Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ (Cục Chính trị, Quân khu 7) tại TP Hồ Chí Minh những ngày này có nhiều khách tham quan hơn thường lệ. Nơi đây đang diễn ra Triển lãm “Uống nước nhớ nguồn, tri ân những người có công với cách mạng”.
Trong không gian khu trưng bày luôn rực sáng ánh đèn, hàng trăm hiện vật, kỷ vật, tư liệu, hình ảnh quý hiện ra đẹp mắt, sinh động. Khách tham quan chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu các hiện vật, kỷ vật và những câu chuyện cảm động phía sau những chứng tích lịch sử ấy.
Hạ sĩ Tiên Điền Long, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 77 (Quân khu 7), chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng ấn tượng về các hiện vật, kỷ vật, tư liệu phong phú, sinh động, được trưng bày trong bảo tàng. Hình ảnh trực quan và lời giới thiệu truyền cảm của hướng dẫn viên giúp chúng tôi hiểu hơn về những chiến công, những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả".
Nhân viên Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ giới thiệu, thuyết minh về sách, tư liệu lịch sử cho các chiến sĩ. |
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, công tác bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật, tư liệu còn mãi với thời gian, mà qua đó lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, về những anh hùng liệt sĩ mang phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì sự nghiệp cách mạng...
Những năm qua, tập thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ luôn nhận thức trách nhiệm lớn lao của mình và tự hào khi được làm công tác bảo tàng. Trò chuyện với nhiều cán bộ, nhân viên Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, chúng tôi đều cảm nhận được niềm đam mê, trách nhiệm đối với công việc của các anh, các chị. Với họ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện ở việc phát huy tốt các vai trò, chức trách, nhiệm vụ, ở những sáng kiến, sáng tạo trong công tác bảo tàng, gìn giữ các kỷ vật, hiện vật lịch sử.
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bảo tàng phải làm cho các kỷ vật, hiện vật ấy trở thành những biểu trưng của lịch sử hào hùng, tạo sự lan tỏa, giáo dục truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đối với khách tham quan. Những năm gần đây, tập thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ không ngừng phát huy trình độ chuyên môn, năng lực, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Thời gian qua, Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ đã chủ động tham mưu cho cơ quan cấp trên thực hiện 9 dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, xây dựng hai công trình tưởng niệm, tổ chức 78 cuộc triển lãm phục vụ hơn 500.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân. Trong 5 năm gần đây, đơn vị đã sưu tầm, tiếp nhận 1.451 hiện vật, hơn 5.000 hình ảnh, 940 sách tư liệu lịch sử; phục chế 100 hiện vật và 4.068 hình ảnh...
Với số lượng hiện vật, kỷ vật lớn, đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý hiện vật, hình ảnh gắn với các danh mục, chủ đề như: “Quân khu 7-Uống nước nhớ nguồn, nghĩa tình đồng đội”, “LLVT Quân khu 7-Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Xuân chiến sĩ”... Hiện nay, Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ được cấp trên giao triển khai Đề án “Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng vô cùng tự hào vì đề án gắn với chiến dịch lịch sử mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước ngoặt, có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, mang lại chiến thắng lịch sử, vĩ đại mùa Xuân năm 1975.
Ở bảo tàng LLVT của vùng đất Đông Nam Bộ có nhiều chứng tích chiến tranh, những sự kiện trọng đại của đất nước, gắn với chiến công lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây, ký ức lịch sử, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của giai đoạn lịch sử hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên qua những hiện vật, kỷ vật, tư liệu được cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nâng niu, gìn giữ.
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN
nguồn báo quân đội nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét