Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM!


“Tiếng hát át tiếng bom” là một tên gọi đã đi vào lịch sử của một đoàn văn công ở thời kỳ mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đó là năm 1967.
Lúc đó Phó thủ tướng Chính phủ Phan Trọng Tuệ với mục đích lấy nghệ thuật làm đòn bẩy và là mũi nhọn tấn công vào kẻ địch, ông đã quyết định thành lập đội văn công có tên gọi mà tên gọi này nêu rõ mục đích và hành động cụ thể đó là “Tiếng hát át tiếng bom” nhằm hướng về mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn đó.
Những người nghệ sĩ trong thời kỳ đó đã đứng vào vị trí là người truyền lửa. Ở đây là truyền lửa cho phong trào hết mình vì tiền tuyến, truyền lửa để chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc thân yêu. Ngọn lửa vẫn cháy lên ngay khi thể xác các anh đã hòa vào đất mẹ, và ngọn lửa của tình yêu quê hương, đất nước đã hòa vào những bài ca bất hủ mà bây giờ gọi là những bài ca cách mạng.
Trong cuộc tọa đàm “Văn hóa quân sự Việt Nam” do Thư viện Quân đội tổ chức, nhà nghiên cứu Dương Xuân Đống, giảng viên bộ môn Lịch sử quân sự (Học viện Quốc phòng) khẳng định: “Không phải nước nào cũng có văn hóa quân sự như ở Việt Nam. Do điều kiện lịch sử mà dân tộc ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập dân tộc. Theo tôi, văn hóa quân sự Việt Nam thực chất là văn hóa giữ nước Việt Nam”.
Những giai điệu có sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, từ những tiếng hát của các nghệ sĩ trong đoàn văn công. Chính vì vậy ở thời điểm đó, cứ ở tuyến đường nào mà địch đánh phá ác liệt nhất thì tiếng hát lại được cất lên từ đó. Cầu bị đánh sập: Hát; đường bị phá hủy vẫn hát; xe pháo bị sa lầy thì vừa kéo vừa hát…
Hơn nữa, ngay cả những lúc cam go nhất, tức là khi các chiến sĩ bị thương phải cắt đi một phần thân thể mình mà không có thuốc gây mê thì tiếng hát cũng được cất lên để xoa dịu nỗi đau của người chiến sĩ. Chính vì tinh thần văn nghệ sôi động đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho người chiến sĩ bước vào cuộc chiến đấu chống quân thù.
Đánh giá về phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: Chưa bao giờ trong thời kỳ chiến tranh của chúng ta lại được chứng kiến sự lãng mạn được cất cánh từ những nơi mà sự sống và cái chết không còn ranh giới. Chiến trường càng ác liệt thì sự thăng hoa trong tinh thần của các chiến sĩ càng lên cao và mặt trận chính là nơi nuôi dưỡng những tiếng hát bay bổng đó.
Đến nay, nền văn hóa nghệ thuật nói chung hay phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của các văn nghệ sĩ vẫn vẹn nguyên giá trị là truyền lửa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo QĐND/ĐT-QP
Có thể là hình ảnh về 4 người và ngoài trời
2
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét