùng biển ở huyện đảo Cô Tô, chương trình bộ đội giúp dân làm kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài, xây dựng “khu dân cư biên giới kiểu mẫu”, làm viên gạch lát đường biên giới hòa bình - đường biên giới bền vững từ lòng dân.. rất đáng chú ý. Một chủ trương có tầm xa, có sức sống lâu dài, là một ví dụ sống động về xây dựng thế trận lòng dân. Càng thấm thía nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Quân khu Ba mãi mãi xứng đáng là một vùng đất văn hiến và cách mạng, đất căn bản của nước nhà”.

Báo Quân khu 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét