Trong khói lửa đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phát huy truyền thống và kinh nghiệm của người dân Củ Chi (Sài Gòn), quân và dân Vĩnh Linh đã kiến tạo nên địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh-một công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, bởi “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất/ Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam”.
Với khẩu hiệu “Quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, nhân dân huyện Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào với nhiều công năng: Trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu sinh hoạt của từng gia đình. Hệ thống hầm hào được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển và được nối thông nhau bằng hệ thống chằng chịt thay cho đường trên mặt đất. Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, hệ thống địa đạo, làng hầm thể hiện sức sáng tạo tuyệt vời, ý chí ngoan cường bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyền-một kỳ tích sống của Quảng Trị anh hùng.
Thi gan cùng địa đạo, làng hầm ở Vĩnh Linh, đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17 của huyện Vĩnh Linh có vị trí chiến lược về quân sự-vọng gác tiền tiêu của miền Bắc, là cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ. Từ đảo Cồn Cỏ, dùng các khí tài quan sát có thể theo dõi mọi động tĩnh ở đất liền và các tàu, thuyền từ ngoài khơi xa. Vì vậy, địa danh này đã trở thành mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt của không quân, hải quân Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân đảo Cồn Cỏ suốt 1.500 ngày đêm đã ngoan cường chiến đấu với máy bay, tàu chiến Mỹ qua 1.000 trận ném bom, bắn phá. Để bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến, hải thuyền địch, gần 200 chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo, viết nên trang sử huyền thoại. Đảo Cồn Cỏ hiên ngang giữa trùng khơi, đánh tan mọi cuồng vọng đen tối của kẻ thù, vinh dự được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng như nhiều địa phương trên đất nước này, chứng tích sau những cuộc kháng chiến là các nghĩa trang liệt sĩ. Quảng Trị là một tỉnh với diện tích nhỏ bé nhưng có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn). Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm ở vị trí thượng nguồn sông Bến Hải với hơn 10.000 phần mộ chí. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ. Và trong mùa hè đỏ lửa của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước, cũng gần ngần ấy đồng đội đã ngã xuống trong đạn bom của kẻ thù. Máu xương của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một phần trầm tích sâu dày ở Quảng Trị. Dòng sông Thạch Hãn của mùa hè đỏ lửa ấy cũng như đục hơn bởi bom đạn, đỏ hơn bởi xương máu của biết bao chiến sĩ đã nằm xuống nơi này. Một kỷ lục cho sự đau thương mà không địa phương nào muốn giành lấy.
Làm thế nào để Quảng Trị có thể khai thác hiệu quả di tích lịch sử chiến tranh cách mạng trên các chiến trường Quảng Trị năm xưa, để bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa cho sự phát triển của địa phương? Đó là mong muốn không chỉ riêng tỉnh Quảng Trị mà còn là của nhân dân cả nước.
Cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị kể chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị trước di tích Thành cổ. PHAO |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét