Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội

 

Thực tiễn hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của toàn quân nói chung, doanh nghiệp Quân đội nói riêng thời gian qua phản ánh sự tích cực, chủ động trong quán triệt, cụ thể hóa và vận dụng một cách sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Tuy nhiên, đó mới là kết quả quan trọng, bước đầu. Hiện nay, trước những tác động khó lường của thiên tai, dịch bệnh; chiến tranh thương mại, chế độ bảo hộ, độc quyền; xung đột vũ trang,... đòi hỏi toàn quân cần tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Doanh nghiệp Quân đội là lực lượng chủ chốt của Quân đội thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là tham gia phát triển kinh tế gắn với củng cố, nâng cao tiềm lực quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do có tính đặc thù cao và yêu cầu, nhiệm vụ, các doanh nghiệp Quân đội thường đứng chân trên khắp các địa bàn, nhất là khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược trọng yếu, vùng đặc biệt khó khăn và cả ở nước ngoài nên các doanh nghiệp khác ít hoặc không có điều kiện tham gia. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Quân đội luôn phát huy năng lực, tiềm năng, lợi thế để triển khai sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như: viễn thông, công nghệ thông tin; tài chính, ngân hàng; xây dựng và kinh doanh bất động sản; khai thác cảng biển và logistic; sản xuất cung ứng các sản phẩm quốc phòng, sửa chữa thiết bị quân sự,... qua đó, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của đội quân lao động sản xuất trong thực hiện quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng khu vực, địa bàn và cả nước.

Những năm gần đây, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai thực hiện cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội và đạt những kết quả tích cực. Nổi bật là, trên cơ sở triển khai thực hiện 03 Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xắp xếp, cơ cấu từ gần 300 doanh nghiệp ban đầu xuống còn 83 doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 20 công ty cổ phần; 60 doanh nghiệp được Chính phủ công nhận và công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh,... tạo động lực quan trọng để các doanh nghiệp Quân đội nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trước tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; xung đột quân sự Nga - Ukraine,... làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, các doanh nghiệp Quân đội luôn bám sát, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Chính phủ và quy định của Bộ Quốc phòng chủ động thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều đáng nói là, các doanh nghiệp Quân đội đứng chân sản xuất kinh doanh trên địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn và ở nước ngoài không chỉ duy trì, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại, làm cơ sở xây dựng lực lượng nòng cốt giúp địa phương nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng trên các địa bàn trọng yếu, mà còn mang ý nghĩa chính trị về quốc phòng, an ninh và đối ngoại sâu sắc, góp phần quảng bá hình ảnh và vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế, v.v.

Bốc xếp hàng hóa tại Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (tính đến ngày 31/12/2021), các doanh nghiệp Quân đội có vốn chủ sở hữu trên 234 nghìn tỉ đồng (tăng 5,2% so với năm 2020) được bảo toàn, phát triển. Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã trích quỹ đầu tư phát triển làm tăng nguồn vốn nhà nước lên thêm hơn 15 nghìn tỉ đồng. Công tác đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư năng lực mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Quân đội cơ bản được thực hiện đúng quy trình, thủ tục về quản lý đầu tư. Phần lớn các dự án sau đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng bước đầu đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu tăng năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, doanh thu đạt 268 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận đạt 43 nghìn tỉ đồng, (tính đến hết năm 2021), đạt 103,8% theo kế hoạch, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; bảo đảm tốt việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động; góp phần quan trọng giúp nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội. Tiêu biểu là các doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, các Tổng công ty: Xăng dầu Quân đội, Thành An, Trực thăng Việt Nam, Đông Bắc, 319, 789, Vaxuco và Công ty Tecapro, v.v. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Quân đội đã dành khoản ngân sách đáng kể đóng góp thực hiện chính sách an sinh xã hội, tri ân các gia đình chính sách, đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội1, góp phần tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được việc cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa chưa thật đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt; triển khai thực hiện còn chậm, còn biểu hiện ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa. Việc tổ chức sắp xếp có nơi, có lúc chưa tuân thủ đúng đề án đã được phê duyệt, tiến độ chậm so với kế hoạch. Các cơ chế, chính sách liên quan đến sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa được hoàn thiện đồng bộ và theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là về đất đai, cơ chế đối với cán bộ, nhân viên sau sắp xếp.

Thời gian tới, Đảng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một khâu đột phá chiến lược. Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội cần được đẩy mạnh hơn nữa. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ quản, lãnh đạo, chỉ huy các doanh nghiệp Quân đội cần quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng, có tính nguyên tắc nhằm đảm bảo cho việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội được thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Các ngành, đơn vị chủ quản, các doanh nghiệp Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong Quân đội, trực tiếp là Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Quyết định số 360/QĐ-TTg, ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành nghị quyết lãnh đạo ở cấp mình; trong đó, xác định rõ chủ trương, mục tiêu, kế hoạch, lộ trình và các biện pháp thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh việc hoàn thiện đề án, phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, kiện toàn tổ chức biên chế, giải quyết chính sách cho người lao động; xây dựng cơ chế lãnh đạo, hoạt động của cấp ủy, mô hình quản lý doanh nghiệp, sử dụng tài chính, tài sản, đất quốc phòng và định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp sau khi đổi mới, cơ cấu lại.

Quá trình thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các doanh nghiệp Quốc phòng cần bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phương án cơ cấu đã được phê duyệt; chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng nhưng khẩn trương, quyết liệt và có giải pháp toàn diện; phân rõ trách nhiệm của từng tổ chức, từng lực lượng trong thực hiện lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hóa,... tránh ỷ vào khó khăn, vướng mắc để trì hoãn, kéo dài thời gian. Gắn việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội với thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 08-NQ/QUTW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, v.v. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, triệt để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường. Cấp ủy, chỉ huy các doanh nghiệp Quân đội cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác chính sách trong việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại; ổn định đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp.

Hai làtiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 05 năm, giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với đặc điểm, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp Quân đội. Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp Quân đội đã hoàn thành việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, trước tình hình biến động mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, khu vực,... việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết - yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần căn cứ vào đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực; sự biến động của thị trường, chuỗi cung ứng,... để điều chỉnh kế hoạch, chỉ tiêu, mục tiêu sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Trong đó, coi trọng phát huy, tận dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ; tiềm năng, lợi thế của địa bàn, thị trường,... cùng các biện pháp đi tắt, đón đầu, để điều chỉnh, bổ sung chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Đồng thời, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của các cơ quan liên quan để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực. Quá trình thực hiện, mỗi doanh nghiệp Quân đội cần bám sát thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm: hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, các chỉ tiêu, kế hoạch Bộ giao; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu; bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống người lao động.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi cổ phần hóa, sắp xếp lại cần nghiên cứu xây dựng giải pháp, cơ chế để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, khẩn trương và minh bạch việc xử lý nhà, đất quốc phòng theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, các quy định có liên quan và quy chế đặc thù của hoạt động quân sự, quốc phòng.

Ba là, quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tương xứng; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Quân đội cần đầu tư đúng mức cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt cũng như lâu dài. Chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ với xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài bổ sung cho doanh nghiệp.

Trước xu hướng phát triển mới, để doanh nghiệp phát triển bền vững, việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh gắn với chuyển đổi số là nội dung cần được các doanh nghiệp Quân đội quan tâm đặc biệt. Vì vậy, bám sát chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phù hợp; chủ động tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại trên thế giới vào tất cả các lĩnh vực, như: lãnh đạo điều hành; các khâu sản xuất, kinh doanh; xuất khẩu công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, phấn đấu trong thời gian tới, các doanh nghiệp Quân đội phải thực sự tiên phong trong lĩnh vực này. Để đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp Quân đội đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến; gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ với hợp tác kinh tế quốc tế. Mở rộng khả năng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ngoài Quân đội, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước để phát huy được các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập.

Bốn làbám sát chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp Quân đội phải luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, đó là gắn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh với tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình cũng như khi có tình huống tác chiến xảy ra. Do đó, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh phải hướng vào nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, phòng thủ đất nước. Trước hết, các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực phục vụ quốc phòng và dân sinh. Đối với các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng cần đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cần gắn việc bảo đảm đời sống cho người lao động với xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh và “thế trận lòng dân” vững chắc. Riêng các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, bên cạnh chấp hành tốt pháp luật và quy định của nước sở tại cần không ngừng làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, gìn giữ và nâng cao hình ảnh, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam, doanh nhân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và đối tác hợp tác.

Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp trên, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chế độ, chính sách liên quan phù hợp với quy định của Nhà nước, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo chủ trương, lộ trình đã xác định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét