Thực hiện quan điểm Hồ
Chí Minh về bảo đảm an ninh nông thôn
(LLCT) - Bài viết trình bày những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về an ninh nông thôn và mục tiêu, giải pháp bảo đảm an ninh nông thôn; từ đó, rút ra định hướng vận dụng vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh nông thôn của các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân.
1. Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân, đặc
biệt là giai cấp nông dân, chủ trương và chỉ đạo thực hiện các biện pháp đồng
bộ để bảo đảm cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, cũng có nghĩa là một cuộc sống
an ninh, an toàn, thịnh vượng của nhân dân ở các vùng nông thôn. Quan điểm của
Người về bảo đảm an ninh nông thôn tuy chưa được nghiên cứu, tìm hiểu một cách
chuyên biệt, rộng rãi, song có thể khái quát thành những luận điểm cơ bản, có ý
nghĩa định hướng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, với công
tác bảo đảm an ninh nông thôn nói riêng.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về “an ninh nông thôn” thường được biểu đạt bằng
các cụm từ “nông thôn mới”, “nông thôn kiểu mẫu”, “trật tự trị an ở nông thôn”,
“bảo vệ sản xuất”, “bảo vệ nông thôn”...
Theo Người, an ninh nông thôn có nghĩa chung nhất là sự phát triển ổn định
và bền vững về mọi mặt đời sống của người nông dân, ở các vùng nông thôn của
đất nước. Về kinh tế, đó là việc người nông dân có cuộc sống đủ ăn, đủ mặc,
được đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhà ở, ruộng đất canh tác. Đau lòng trước “Tình
cảnh nông dân An Nam”, năm 1924, Người vạch trần tội ác của chế độ thực dân:
“Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước
Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ
ấy một cách thảm hại hơn: Là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ
bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản”(1). Đồng thời,
Nguyễn Ái Quốc phân tích các thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất tinh vi của các quan
cai trị người Pháp, bọn phong kiến và nhà thờ. Trong bài viết Tình cảnh nông
dân Trung Quốc, Người cho thấy đó là đặc điểm chung của chủ nghĩa thực dân ở
các nước thuộc địa, cũng là số phận chung của người nông dân cùng khổ. Theo đó,
muốn đem lại cuộc sống tốt đẹp, no ấm hơn cho người nông dân, “phải tiến hành
mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần
chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng
thực hiện được khẩu hiệu “Tất cả ruộng đất về tay nông dân!”(2).
Quan điểm này đã trở thành mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam, được
Đảng ta khẳng định trong Chính cương, Sách lược vắn tắt của Đảng: “làm tư sản
dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người khẳng định phải tiếp tục
phát huy thành quả cách mạng bằng việc chăm lo cái ăn, cái mặc cho người dân,
bởi lẽ nếu nước được tự do, độc lập mà dân cứ đói, rét thì tự do, độc lập cũng
không có ý nghĩa gì. Dân chỉ thực sự biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà
dân được “ăn no, mặc đủ”. Trong các bài “Thêm vài ý kiến về tết trồng cây” (năm
1960) và “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” (năm 1965), với bút
danh Trần Lực, Người chủ trương xây dựng “nông thôn mới” với việc giải quyết
một trong những nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người nông dân là nhà ở, thông
qua phong trào “tết trồng cây”.
Nông thôn an ninh, an toàn theo Hồ Chí Minh còn có nghĩa là nhu cầu văn hóa
tinh thần của người nông dân cơ bản được đáp ứng, trình độ dân trí ngày càng
được nâng cao, người dân biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản
xuất và đời sống. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, muốn
cho dân mạnh, nước giàu, mỗi người dân phải biết rõ trách nhiệm, bổn phận,
quyền lợi của mình đối với nước nhà, và trước hết, phải biết đọc, biết viết chữ
quốc ngữ. Vì vậy, phong trào Bình dân học vụ đã được Người chỉ đạo phát triển
rộng khắp, nhanh chóng ngay khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời, xóa
được nạn mù chữ trong nhân dân, chủ yếu là nông dân - một hệ lụy trực tiếp của
xã hội thực dân - phong kiến. Cùng với đó, phong trào xây dựng “Đời sống mới”
mang nội dung cải cách toàn diện đời sống, sinh hoạt văn hóa, phong cách, lề
thói làm việc được phát động và tiến hành.
Trong sản xuất, Người kêu gọi nông dân đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật ở các
khâu thủy lợi, phân bón, giống và nông cụ. Người đặt vấn đề: “các cô, các chú
có muốn tiến bộ không? Muốn tiến bộ phải làm gì? Phải học. Ngày nay không phải
học để có bằng cấp, để thoát ly sản xuất. Phải học chính trị, học văn hóa, học
kỹ thuật để nâng cao hiểu biết. Bởi vì công, nông nghiệp của ta ngày càng tiến
bộ thì người công nhân, người nông dân, người lao động trí óc phải ngày càng
tiến bộ mới làm được tốt”(4).
Về chính trị, an ninh nông thôn được hiểu là quyền làm chủ của người nông
dân trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của họ. Nông dân
phải được tham gia bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất về việc ban hành các
chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ; trực tiếp góp ý xây dựng chính
quyền ở địa phương, cơ sở và thực hiện quyền dân chủ trong xây dựng Nhà nước;
trực tiếp tham gia bầu cử, ứng cử. Trong bài “Phát động quần chúng” (năm 1953,
bút danh C.B), Hồ Chí Minh khẳng định: Phải “đưa quyền lợi kinh tế và chính trị
lại cho nông dân, làm cho nông dân được giảm tô, giảm tức, có ruộng cày, được
thật thà nắm chính quyền”(5). Bần nông và cố nông là vô sản trong
nông thôn, là quần chúng chủ lực của cách mạng, là đồng minh chắc chắn nhất của
giai cấp công nhân, vì vậy, phải thực hiện đường lối quần chúng, tổ chức chặt
chẽ và rộng khắp lực lượng to lớn của quần chúng nông dân, nâng cao địa vị của
họ ở nông thôn...
Về quốc phòng - an ninh, cách diễn đạt của Hồ Chí Minh về nông thôn an
ninh, an toàn, đồng thời thể hiện quan điểm của Người về an ninh nông thôn theo
nghĩa hẹp, tức là an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, cho
cuộc sống của người nông dân. Đó là nơi mà mọi người dân tích cực tham gia vào
việc chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, chủ động phòng chống
gián điệp, biệt kích xâm nhập, ngăn ngừa các hành vi trộm cắp, bạo loạn, phá
hoại sản xuất và đời sống của nhân dân. Quan điểm này phản ánh quy luật tất yếu
đã được ông cha ta đúc kết từ ngàn đời: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Hồ
Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: “Để giữ lấy quyền lợi của mình, nông dân phải
tổ chức thi đua tăng gia sản xuất. Phải tổ chức dân quân du kích hẳn hoi, để đề
phòng giặc Pháp và Việt gian phá hoại. Phải hăng hái tham gia công việc kháng
chiến, để giữ nhà, giữ làng, giữ nước”(6); “phải củng cố chính quyền
nhân dân, củng cố các tổ chức của nhân dân, trong đó phải đặc biệt chú ý tổ
chức công an và dân quân du kích, vì công an, dân quân du kích có nhiệm vụ giữ
gìn trật tự an ninh ở địa phương. Có giữ gìn trật tự trị an, nhân dân mới an cư
lạc nghiệp, tăng gia sản xuất”(7).
Trong bảo đảm an ninh trật tự, việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích dân
tộc và lợi ích giai cấp, giữa độc lập dân tộc và đấu tranh giai cấp là một vấn
đề phức tạp, khó khăn mà không phải Đảng Cộng sản nào, lãnh tụ và phong trào
cách mạng nào cũng có thể xử lý thành công. Với Hồ Chí Minh, Người đã khéo léo
gắn kết giữa lợi ích giai cấp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, lấy điểm
tương đồng là lợi ích chung của đất nước làm điểm quy tụ các lực lượng, giai
tầng, người thuộc tôn giáo, đảng phái khác nhau trong suốt quá trình kháng
chiến. Khi giám mục Lê Hữu Từ của Giáo xứ Bùi Chu - Phát Diệm được thụ phong
(tháng 8-1945), Người đã gửi thư chúc mừng và mời ông làm cố vấn cao cấp của
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người rất tinh tế gắn kết giáo lý
đạo Kitô, tấm gương cuộc đời của đức Giêsu với lý tưởng và đạo đức của người
cộng sản. Người nói với Giám mục Lê Hữu Từ: Nếu đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời
đại của chúng ta và đặt mình trước những nỗi đau khổ của nhân loại, chắc chắn
Người sẽ là một người XHCN đi tìm con đường cứu khổ cho chúng sinh... Khi giáo
dân theo lời kêu gọi của Giám mục tụ tập đông người kéo đến trụ sở chính quyền,
có nguy cơ bùng phát thành bạo loạn; dù đường xa, đêm muộn, Chủ tịch Hồ Chí
Minh vẫn gấp rút đi ngay.
Trước đồng
bào, Người nắm tay Giám mục và nhận ông là người bạn thân của mình. Người gặp
gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và thuyết phục được bà con
giải tán... Tư duy, phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh trong những trường hợp
như vậy rất cần được suy ngẫm, học hỏi, vận dụng khi giải quyết các “điểm
nóng” về chính trị - xã hội ở nông thôn hiện nay. |
|
Hồ Chí Minh khẳng định, mục tiêu bảo đảm an ninh
nông thôn chính là đem lại cuộc sống ngày càng được nâng cao và bền vững về
mọi mặt: kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng - an ninh cho người nông
dân, ở các vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, con người mới và
xã hội mới - xã hội XHCN |
2. Từ quan điểm cơ bản về an ninh nông thôn, Hồ Chí Minh đã chỉ ra hệ
thống mục tiêu, phương hướng và giải pháp để bảo đảm an ninh nông thôn, với
những luận điểm cụ thể như sau:
- Về mục tiêu của bảo đảm an ninh nông thôn: Nhất quán với mục
tiêu của cả cuộc đời Người, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập,
dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được
học hành”(8), với mục tiêu của CNXH mà Người thường biểu đạt
một cách mộc mạc, giản dị là “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; Hồ
Chí Minh khẳng định, mục tiêu bảo đảm an ninh nông thôn chính là đem lại cuộc
sống ngày càng được nâng cao và bền vững về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, chính trị,
quốc phòng - an ninh cho người nông dân, ở các vùng nông thôn, góp phần xây
dựng nông thôn mới, con người mới và xã hội mới - xã hội XHCN.
- Định hướng, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng thông qua hệ thống chính trị.
Trong bài Phát động quần chúng (năm 1953), Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm: Việc
huy động sức mạnh của nông dân phải do Đảng và Chính phủ thực hiện, “phải theo
thật đúng chính sách của Đảng, của Mặt trận và Chính phủ”. Công tác giữ gìn
trật tự trị an lại càng phải quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng:
“Trong thời kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, các đồng chí bộ đội, công an
võ trang và dân quân đã giữ gìn tốt trật tự trị an. Đồng bào được an cư lạc
nghiệp. Như vậy là tốt. Nhưng chớ chủ quan khinh địch... Cần đoàn kết nhân dân,
luôn luôn dựa vào lực lượng của nhân dân; phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn
để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho”(9).
Bên cạnh đó, “nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân
và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương. Bởi vì nếu chính quyền
nhân dân và tổ chức nhân dân ở các địa phương lỏng lẻo thì những chính sách của
Đảng và của Chính phủ đưa ra thi hành không đến nơi đến chốn”(10).
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc hệ
thống chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ... phải trở thành
“cánh tay đắc lực của Đảng”. Cần chú trọng phát huy vai trò của Hội Nông dân.
Theo Hồ Chí Minh, Hội Nông dân trong “Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự lãnh
đạo của Đảng, phải trở thành những đội quân vững mạnh của mười mấy triệu nông
dân lao động trong công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giáo dục
tư tưởng và xây dựng nông thôn phồn thịnh của nước ta”(11).
Thứ hai, khơi dậy, động viên tính tích cực, tự giác của mỗi người trong phong trào
bảo vệ trật tự, trị an nói riêng, xây dựng nông thôn mới nói chung. Quán triệt
quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”,
ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chủ trương dựa vào
sức mạnh to lớn của nhân dân, trước hết là nông dân, lực lượng đông đảo
nhất trong xã hội. Người khẳng định: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ
phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc
bọn đại địa chủ và phong kiến”, “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức,
trung nông”(12). Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, Người càng
đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân: “Nhiệm vụ của Công an là: Bảo
vệ nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, tẩy trừ những kẻ gian tế. Muốn làm tròn
những nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang ấy, Công an cần phải đoàn kết nhân dân, tổ
chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân”(13).
Ở những nơi tập trung đông quần chúng tín đồ các tôn giáo, công tác vận
động quần chúng càng phải được quan tâm, có hình thức, phương pháp vận động phù
hợp, tránh thái độ thành kiến, kỳ thị: “Nói phát động quần chúng, phải nói đến
đồng bào công giáo. Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào công giáo là lạc
hậu, là khó vận động. Nói vậy là sai”(14). Hồ Chí Minh cũng yêu cầu
mỗi người dân cũng phải tự ý thức được trách nhiệm của mình là tham gia vào
cuộc đấu tranh này dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn, huy động của lực
lượng công an: “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc
gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền, giữ gìn trật tự an ninh vì trật tự an
ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích của bản thân mỗi người”(15). Hồ
Chí Minh đúc kết trong lời dạy khi đến thăm Trường Công an trung cấp khóa II,
năm 1951: Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì
thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn...
Thứ ba, bảo đảm an ninh nông thôn theo cách hiểu chung nhất là trách nhiệm của
Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Bảo đảm an ninh nông thôn
theo nghĩa hẹp lại đặc biệt đòi hỏi lực lượng chuyên trách là Công an nhân dân
phải phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của mình, thông qua nhiều biện pháp
khác nhau, trong đó cần chú trọng tuyên truyền, vận động quần chúng, tạo thế
trận an ninh nhân dân ở các vùng nông thôn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ gìn
trật tự an ninh trước hết là công việc của công an, bộ đội, cảnh sát”(16);
và chỉ dẫn: “Chống tình báo địch bằng cách nào? Cũng như muôn việc khác, việc
chống tình báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và
chiến sĩ không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên
truyền, giáo dục cho nhân dân giữ bí mật”(17). Người nêu ví dụ: Ở
khu giải phóng Việt Bắc, bà con nông dân gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí
mật, theo khẩu hiệu “ba không” nhờ được tuyên truyền, giải thích rõ... Hồ
Chí Minh khẳng định: “Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là công việc
của công an, bộ đội, cảnh sát(16); và chỉ dẫn:
“Chống tình báo địch bằng cách nào? Cũng như muôn việc khác, việc chống tình
báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và chiến sĩ
không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên truyền,
giáo dục cho nhân dân giữ bí mật”(17). Người nêu ví dụ: Ở khu giải
phóng Việt Bắc, bà con nông dân gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí mật, theo
khẩu hiệu “ba không” nhờ được tuyên truyền, giải thích rõ...
3. Vận dụng những luận điểm của Hồ Chí Minh về an ninh nông thôn, trong
bảo đảm an ninh nông thôn hiện nay, các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia mà
nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân cần chú ý thực hiện một số vấn đề sau
đây:
Một là, nhận thức đúng đắn, toàn diện về an ninh nông thôn và vai trò, ý nghĩa
của việc bảo đảm an ninh nông thôn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Gắn kết chặt chẽ
giữa an ninh, an toàn vùng nông thôn về chính trị với các vấn đề kinh tế, văn
hóa, xã hội. Coi việc bảo đảm an ninh nông thôn theo nghĩa rộng - nâng cao dân
trí, đáp ứng đầy đủ nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh, chú trọng giáo dục
chính trị tư tưởng cho bà con nông dân; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững
mạnh, gần dân, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ; chăm lo đời sống vật chất, phát
triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, xây dựng thành công nông thôn
mới... là nền tảng, động lực để phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với
các nguy cơ gây bất ổn về chính trị, trật tự an toàn xã hội, tức là bảo đảm an
ninh nông thôn theo nghĩa hẹp. Thực hiện an ninh nông thôn để đóng góp trực
tiếp, quyết định vào thành công của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước theo quan điểm chỉ đạo của Đảng từ Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VIII (năm 1996), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (năm 2008).
Hai là, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở các vùng nông thôn ban hành, bổ
sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù
hợp với đặc điểm thực tiễn địa bàn, địa phương, nhu cầu và nguyện vọng của nhân
dân, với mục tiêu cao nhất, nói như Hồ Chí Minh, là “không ngừng nâng cao đời
sống của nhân dân” về mọi phương diện; đặc biệt là các chính sách về đất đai,
nhà ở, điều kiện sản xuất và các vấn đề an sinh xã hội khác (chính sách với người
có công với cách mạng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai...). Bên cạnh đó,
trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức được tầm
quan trọng và quan tâm chỉ đạo giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề an ninh “phi
truyền thống” như môi trường, lương thực, nguồn nước, văn hóa - tư tưởng...;
tính toán tích hợp các định hướng, giải pháp cho các vấn đề nêu trên vào chính
sách, quy hoạch chung. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, quán triệt
và thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII trong mọi
hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(18); có phương án phòng ngừa và
diễn tập xử lý tình huống phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự, xảy ra bạo
loạn, biểu tình.
Ba là, để góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các
vùng nông thôn, lực lượng công an cần tích cực, chủ động vận dụng kết hợp các
biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó chú trọng
biện pháp vận động quần chúng, xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân bảo
vệ an ninh Tổ quốc”. Phối hợp và thông qua các tổ chức chính trị - xã hội,
trước hết là Hội Nông dân để tuyên truyền, vận động quần chúng. Ở những vùng
nông thôn có thêm yếu tố dân tộc, tôn giáo hoặc thuộc vùng sâu, vùng xa, biên
giới, hải đảo..., với những nét đặc thù, công tác “dân vận” phải kết hợp khoa
học, hài hòa các phương châm, hình thức, biện pháp, lực lượng... nhằm phản ánh,
giải quyết được các vấn đề đặc thù đó. Xây dựng và sử dụng mạng lưới cộng tác
viên, tạo cơ sở chính trị vững chắc trong quần chúng nhân dân để được nhân dân
giúp đỡ giữ gìn bí mật công tác, phát hiện và đấu tranh kịp thời với các loại
tội phạm và hành vi phạm tội.
Bốn là, bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, an ninh nông thôn nói riêng là sự
nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó
Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng lực lượng
Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(19); đẩy mạnh thực hiện
các cuộc vận động “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”,
“Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”; đổi mới, sắp
xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó,
để góp phần tăng cường đội ngũ và sức mạnh của lực lượng công an xã, bảo đảm đây
là lực lượng được đào tạo chính quy, gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân, “hòa
mình với quần chúng thành một khối” và được quần chúng nhân dân tin yêu, giúp
đỡ; công tác đào tạo trong Công an nhân dân cần được tích cực đổi mới với định
hướng chú trọng trang bị kiến thức thực tiễn, năng lực tư duy, phương pháp và
kỹ năng công tác (đặc biệt là kỹ năng dân vận) cho cán bộ, chiến sĩ.
Nguồn: TS LÊ THỊ HIỀN LƯƠNG
Trường
Đại học An ninh nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét