Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hộiNghiên cứu, bổ sung thêm đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh

Xác định là Luật Dầu khí (sửa đổi) có lĩnh vực liên quan rất nhiều đến chủ quyền quốc gia và quốc phòng, an ninh, do đó Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nghiên cứu và góp ý với Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Đến nay, tôi thấy, khi trình ra thì nhiều nội dung đã được tiếp thu, nhất là về các nguyên tắc có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh như: Tiến hành điều tra cơ bản dầu khí, hoạt động dầu khí phải tuân thủ theo quy định về quốc phòng, an ninh; về chỉ định thầu; về gia hạn, tạm dừng hợp đồng; về nhà thầu…

Ngoài ra, dự thảo luật chỉ đề cập đến vấn đề thăm dò, khai thác dầu khí (thượng nguồn), chưa đề cập đến công nghiệp lọc, hóa dầu (trung, hạ nguồn); trong khi hoạt động khai thác dầu khí cũng nhằm mục đích phục vụ cho ngành lọc, hóa dầu trong nước.

Mặt khác, Nghị định 36 đã xác định lọc hóa dầu là hoạt động công nghiệp cần để phát triển; Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ là phải tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và xuất khẩu… Do đó, tôi đề nghị cân nhắc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật liên quan đến nội dung này. 

Ngoài ra, về hoạt động lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí; thẩm định, phê duyệt các chương trình, báo cáo kế hoạch tìm kiếm, khai thác dầu khí…, tôi đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, bổ sung thêm đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh để có thể bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như bảo đảm lựa chọn được nhà thầu hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đa dạng hóa các biện pháp ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí

Luật Dầu khí có 3 điểm khác so với luật thông thường; đó là có tính rủi ro, tính quốc tế và tính đặc thù. Hoạt động dầu khí chịu rủi ro lớn, do tính chất, cấu tạo địa chất, các tích tụ dầu khí, nằm sâu dưới lòng đất, địa chất phức tạp, ngoài đại dương...

Thực tế cho thấy, khi khoan thăm dò dầu khí với nhiều mũi khoan trên biển thì may mắn có một vài mũi tìm thấy dầu; nhiều giếng dầu tìm thấy dầu thì cũng chỉ có vài ba giếng có giá trị thương mại cao. Do đó, thể chế, chính sách điều chỉnh hoạt động dầu khí cần phải được thiết kế tính đến rủi ro này nhằm thúc đẩy hoạt động dầu khí.

Như trong tờ trình của Chính phủ và đòi hỏi thực tiễn, tôi cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả của hoạt động dầu khí ít nhất trong vòng 10 - 15 năm nữa. Luật Dầu khí (sửa đổi) cơ bản đã chế định nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng như: Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hài hòa hóa các thủ tục hành chính theo một chuỗi hoạt động dầu khí từ thăm dò, khai thác, vận chuyển… từ ngoài biển đến xây dựng các công trình trên đất liền, nhằm làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, giảm chi phí thời gian.

Cùng với đó, các quy định được sửa đổi, bổ sung cũng nhằm mục đích tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai, bổ sung các quy định hợp lý về khai thác tận thu mỏ, điều tra cơ bản về dầu khí...

Đặc biệt, chính sách ưu đãi đầu tư cho dầu khí được tiếp cận đa chiều, không chỉ là ưu đãi tài chính trực tiếp mà cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư…

Theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu để đa dạng hóa các biện pháp ưu đãi đầu tư (ưu đãi đặc biệt) thay vì chỉ đơn thuần là ưu đãi về cắt giảm thuế suất chung như thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó, chúng ta có thể đa dạng hóa những chính sách thu hút đầu tư và nâng cao tính cạnh tranh của cơ chế thu hút đầu tư nhằm đạt được mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao chất lượng đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Quan tâm bổ sung hoạt động chế biến để tạo ra các sản phẩm hóa dầu giá trị cao

Để có được khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất và khả thi, thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, tôi thấy rằng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến các bộ luật, luật khác; thể hiện đầy đủ và toàn diện các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36, cụ thể là nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác, từng bước làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng, bảo đảm giá trị vốn có, làm nguyên liệu và nhiên liệu. Quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải bảo đảm tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Điều cần đặc biệt quan tâm là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Mặt khác, ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, dự thảo luật cần quan tâm bổ sung hoạt động chế biến để tạo ra các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao.