Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Tác động của toàn cầu hóa đến lối sống của người Việt Nam hiện nay

Có thể nói, toàn cầu hoá là một hiện tượng đột phá, mang tính cách mạng, làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân loại trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Sự xoá mờ ranh giới giữa các quốc gia, sự co hẹp khoảng cách địa lý đã đẩy nhanh tốc độ biến đổi về cấu trúc kinh tế - chính trị trong quan hệ liên quốc gia, đa quốc gia, kéo theo những chuyển đổi mạnh mẽ về đời sống văn hoá – xã hội của nhân dân khắp thế giới. Một mặt, toàn cầu hoá phá vỡ những cấu trúc theo khuôn khổ bị ràng buộc bởi cái gọi là biên giới quốc gia. Một mặt khác, toàn cầu hoá thiết lập mục tiêu về một thế giới phẳng, một thế giới không ngừng giao lưu, học hỏi và kết nối. Về lối sống của người Việt Nam, là những nét điển hình được lặp đi, lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống, cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc hay cả nền văn hóa. Lối sống của con người Việt Nam là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người; là những giá trị văn hóa, những mô hình và phương thức ứng xử được đa số cá thể của một cộng đồng người xác định nào đó chấp nhận và hiện thực hóa trong hoạt động sống hằng ngày của họ. Trong số đó có cả những giá trị, những truyền thống và những cách ứng xử được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng cũng bao gồm cả những giá trị ngoại sinh, những cách ứng xử và những biểu tượng… ngoại nhập”. Người Việt Nam luôn tự hào về: Lối sống trọng tình, trọng nghĩa. Dường như, triết lý duy tình thấm đậm trong dòng máu, tư duy người Việt, chi phối hành vi, thái độ, cách ứng xử của người Việt xưa đến mức dù có khúc mắc, có “Đưa nhau đến trước cửa quan” thì vẫn “Bên ngoài là lý, bên trong là tình”. Và họ vẫn nhắc nhau “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”;... Lối sống thương người như thể thương thân, “tình làng, nghĩa xóm”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Thấy nhau sa cơ, lỡ vận, hoạn nạn, sẵn sàng “sớt cơm, chia áo” đùm bọc nhau, “Thấy ai đói rách thì thương. Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”. Rồi họ nhắc nhở nhau “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Lối sống cần cù, tiết kiệm “đến mức anh hùng tột bậc”. Có lẽ vậy, ông cha ta luôn căn dặn lớp cháu con rằng: phải “năng nhặt chặt bị”, phải “tích cốc phòng cơ”, phải “ăn dè hà tiện”, không nên“vung tay quá trán”, “ném tiền qua cửa sổ”. Lối sống gắn bó với thiên nhiên, hài hoà, yêu thiên nhiên đã làm phong phú tâm hồn người Việt “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây”. Môi trường thiên nhiên hiện hữu trong mọi góc cạnh của đời sống sinh hoạt của người Việt. Từ lao động sản xuất đến nảy nở tình yêu, cuộc sống lứa đôi, nề nếp gia đình… “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát/ Đứng bền tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông/ Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Và cũng chính thiên nhiên đã tạo cho người Việt đức tính ôn nhu, nhã nhặn, khiêm nhường. Lối sống nhường nhịn, thuận hoà với triết lý “trên thuận dưới hoà”, “Lọt sàng xuống nia”, “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”… Lối sống nhân nghĩa, bao dung và tinh thần hoà hiếu. “Có câu tích đức tu nhân/ Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri”; “Đường mòn nhân nghĩa không mòn”… Vì vậy, dân tộc Việt Nam luôn tự hào ngân vang tinh thần bất diệt “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo…”. Triết lý nhân sinh và lối sống nhân nghĩa còn được hiện thực hoá qua cách ứng xử nhân văn với những kẻ thù bại trận: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh”. Tuy nhiên, dưới tác động của toàn cầu hóa, lối sống của người Việt Nam hiện nay đang có nhiều thay đổi. Sự du nhập văn hoá phương Tây với những quan niệm về giá trị sống, phong cách sống, lối sống mới, một mặt, tác động tích cực đến việc làm thay đổi lối sống khép kín, cam chịu, phụ thuộc vốn có của người Việt Nam sang một lối sống cởi mở, năng động, tự lập, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với xu thế thời đại. Mặt khác, làm phương hại đến giá trị sống truyền thống và văn hoá truyền thống của người Việt. Cụ thể như: - Tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam theo hướng tích cực. Có thể nói, để thích ứng với môi trường toàn cầu hoá, con người phải sáng tạo, năng động và có khả năng thích ứng nhanh với sự biến động của xã hội, thời cuộc, sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây là thời cơ, cũng là thách thức lớn, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện bản thân, tích cực, sáng tạo, chủ động tiếp cận và biến đổi hoàn cảnh. Nhận thức rõ điều đó, người Việt Nam đã chủ động học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức cần thiết của thời đại công nghiệp, hiện đại. Rèn luyện phong cách làm việc công nghiệp, lối sống trách nhiệm, chủ động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, ý thức kỷ luật, tự giác, nỗ lực vươn lên. Lối sống, do đó, có sự chuyển mình tích cực. Lối sống của người Việt hiện nay không còn bó hẹp trong sinh hoạt, giao tiếp gia đình. Các quan hệ giao lưu xưa thường diễn ra trong môi trường quen thuộc như: cây đa, bến nước, sân đình. Đã được mở rộng theo nhu cầu văn hoá với các địa điểm mới, rộng mở hơn, vượt qua ranh giới làng, xóm, huyện, tỉnh, đến liên tỉnh, quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Tầm nhìn, tư duy cũng được khai phá nhiều chiều. Đây có lẽ là một trong những tác động tích cực nhất của toàn cầu hóa đến lối sống người Việt. "Việc soi chiếu các giá trị đạo đức dưới góc độ cá nhân, phẩm chất cá nhân" cho phép người Việt củng cố giá trị sống nhân văn, hướng tới cái Chân – Thiện – Mỹ. - tác động của toàn cầu hoá đến lối sống của người Việt Nam theo hướng tiêu cực. Đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Nhiều bài viết, hội thảo, tọa đàm, trao đổi về vấn đề sự xuống cấp đạo đức, sự lệch lạc trong lối sống của một bộ phận người dân. Toàn cầu hóa, với những tác động nhiều chiều khiến quan niệm sống, đặc biệt của giới trẻ có phần “bung mở”, rộng rãi, phóng túng, thậm chí cuồng loạn, coi thường giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xem nhẹ tình thân, ruột thịt. Hiện tượng con đánh cha mẹ, tước đoạt mạng sống cha mẹ; anh em giết hại lẫn nhau, gây cảnh “nồi da xáo thịt”; vợ chồng âm mưu ám hại, nhau; cha mẹ sẵn sàng quăng bỏ con cái vì sự vướng bận, cản trở; hàng xóm láng giềng toan tính, lừa đảo lẫn nhau; đồng nghiệp tìm cách hạ bệ nhau, làm giảm uy tín, danh dự lẫn nhau… không còn là những biểu hiện mang tính cá biệt, mà đang hiện hữu trên mọi góc, mọi vùng, miền của dải đất hình chữ S hàng ngàn năm lịch sử. Lối sống trọng tình, trọng nghĩa; thương người như thể thương thân; gắn bó với thiên nhiên; cần cù, chịu khó; thuận hoà; nhân nghĩa vẫn được gìn giữ song không tránh khỏi sự thật bị tổn hại, xâm phạm. Toàn cầu hoá như một dòng chảy lạ tràn qua biên giới quốc gia, phủ ngập, cuốn trôi bao giá trị truyền thống, làm xáo trộn, đảo lộn sự thanh bình trong lối sống thôn quê. Trong bối cảnh toàn cầu hoá ấy, con người bỗng trở nên lạnh lùng hơn, vô cảm hơn, đời sống tinh thần, tình cảm của họ bỗng trở nên máy móc và “kỹ thuật” hơn. Dường như, dòng chảy toàn cầu hoá đẩy con người tiệm cận nhanh hơn với những lợi ích cá nhân, với chủ nghĩa kim tiền, lối sống thoáng, sống gấp, sống hưởng thụ. Thêm vào đó, phương tiện vật chất phục vụ cuộc sống con người, làm cho cuộc sống con người tiện nghi hơn, dễ dàng khiến họ quên đi bài học ứng xử mang giá trị nhân văn đích thực giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, môi trường sống. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay không phải là chống lại toàn cầu hoá mà thuận theo, hoà nhập trong dòng chảy toàn cầu hoá nhưng không thể hoà tan. Gìn giữ, đề cao, phát huy những giá trị văn hoá người Việt, những giá trị làm nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam và đất nước Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét