Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

 

Sức mạnh của CAND là ở sự gắn bó mật thiết, giúp đỡ thường xuyên của nhân dân; do đó các thế lực thù địch luôn luôn tìm mọi cách bôi nhọ, nói xấu để hạ thấp uy tín và li gián Công an với nhân dân. Trước tình hình đó, học tập, làm theo phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương pháp để cán bộ, chiến sĩ CAND đấu tranh hiệu quả với mọi hình thức xuyên tạc, nói xấu.


Phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị nhân văn, tinh túy nhất trong truyền thống văn hóa của dân tộc và của nhân loại. Để có được phong cách ứng xử đó, bên cạnh sự xuất thân từ một gia đình truyền thống yêu nước, thương dân, với tài năng trí tuệ bẩm sinh và trong bối cảnh lịch sử dân tộc đang bị đọa đầy trong kiếp nô lệ, còn là thành quả của việc Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn bể để học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện. Nhờ đó, mọi lời nói và hành động của Hồ Chí Minh đều toát lên sự thân thiện, gần gũi, nghĩa tình, nồng hậu, rất đỗi chân thành, lịch thiệp, nhưng cũng đầy uy lực và cương nghị.


Điểm nổi bật trong phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh, trước hết trong việc ứng xử với bản thân. Người đã lấy “tu thân” của Nho học làm đầu trong sự nghiệp của mỗi con người. Tu thân là luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân. Hồ Chí Minh thấm đẫm tư tưởng đó, đã tự ứng xử rất nghiêm khắc với bản thân trên mọi phương diện, chính Người đã tự làm cho bản thân mình lớn lên về trí tuệ, về tâm hồn, về lý tưởng; trong mọi tình huống dù là lúc gian nan, nguy khốn hay những cám dỗ tầm thường đều không bị lung lay, lệch lạc về tinh thần và thể xác.


Hai là, ứng xử đối với nhân dân, đối với bạn bè. Người luôn tôn trọng, yêu thương con người. Việc Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời để đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc; hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; hòa bình, đoàn kết, hữu nghị cùng phát triển cho nhân loại thể hiện phong cách ứng xử đó. Trong quá trình thực hiện mục tiêu, lý tưởng lớn lao ấy, Người luôn chân tình, gần gũi, thân thiện với nhân dân, với bạn bè. Người đã viết: “Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ”. Cho nên, Người luôn được đón nhận như người thân trong các gia đình, như người cha, người bác trong mỗi dòng họ; nhờ đó đã có cả một dân tộc lấy tên của Người để làm dòng họ cho dân tộc.

Trong ứng xử với nhân dân và bạn bè, Hồ Chí Minh luôn rất mực giản dị, khiêm tốn và lịch thiệp: “Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt”. Đồng thời ứng xử linh hoạt, chủ động, biến hóa. Hồ Chí Minh được nhân dân và bạn bè quốc tế mến mộ, nể phục bởi sự linh hoạt, tinh tế, luôn chủ động và biến hóa trong ứng xử.


Ba là, trong ứng xử với kẻ địch, với những người lầm đường lạc lối, Hồ Chí Minh luôn cương quyết nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng. Người đã viết: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù” từ mục tiêu ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hòa bình thế giới”.


Bốn là, trong ứng xử với công việc luôn siêng năng, tận tụy. Chỉ hai bàn tay trắng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân; hy sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân. Kết quả là Người đã gặp Chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá con đường cách mạng đó về Việt Nam. Dưới sự sáng lập và lãnh đạo của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập cho dân tộc, thống nhất nước nhà, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và đang phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu như ngày nay.


Trong thời gian qua, toàn lực lượng CAND đã thường xuyên học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhờ đó luôn được nhân dân tin yêu, giúp đỡ và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Tuy nhiên trong ứng xử của một số cán bộ, chiến sĩ, ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực sự làm cho nhân dân hài lòng, để lại những hình ảnh chưa thực sự mẫu mực. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những thiếu sót đó để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của CAND, li gián giữa Công an với nhân dân. Do đó toàn lực lượng cần xây dựng phong cách ứng xử theo phong cách Hồ Chí Minh như sau:

Thứ nhất là, xây dựng ý thức tự học tập, tự rèn luyện thường xuyên cho cán bộ, chiến sĩ trong ứng xử đối với bản thân.


Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải biết nghiêm khắc với bản thân, qua đó, một mặt tự mỗi cán bộ, chiến sĩ vừa biết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và những ham muốn cá nhân; mặt khác vừa có tri thức, có sức khỏe, có kinh nghiệm để giải quyết hiệu quả các công việc được giao.


Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như ngày nay đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc tự học tập và rèn luyện của mọi cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần phát động các phong trào để khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự học tập, rèn luyện trau dồi đạo đức, lối sống theo phong cách ứng xử với bản thân của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã dạy CAND, “đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”, đó chính là chuẩn mực để cán bộ, chiến sĩ ứng xử với bản thân. Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ biết yêu mình, cũng là biết yêu người khác, biết yêu công việc là biết đổi mới, sáng tạo trong công việc; biết tiết kiệm của cải và thời gian, liêm khiết không bị mặt trái của kinh tế thị trường cám dỗ, việc đúng nếu nhỏ cũng phải làm bằng được, nếu sai dù nhỏ cũng phải tránh… thì sẽ đạt đến các giá trị chân – thiện – mỹ trong ứng xử, khi đó sẽ được bạn bè, đồng nghiệp, nhân dân tin tưởng, quý trọng và giúp đỡ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.


Thứ hai là, xây dựng phong cách ứng xử chân tình, gần gũi, thân thiện; giản dị, khiêm tốn và lịch thiệp; linh hoạt, chủ động, biến hóa cho cán bộ, chiến sĩ trong ứng xử với nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp.


Cán bộ, chiến sĩ CAND thường xuyên phải tiếp xúc với nhân dân, do đó phong cách ứng xử với nhân dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng, qua đó vừa biểu hiện bản chất của CAND, vừa quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của toàn lực lượng. Đối với nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp, CAND cần ứng xử chân tình, gần gũi, thân thiện, thực sự là chỗ dựa để mọi người yên tâm lao động, sản xuất và sinh hoạt sẽ tạo được niềm tin đối với nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp. Khi đó, nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp sẽ là chỗ dựa vững chắc của mỗi cán bộ, chiến sĩ và của toàn lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh đã dạy CAND trong ứng xử với nhân dân phải “kính trọng, lễ phép”, nghĩa là cách xưng hô đúng mực, là thái độ cầu thị, hòa nhã với nhân dân; biết kính già, yêu trẻ. Đối với đồng nghiệp theo Hồ Chí Minh, “Phải thân ái, giúp đỡ”, nghĩa là phải thương yêu, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau, sống với nhau có tình, có nghĩa, thân ái giúp đỡ với đồng chí, đồng đội cùng chiến đấu, cùng lực lượng và cả những người cùng chung mục đích, lý lưởng vì độc lập, tự do của Tổ quốc và cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân.


Trong bối cảnh mới, do tác động từ môi trường xã hội, từ cuộc sống, một số cán bộ, chiến sĩ đã tự vượt khỏi phạm vi quy định của điều lệnh, nội vụ, đã sống xa hoa, lãng phí; cầu kì, kiểu cách; muốn thể hiện hơn người khác, nhất là trong các khu dân cư, điều đó đã làm mất đi hình ảnh đẹp, phong cách ứng xử nhân văn của toàn lực lượng. Cho nên, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự rèn luyện cho mình phong cách ứng xử giản dị, khiêm tốn và lịch thiệp.


Nhân dân, bạn bè, đồng nghiệp đều có thể bị thay đổi rất nhanh theo các chiều hướng do sự tác động của mặt trái của cơ chế thị trường và công nghệ hiện đại, do đó cán bộ, chiến sĩ CAND phải ứng xử linh hoạt, chủ động, biến hóa trong mọi tình huống, để một mặt ứng xử phù hợp với những phát sinh mới với cả những yếu tố tích cực hoặc tiêu cực của nhân dân, bạn bè và đồng nghiệp; mặt khác là để giữ mình, không bị cuốn theo những cái xấu, cái thấp hèn từ xã hội, người thân, bạn bè…


Thứ ba là, xây dựng phong cách ứng xử cương quyết nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng với các đối tượng đấu tranh, lầm đường lạc lối.


Cán bộ, chiến sĩ phải có thái độ cương quyết, cứng rắn, tinh thần vững vàng, không thỏa hiệp, không nhân nhượng, không để tội phạm mua chuộc, dụ dỗ; cương quyết không để kẻ địch phá hoại, bọn tội phạm xâm hại đến lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân. “Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng”.


Thứ tư là, xây dựng phong cách ứng xử siêng năng, tận tụy với công việc cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.


Chỉ có siêng năng, tận tụy trong công việc mới đúc kết cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trưởng thành trong nhân cách, mới tạo được uy tín trong đồng chí, đồng đội và trong nhân dân, khi đó mới trưởng thành trong sự nghiệp. Điều quý trọng nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là: Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân….


Hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường tác động rất mạnh vào lợi ích cá nhân, điều đó rất dễ làm lung lay, giao động về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử của một số cán bộ, chiến sĩ. Trước tình hình đó, cần đẩy mạnh công giáo dục giúp cho cán bộ, chiến sĩ phải biết tự vấn lương tâm để điều chỉnh hành vi ứng xử với bản thân, với nhân dân, đồng chí, đồng đội.


Cán bộ, chiến sĩ phải biết dừng, biết đủ, biết trăn trở, suy nghĩ trước những lợi ích, trước các hành vi, để ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và khi đó sẽ trở thành tấm gương xấu, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng vào lực lượng CAND.


Do đó, cần quán triệt nội dung công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong công tác xây dựng lực lượng trong tình hình hiện nay: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”.

PGS,TS. Vi Thái Lang – Học viện Chính trị CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét